CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:03

Bỏ Intel sang ARM, Apple chuẩn bị trao cho các coder yêu Mac một bất ngờ cay đắng?

Có thể nói rằng, khi nhìn nhận từ góc độ công nghệ, sản phẩm quan trọng nhất của Apple năm nay sẽ không phải là iPhone hay iPad Pro mà là những chiếc Mac dùng chip ARM sắp sửa ra mắt. Sau 15 năm gắn bó với "người bạn thân" Intel, Apple sẽ chuyển máy Mac sang dùng chip tự thiết kế dựa trên tham chiếu của ARM. Bước đi này được coi là đặc biệt hiếm thấy trong lịch sử Apple nói riêng và lịch sử công nghệ nói chung. Ngay đến Microsoft, đối thủ lớn của Apple, vẫn chưa thể tối ưu hệ điều hành PC của mình cho nền tảng chip vốn bị coi là chỉ dành cho thiết bị di động.

Thực tế là từ lâu Apple đã nổi tiếng với khả năng tùy biến chip siêu đẳng và quả thật chuyển Mac sang ARM sẽ đem lại những lợi ích riêng. Những chiếc Mac Mini "mẫu" dùng A12Z khi chạy giả lập vẫn có thể vượt mặt chip Intel Core về hiệu năng CPU và GPU tích hợp. Khi tùy biến con chip của chính mình, Apple có thể làm được điều mà những chiếc máy Mac Intel (hay Windows/Linux) chỉ có thể mơ đến: Cho phép CPU và GPU chia sẻ bộ nhớ chung, sở hữu các tính năng chuyên biệt (như xử lý ML/DL) hoặc tăng bảo mật khi dùng cả chip vào khâu mã hóa.

Tuy vậy, những lợi thế này cũng sẽ khiến Apple phải chấp nhận nhiều đánh đổi. Một vài trong số đó có thể tạo ra những "thảm họa" dành cho coder.

 - Ảnh 1.

Đầu tiên và dễ nhận thấy nhất, nhà phát triển ứng dụng Mac sẽ bắt buộc phải tiến hành kiểm thử lại ứng dụng của họ, bao gồm cả những ứng dụng vốn đã đang chạy tốt trên MacOS nền Intel. Cần phải chỉ ra rằng, Apple đã nỗ lực hết sức để thuyết phục các coder rằng việc đưa app có sẵn lên ARM là hết sức dễ dàng: Nhà phát triển chỉ cần thêm một bản build cho arm64 trên Xcode. Nhưng nếu đã có kinh nghiệm làm phần mềm, bạn chắc chắn sẽ hiểu rằng coder không thể chỉ nhấn nút Build rồi gửi ngay lập tức gửi thành phẩm tới người dùng. Chưa bàn đến việc công ty nhà phát triển app cho Mac phải bỏ tiền ra mua máy Mac ARM mới, họ sẽ phải tính đến chuyện gia tăng nhân lực cho khâu kiểm thử. 

Việc kiểm thử lại sau khi chuyển đổi là bắt buộc. Bài học đến từ chính Apple 15 năm trước: Khi Mac được chuyển từ PowerPC sang Intel, nhà Táo cũng đưa ra những lời hứa rất mỹ miều với Rosetta (giả lập) và Universal Library (biên dịch cả 2 kiến trúc chip). Sau gần 1 năm, nhiều nhà phát triển lớn như Aspyr, Adobe hay "người bạn thân" Microsoft vẫn chưa thể hoàn thiện các ứng dụng cho Mac Intel. Khó hiểu nhất trong số này có lẽ là Microsoft: Dù là một nửa còn lại của bộ đôi "Wintel", dù luôn coi MacOS là một nền tảng quan trọng để bán Office, Microsoft vẫn không thể ra mắt Office 2008 for Mac đúng hẹn và cũng chẳng thể giải quyết hết vấn đề của phần mềm này khi lên kệ.

 - Ảnh 2.

Tại WWDC 2020 vừa qua, Adobe và Microsoft lại xuất hiện. Cả 2 đều được Apple giới thiệu với vai trò là những người bạn đồng hành quan trọng trong hành trình từ Intel tới ARM. Nhưng bài học quá khứ vẫn còn đó. Cho đến tận 2009, nhiều ứng dụng của Adobe vẫn còn đầy lỗi trên máy Mac chạy Intel. Theo thống kê của Cnet năm 2009, ngay cả một số ứng dụng của chính Apple cũng vẫn gặp vấn đề trên Mac chạy Intel. Nếu ngay chính Apple lẫn những gã khổng lồ phần mềm lớn như Adobe và Microsoft còn gặp nhiều rắc rối đến vậy, liệu các nhà phát triển macOS khác có thể yên tâm? 

 - Ảnh 3.

Đọc đến đây, bạn có thể đã đặt ra câu hỏi: nhưng tôi không phát triển cho MacOS mà chỉ dùng Mac để thực hiện công việc DevOps, để code Python, NodeJS hay Java, để code app cho Android và iOS, liệu tôi có cần lo lắng? Câu trả lời vẫn là có. Chúng ta đang nói đến những thay đổi có tính chất lan tỏa. Quyết định thay đổi lớn này của Apple không ảnh hưởng trực tiếp đến bạn, mà ảnh hưởng trực tiếp đến những người tạo ra CÔNG CỤ KIẾM CƠM cho bạn. Google rất yêu Mac và Microsoft, Jetbrains hay Oracle cũng vậy. Khi Apple chính thức "nghỉ chơi" với Intel nhưng Jetbrains và Google vẫn gặp vấn đề trong việc hoàn thiện IntelliJ và Android Studio cho Mac ARM chẳng hạn, việc code Java hay ứng dụng Android của bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Và hiển nhiên sẽ có những coder bị ảnh hưởng trực tiếp chứ chẳng phải là gián tiếp nữa. Dễ thấy nhất là nhóm coder cần dùng Windows trên Mac. Khi Windows chạy trên chip ARM của chính Microsoft đồng thiết kế (Surface Pro X) còn gặp vấn đề, chúng ta chẳng thể nào hy vọng vào một trải nghiệm Windows chất lượng trên chip ARM của Apple. Mua Mac mà lại cài Windows nghe có vẻ rất buồn cười nhưng lại là cực kỳ hợp lý. Với những công nghệ phát triển chéo (cross platform) như Xamarin của Microsoft hay Flutter của Google, bạn vẫn cần máy Mac để build phiên bản iOS. Chuyển qua lại giữa MacOS và Windows trên Bootcamp cũng là lựa chọn hợp lý nếu bạn thường xuyên phải làm việc trên server Linux nhưng thi thoảng lại cần đến PowerShell, hoặc nếu bạn xây dựng reports trên Oracle/AWS và PowerBI chẳng hạn.

Cho đến tận bây giờ, máy Mac dùng chip Intel vẫn là những cỗ máy DUY NHẤT có khả năng hỗ trợ mọi nền tảng. Việc chuyển sang ARM sẽ khiến thế mạnh ấy biến mất. 

 - Ảnh 4.

Đáng lo ngại nhất, các coder dùng Mac có thể phải đối mặt với một thảm họa không thể cứu chữa nổi: Máy Mac mất vai trò là một cỗ máy dễ dùng, nhiều phần mềm thương mại chất lượng và tương thích với Linux.

Lo ngại này đến từ chính Linus Torvalds, người đã sáng tạo ra Linux. Đầu năm 2019, khi Mac ARM mới chỉ là tin đồn, cha đẻ của hệ điều hành đang thống trị thị trường máy chủ (và cũng là hệ điều hành có tính tương thích rất cao với MacOS) đã thẳng thừng đứng về phe Intel/AMD: "Nếu bạn phát triển trên x86, bạn sẽ muốn deploy trên x86… Điều này vẫn đúng ngay cả khi bạn phát triển những thứ có vẻ là cross platform như là chạy script Perl chẳng hạn. Đơn giản là vì bạn cần có môi trường [dev và deploy] càng giống nhau càng tốt".

Theo số liệu thống kê của IDC tháng 6 vừa qua, x86 vẫn đang chiếm đến 90% thị trường máy chủ. Quan điểm của Linus cho rằng việc phát triển trên ARM và triển khai lên x86 sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề. Chỉ ít lâu nữa thôi, coder dùng Mac sẽ phải đối mặt với những vấn đề này: Thị trường máy chủ vẫn sẽ dùng x86 nhưng Apple lại chỉ bán ra PC dùng ARM.

 - Ảnh 5.

Apple hiển nhiên đã biết đến lo ngại này. Tại WWDC, công ty của Tim Cook đã không quên demo phần sử dụng phần mềm giả lập Parallels để chạy Linux Debian. Nhưng, cho đến giờ cả Apple và Parallels (công ty độc lập) vẫn mập mờ về việc bản Debian trên là arm64 hay x86_64. Xét tới việc Rosetta không hỗ trợ nhiều tập lệnh hiệu suất cao của x86 (như AVX), rất có thể Mac ARM vẫn không thể giả lập x86_64, cùng lắm chỉ hỗ trợ x86_32 mà thôi. Gần như chắc chắn, Apple đã đem Debian arm64 ra demo để trấn an lo ngại về x86. 

Ở phía ngược lại, Microsoft tiếp tục thể hiện tình yêu ngày một bền chặt với Linux thông qua Terminal mới, thông qua lớp giả lập WSL và nhiều nỗ lực khác nhằm cho phép coder dùng Windows vẫn có thể thao tác Linux một cách dễ dàng. Còn máy Mac, từ chỗ là một lựa chọn phần cứng bao trùm tất cả các nền tảng phần mềm sẽ dần trở thành một lựa chọn dành riêng cho coder iOS, iPadOS và các hệ điều hành của riêng nhà Táo.

Đó có phải là một cái giá xứng đáng để từ bỏ Intel?

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh