Bộ GTVT không lường trước được sự việc ở BOT Cai Lậy
- Tây Y
- 00:45 - 18/08/2017
Gần 100 phóng viên tham gia họp báo.
Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ không lường trước được sự việc ở BOT Cai Lậy. Bộ đang tập trung các cơ quan chức năng và tích cực trao đổi với Tiền Giang để xử lý. Ngoài ra, Bô GTVT sẽ trao đổi với chủ đầu tư và các đơn vị tín dụng. Còn việc đảm bản an ninh an toàn thì địa phương xử lý là chính.
Trả lời câu hỏi về việc vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đường làm từ ngân sách nhà nước cũng có trạm thu phí, việc này đã có từ lâu. Trạm BOT Cai Lậy được đặt trên phạm vi dự án. Cơ sở đặt trạm được xác định trên phạm vi dự án. Chính phủ đã chỉ đạo những trạm đã đặt sẽ được rà lại để đưa về khu vực phù hợp. Ông Đông khẳng định, việc đặt trạm có lấy ý kiến của địa phương, Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu quốc hội.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin và trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo.
Vấn đề mà các phóng viên quan tâm là việc sửa chữa, tăng cường mặt quốc lộ 1 có phải là cái cớ để hợp thức hoá việc thu phí tại Cai lậy? Thứ trưởng Đông cho hay: Bảo trì đường bộ chỉ là vá đường, sửa chữa đơn giản, chứ không thể cải tạo nâng cấp được. Theo Luật đầu tư và Nghị định 108 cho phép huy động vốn BOT, ở quốc lộ 1 này là nâng cấp cải tạo mặt đường, các cầu và hệ thống thoát nước.
Về so sánh của phóng viên giữa phí Cai Lậy cao hơn nhiều so với phí đường cao tốc Trung Lương, trong khi quãng đường ngắn hơn, chất lượng đường Trung Lương tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giải thích: “Ở đây 2 phương thức thu phí khác nhau và nguồn vốn đầu tư cũng khác nhau. Cao tốc Trung Lương sử dụng vốn ngân sách và không giới hạn thời gian bao lâu, với mức 1.000 đồng/km, thu theo hình thức thu phí kín. Đây là phương pháp hiện đại, đảm bảo công bằng nhất. Trong khi đó, BOT Cai Lậy thu phí theo lượt, đảm bảo thời gian hoàn vốn, thời gian thu phí và hài hoà lợi ích các bên”.
Về trách nhiệm của các bên liên quan đến bất cập của trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Đông nói: “Sai đến đâu sẽ xử lý đến đó. Việc xử lý đầu tiên là nhà đầu tư dự án, căn cứ vào hợp đồng đầu tư; sau đó đến đại diện quản lý nhà nước là Tổng cục Đường bộ và địa phương là tỉnh Tiền Giang. Chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm các bên để có xem xét cụ thể, theo quy trình để xử lý. Nếu có sai sót về mặt hình sự sẽ xử lý về mặt hình sự, tuy nhiên ở đây chưa phát hiện ra sai sót về mặt hình sự”.
Trước trạm BOT Cai Lậy đã từng có những dự án bị phản ứng như BOT Bến Thủy (Nghệ An), Quán Hàu (Quảng Bình), Tam Nông (Phú Thọ), Lương Sơn (Hòa Bình)... Câu hỏi đặt ra là vì sao Bộ GTVT không lường trước những bất cập để xảy ra những phản ứng từ người dân trong khi sửa dụng đường bộ và nộp phí đường bộ?
Thứ trưởng Bộ GTVT thừa nhận có những trạm BOT bất hợp lý, có những nơi dự án BOT chưa được đồng thuận ở người sử dụng và người đầu tư dự án. Bộ GTVT đang rà soát để điều chỉnh là sao cho phù hợp với phương án tài chính, lợi ích của người sử dụng đường bộ.