"Nếu không nhanh chóng, sẽ thua ngay trên sân nhà"
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 21:47 - 07/01/2017
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Tham gia đào tạo nguồn nhân lực: Doanh nghiệp phải chủ động
- Chính phủ giao Bộ LĐ - TB&XH nghiên cứu sửa Luật Giáo dục nghề nghiệp
- Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là tất yếu
- Tạo chuyển biến cơ bản trong giáo dục nghề nghiệp
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Cần thay đổi mạnh mẽ quản trị đại học".
Tại hội nghị diễn ra sáng 7/1, ở Đà Nẵng, khi đề cập tới môi trường đảm bảo chất lượng giáo dục - đặc biệt là giáo dục đại học hiện nay đang có nhiều bất cập, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về những người quản lý và cơ sở đào tạo.
Ông Nhạ nhìn nhận một trong những nguyên nhân khiến sinh viên ra trường không có việc làm đến từ phía nguồn "cung": Các trường hạn chế năng lực dự báo thị trường, chủ yếu đào tạo dựa vào năng lực đào tạo và kinh nghiệm vốn có.
"Nếu không nhanh chóng, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Nếu không chú ý, lao động của Philippines, Malaysia sẽ tràn sang Việt Nam, trong khi lao động Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu làm lao động chân tay".
Ngoài công tác dự báo, các trường đại học Việt Nam hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn "nội bộ", trong việc nâng cao chất lượng từ vấn đề đội ngũ, cơ sở vật chất cho tới tài chính.
Hiện nay, kinh phí cho đào tạo sinh viên đại học trung bình 13 triệu/năm, tương đương khoảng 500 USD. Trong khi đó, mức kinh phí chi cho 1 sinh viên ở Mỹ là 16.000 USD đối với các trường công lập và 36.000 USD với các trường tư thục. Điều này dẫn đến các trường hầu như phải tập trung toàn bộ thời gian cho việc mưu sinh để lấy thu bù chi, duy trì tồn tại; ít có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, tình hình hiện nay buộc các trường đại học phải thay đổi mô hình quản trị, "không thay đổi là chết".
Hiện nay quản lý đại học còn nặng tính hành chính, làm hạn chế tính sáng tạo của các trường.
Sắp tới, Chính phủ và Bộ GD&ĐT sẽ để các trường tự chủ theo hướng thị trường. Việc đầu tư vào trường sẽ theo hướng đặt hàng chứ không bao cấp.
Người đứng đầu ngành giáo dục xác định các trường cần phải thay đổi quan hệ với các đối tác - mà trực tiếp là doanh nghiệp. Không phải đại học uy tín thì ngồi đợi doanh nghiệp phải đến mà phải cạnh tranh rất mạnh.
Để thảo luận chuyên sâu về các chủ đề nêu trên, hội nghị đã chia thành 3 nhóm thảo luận. Nhóm 1: Các giải pháp nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.Nhóm 2: Các giải pháp tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng và nâng cao chất lượng đào tạo. Nhóm 3: Đổi mới quản trị đại học và thực hiện tự chủ đại học
"Phần lớn chúng ta dành nhiều thời gian cho đào tạo. Quản lý là chủ yếu, nặng tính vụ việc. Cần phải đổi từ quản lý sang quản trị đại học" - ông Nhạ khẳng định.
Ông Nhạ cũng cho rằng, cần phân định rạch ròi giữa những người làm khoa học chuyên môn và những người làm công tác quản lý. Hiệu trưởng các trường đại học không nhất thiết phải là giáo sư hay tiến sĩ, mà phải là những người quản lý giỏi.
Các nội dung thảo luận ưu tiên tập trung vào 3 vấn đề lớn, có ý nghĩa quyết định tới chất lượng đào tạo đại học: Đổi mới quản trị đại học và thực hiện tự chủ các trường đại học; các giải pháp đảm bảo chất lượng, thực hiện kiểm định chất lượng trong toàn hệ thống; đổi mới phương pháp đào tạo, kết nối với nhà sử dụng lao động để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Ông Nhạ cũng cho biết, sắp tới, Bộ sẽ không tham gia nhiều vào công tác tuyển sinh của các trường mà chỉ tập trung vào việc hoạch định chiến lược cho ngành.
Việc quan tâm quá về thi cử mà chưa quan tâm tới những vấn đề cốt lõi của giáo dục - cũng có nguyên nhân chính từ những người làm giáo dục - đã tạo ra cái nhìn một chiều trong xã hội khiến bầu không khí về chất lượng giáo dục đại học, thất nghiệp lâu nay ảm đạm. Từ đó, ông Nhạ mong muốn các trường sẽ kiến nghị các giải pháp từ thực tiễn để giải quyết những vấn đề trên chứ không phải báo cáo thành tích hay phản ánh bức xúc.