Bộ Công Thương: Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá xăng
- Huyệt vị
- 14:02 - 28/05/2020
Báo Hà nội mới cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ thị Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường rà soát việc thực hiện các điều kiện về kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trong việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.
Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu trên cả nước (kiểm soát chặt chẽ chất lượng, số lượng, giá bán xăng dầu kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu); thực hiện các hoạt động kiểm tra chấp hành pháp luật tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, các hành vi kinh doanh hàng kém chất lượng.
Vụ Dầu khí và Than yêu cầu các nhà máy lọc dầu trong nước đảm bảo sản xuất ổn định, cung ứng đủ số lượng, chủng loại xăng dầu theo kế hoạch sản xuất đã được phê duyệt.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần theo dõi sát diễn biến thị trường, nhất là hoạt động bán xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, thông tin nhanh đối với các vấn đề phát sinh về Bộ Công Thương để phối hợp xử lý; giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn.
Theo báo cáo của các đơn vị đầu mối xăng dầu với Bộ Công Thương, những đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam-CTCP (PVoil)... đã cung cấp vượt tới hơn 60% nhu cầu của thị trường. Nhưng thời gian qua, các đại lý thấy đầu mối nào chiết khấu cao thì tăng nhập, không tuân thủ theo quy định "chỉ nhập tại một đầu mối để bảo đảm chất lượng". Vì vậy, khi giá xăng dầu tăng, chiết khấu giảm, đại lý quay lại nhập thì các doanh nghiệp đầu mối không cân đối đủ hàng.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, tình trạng này đã xảy ra tại 11 địa phương trên cả nước với nhiều cách thức khác nhau. Cụ thể, tại tỉnh Bắc Giang có 3 doanh nghiệp, cửa hàng nghỉ bán; tỉnh Hải Dương có phản ánh về nguồn cung xăng dầu nhỏ giọt, khó lấy hàng; tỉnh Gia Lai có 2 cửa hàng đóng cửa, không bán; tỉnh Đắk Lắk có 3 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa, không bán…
“Ngay khi có phản ánh, chúng tôi đã yêu cầu các Cục Quản lý thị trường tại địa phương lập tức kiểm tra và có báo cáo nhanh về Tổng cục. Kiểm tra tại Hà Nội trong sáng 27/5 cũng cho thấy đã xảy ra cách thức mới là chỉ bán hàng với một lượng nhất định cho khách...”, ông Trần Hữu Linh cho biết.
VOV.VN cho hay, trước những thông tin về việc thị trường xăng dầu có tình trạng găm hàng, “bán nhỏ giọt”, có cây xăng treo biển “hết xăng”…, cùng với chỉ đạo các đơn vị, lực lượng quản lý thị trường lập tức vào cuộc kiểm tra. Ngày 27/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu và thực hiện các quy định về kinh doanh xăng dầu.
Nội dung Chỉ thị nêu rõ: Hiện, dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới có chiều hướng giảm, các nước bắt đầu triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhu cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng tăng trở lại, thị trường xăng dầu trong nước và thế giới đang có diễn biến phức tạp.
Trong nước, sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh. Đồng thời, một số nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế cắt giảm công suất, tận dụng thời gian xảy ra dịch bệnh để thực hiện việc bảo dưỡng nên nguồn cung xăng dầu thành phẩm bị sụt giảm.