Bố bỏ đi không về, 5 đứa trẻ mờ mịt tương lai trong căn chòi rách nát
- Dược liệu
- 13:51 - 13/09/2020
Chồng bỏ đi 3 năm, một mình mẹ gắng gượng nuôi 5 đứa con
Những ngày giữa tháng 9, chúng tôi tìm về ấp Cây Gáo, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh để thăm hoàn cảnh của chị Kim Thị Khiêu (42 tuổi). Căn nhà xập xệ được dựng tạm bợ vài ba tấm tôn cũ là nơi chị Khiêu sinh sống cùng 5 đứa con.
Căn nhà được dựng tạm bợ bằng lá dừa và tôn cũ là nơi trú ngụ của 6 mẹ con chị Khiêu.
Ngồi trên chiếc giường cũ, 4 đứa trẻ nhem nhuốc, quần áo cũ kỹ tựa vào người chị Khiêu, thỏ thẻ: "Anh con đi hái dừa từ sáng rồi, tụi con mới ăn mì, chờ anh con về mới có gạo nấu cơm".
Đưa đôi mắt ái ngại nhìn chúng tôi, chị Khiêu cho biết, vì hoàn cảnh khó khăn lại ít học nên khi sinh tận 8 đứa con, gia đình càng thêm kiệt quệ. Gần 3 năm trước, chồng chị Khiêu không nói không rằng bỏ đi lên thành phố lập nghiệp, 2 đứa con lớn cũng theo bố, đứa con gái thì lấy chồng, có cuộc sống riêng. Một mình chị Khiêu phải gồng gánh nuôi 5 đứa con nhỏ dù cho trên danh nghĩa, anh chị vẫn còn là vợ chồng.
Người mẹ bật khóc khi nhắc đến bố của 5 đứa trẻ, 3 năm qua, một mình chị phải gắng gượng để nuôi các con
Những đứa trẻ, sống trong cảnh thiếu thốn mọi bề
"Ảnh bỏ đi rồi không có về, không gửi tiền về luôn, thằng Kiệt, Chí nghỉ học rồi, trong nhà có 2 đứa Lưu - Luyến là đi thôi", chị Khiêu nói.
Trong số 5 đứa con đang sống cùng chị Khiêu, Thạch Tam Mao (7 tuổi) khuyết tật bẩm sinh, suốt ngày chỉ biết ú ớ cười đùa, không nói chuyện được. Đôi bàn tay của em cũng cong vẹo, cầm nắm mọi vật rất khó khăn.
Tam Mao bị dị tật từ nhỏ, em không thể nói chuyện, giao tiếp được với mọi người.
"Thằng bé bị khuyết tật từ nhỏ, lúc trước tôi cũng có đưa con đi chữa bệnh nhưng không có bớt. Giờ đành để nó như vậy, nó ngoan lắm, có bao giờ khóc lóc, làm nũng đâu", chị Khiêu hướng mắt về phía đứa con trai út, xót xa.
Ngồi trong lòng mẹ, Tam Mao chốc chốc lại đưa đôi bàn tay dị tật của mình lên gãi đầu. Dù đã 7 tuổi nhưng con chẳng khác gì đứa trẻ lên 3. Trò chuyện với chị Khiêu được một lúc thì từ ngoài ngõ một cậu bé dắt chiếc xe đạp cũ đi vào, nhìn chúng tôi cười hiền.
Chị Khiêu cho biết dù đã cố gắng chạy chữa nhưng bệnh của đứa con trai út không thể cải thiện
Em là Kiệt (15 tuổi), sau khi bố cùng 3 anh chị em khác bỏ đi, em bỗng trở thành trụ cột trong nhà, phụ mẹ lo lắng, chăm sóc cho mấy đứa em thơ dại. Để có tiền trang trải cuộc sống, Kiệt đành phải nghỉ học khi vừa học xong lớp 3, mỗi ngày em phải thức dậy từ sớm đi hái dừa, lột dừa cho chủ vựa, đổi lấy 100 ngàn đồng.
Nở nụ cười ngượng, Kiệt tâm sự: "Bố em lâu lâu cũng có về bên nội nhưng không về nhà, em thương mẹ lắm, em không có mệt đâu, em muốn kiếm tiền để lo cho mẹ, cho mấy đứa em".
Kiệt (15 tuổi) trở thành trụ cột chính của gia đình.
Chí (14 tuổi) ăn vội tô mì nở rồi đi chăn bò mướn.
Cũng giống như Kiệt, Chí (14 tuổi) cũng chỉ học được đến lớp 3, mỗi ngày em phải đi chăn bò mướn cho người ta để phụ giúp cho mẹ. Cầm tô mì đang ăn dở, Chí thỏ thẻ: "Em muốn tụi em được ăn no, không phải đói bụng, trời mưa nhà không còn dột nữa. Em nghỉ học cũng buồn, nhưng mẹ cực lắm, em không muốn mẹ vất vả".
"Tụi con sợ không được đến trường nữa..."
Nép mình vào góc nhà, Lưu - Luyến (10 tuổi, 2 chị em sinh đôi) chia nhau phần bánh kẹo mà chúng tôi mang tới, 2 đứa trẻ đen nhẻm, lem luốc ngồi sát lại bên nhau, hướng đôi mắt to tròn, khuôn mặt sáng láng về phía trước. Luyến tâm sự: "Con với chị Lưu học đến lớp 3 rồi, nhưng tụi con sợ không được đến trường nữa, lại phải nghỉ học giống 2 anh".
Ánh mắt của chị em Lưu - Luyến, mong muốn được tiếp tục đi học.
Từ lúc bố bỏ nhà ra đi, mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ dồn lên vai chị Khiêu. Để có tiền lo cho mấy đứa con, ai kêu gì chị Khiêu làm nấy từ đồng áng đến phụ việc nhà, hôm nào rảnh chị lại tranh thủ nhận đan thêm khung làm giỏ, mỗi ngày kiếm thêm khoảng 20 ngàn.
"Tôi cũng ráng cho 2 đứa nhỏ được đi học, tôi sợ đời của tụi nó sẽ giống tôi, không được học hành đàng hoàng, mà giờ lo ăn uống còn không làm được, tôi thấy mình vô dụng quá", nói đến đây, giọng chị Khiêu nghẹn lại.
Chị Khiêu bật khóc khi nhìn đàn con thơ luôn đói ăn, thiếu mặc.
Trên giường, những gói mì được bẻ vụn vẫn còn nằm nguyên trong tô, trên khuôn mặt cười suốt ngày của Tam Mao, còn vương lại sợi mì gói. Nhìn căn bếp lạnh tanh, trống hoác, Kiệt tâm sự: "Bình thường tụi em sẽ ăn mì thay cơm, hôm nào có tiền mua thức ăn thì mẹ mới nấu cơm, lâu lâu mới được ăn thịt cá nhưng em không ăn, em để cho thằng Tam Mao nó ăn, nó thích lắm".
Kiệt cho biết em rất nhớ bố nhưng không thể nào gặp được.
Khi được hỏi về người bố của mình, Kiệt cho biết bản thân em và 4 đứa trẻ còn lại đều rất nhớ bố, nhưng đã lâu lắm rồi bố không về nhà để thăm mấy mẹ con. Có đợt bố về nhà nội để làm lại chứng minh nhân dân, mấy anh em lại chạy ùa qua nhà nội để gặp bố. Không có bố bên cạnh, Kiệt ngày càng trưởng thành hơn, em cho biết dù mỗi ngày đi làm việc dù mệt mỏi đến đâu, chỉ cần về nhà thấy mẹ và các em có cơm ăn, áo mặc là em hạnh phúc lắm rồi.
Nói về ước mơ của mình, 2 chị em Lưu - Luyến bộc bạch: "Tụi con thích làm bánh và sau này muốn mở tiệm bánh, nhưng mà giờ tụi con muốn đi học chữ".
Vẻ nhem nhuốc, lấm lem của những đứa trẻ nhà chị Khiêu, chẳng biết khi nào chúng mới thoát khỏi cảnh cơ cực.
Đưa đôi mắt đỏ hoe nhìn những đứa con thơ dại, chị Khiêu cho biết, dù hiện tại cuộc sống gia đình còn nhiều vất vả nhưng chị sẽ ráng để 2 đứa con gái không phải nghỉ học giữa chừng. Riêng đứa con trai út Tam Mao, chứng bệnh dị tật bẩm sinh đã khiến con trở thành một đứa trẻ chẳng thể nói năng, giao tiếp với mọi người.
Công việc bấp bênh từ việc đan giỏ của chị Khiêu không đủ để các con của chị có được cơm ngày ba bữa.
Nhìn 5 trẻ lem luốc trong căn nhà chẳng có gì là đáng giá rồi nghĩ về ước mơ của Lưu - Luyến khiến chúng tôi cảm thấy chạnh lòng. Dù biết rằng việc sinh quá nhiều con là nguyên nhân chính dẫn đến hạnh phúc gia đình không trọn vẹn, những đứa trẻ không đủ cơm ăn, áo mặc nhưng vẫn hi vọng rằng, bằng tình thương dành cho tụi nhỏ, quý độc giả gần xa có thể chia sẻ, tiếp thêm động lực để gia đình chị Khiêu có được một cuộc sống đủ đầy hơn.
Hi vọng những điều tốt đẹp, tươi sáng hơn sẽ đến với gia đình chị
Thông qua bài viết này, hi vọng rằng quý mạnh thường quân có thể giúp đỡ để 2 bé Lưu - Luyến được tiếp tục đến trường, gia đình có thêm điều kiện để sang sửa lại căn nhà xập xệ.
Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại chị Khiêu: 0399239074.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 1016250392.
Chủ tài khoản: Kim Thị Khiêu, chi nhánh tỉnh Trà Vinh.
Xin chân thành cảm ơn!