Bình Thuận: Đặt mục tiêu năm 2023 sẽ giảm 0,52% hộ nghèo toàn tỉnh
- Dược liệu
- 09:16 - 27/04/2023
Năm 2022, tỉnh Bình Thuận đã triển khai tương đối đồng bộ và kịp thời các chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống, thu nhập của người dân nói chung và phần lớn người nghèo được cải thiện rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số được cải thiện. Kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2022 cho thấy, Bình Thuận còn 8.659 hộ nghèo (chiếm 2,58% số hộ toàn tỉnh); trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 32,35%.
Cùng với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương, chính sách đầu tư ứng trước của Bình Thuận đã khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tạo sức bật giảm nghèo bền vững. Chính sách đầu tư ứng trước được tỉnh Bình Thuận triển khai đến các hộ đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống và có đất sản xuất nông nghiệp tại 11 xã thuần vùng cao và 20 thôn dân tộc thiểu số xen ghép thuộc xã miền núi, vùng cao tại các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc.
Theo đó, chính sách đầu tư ứng trước trợ cước vận chuyển giống, vật tư để hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã thuần vùng cao và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Được triển khai từ năm 2016 đến nay, chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp đồng bào có đủ giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng để sản xuất.
Việc thực hiện bao tiêu sản phẩm với giá cả phù hợp đã giúp người dân yên tâm, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, thúc đẩy phát triển sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện toàn tỉnh Bình Thuận đã xây dựng 11 cửa hàng ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, 13 đại lý ở các thôn dân tộc thiểu số xen ghép nhằm cung ứng kịp thời giống lúa, bắp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại và chi phí cày đất phục vụ sản xuất của đồng bào với tổng giá trị trên 16 tỷ đồng/năm.
Riêng năm 2022, Trung tâm Dịch vụ miền núi (thuộc Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận) đã cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư, hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất bắp lai, lúa nước; tập trung thu mua hết số lượng lúa, bắp lai thương phẩm do đồng bào sản xuất gắn với việc thu hồi nợ đầu tư ứng trước. Đặc biệt, toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư ứng trước cho 1.019 hộ dân với số tiền 16 tỷ đồng; trong đó, đầu tư ứng trước cây bắp lai cho hơn 900 hộ với số tiền 15,4 tỷ đồng. Kết thúc mùa vụ, Trung tâm tổ chức thu mua bắp lai thương phẩm, lúa nước, mủ cao su gắn với thu nợ đầu tư.
Cùng với việc triển khai thực hiện đầu tư ứng trước theo tiến độ sản xuất và thu mua nông sản, Trung tâm Dịch vụ miền núi còn phối hợp với các đơn vị, công ty tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, thâm canh cây bắp lai, lúa nước tại vùng có thực hiện đầu tư; hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, phù hợp trên từng địa bànTriển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, tỉnh Bình Thuận đề ra mục tiêu giảm 0,52% hộ nghèo toàn tỉnh và đảm bảo người nghèo được thụ hưởng các chính sách trợ giúp để cải thiện điều kiện sống; tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.
Theo đó, tỉnh tập trung các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với hộ nghèo như tín dụng ưu đãi, chính sách y tế, hỗ trợ giáo dục, nhà ở...; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều…
Để đạt mục tiêu trên, các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh phải xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp. Từ đó đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững; tiếp tục phát động phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh việc tập trung thực hiện có hiệu quả các dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, các cấp, ngành tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ bằng nhiều hình thức thông qua hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình giảm nghèo; gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm…