THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:49

Bình Phước đảm bảo an sinh xã hội trước đại dịch Covid-19

Hỗ trợ việc làm cho lao động

Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, việc làm, đời sống của các hộ gia đình. Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, chăm lo tốt an sinh xã hội. Tỉnh đã huy động sự góp sức các tổ chức, cá nhân chăm lo đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách.

Với mong muốn không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch, địa phương đang tiếp tục triển khai các chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người lao động mất thu nhập do tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, hỗ trợ người lao động ngừng việc.

Bộ đội hỗ trợ cho người dân thu hoạch nông sản

Bộ đội hỗ trợ cho người dân thu hoạch nông sản

Theo ông Trần Đại Kỳ, GĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Phước (Trung tâm), từ cuối tháng 6 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại tỉnh dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp dừng hoạt động, các doanh nghiệp hoạt động phải thực hiện các biện pháp 3 tại chỗ để hoạt động sản xuất, dẫn đến nhiều lao động mất việc làm, thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, giãn cách việc luân phiên đã tác động không nhỏ đến công việc cũng như cuộc sống của người lao động. Để tăng cường hỗ trợ người lao động linh hoạt, kết nối cung cầu lao động, Phòng Dịch vụ việc làm đã tăng cường, chủ động hàng tháng thu thập và cập nhật các thông tin tuyển dụng gửi các địa phương nắm bắt tuyên truyền đến người lao động.

Đồng thời sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để lan tỏa đến người lao động, thông tin việc làm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp được trung tâm đăng tải trên các trang web, facebook, zalo…

Trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Theo ông Kỳ, qua thống kê cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong 9 tháng: 386 lao động có nhu cầu tìm việc làm; 281 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với số lượng 150.441 việc làm trống; 6.738 tư vấn hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Và hiện 312 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 162.455 vị trí việc làm trống; 413 lao động có nhu cầu tìm việc làm.

Nhằm kết nối thị trường lao động sau dịch Covid-19, Trung tâm phối hợp với Phòng Nội vụ/LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố nắm bắt nhu cầu tìm việc làm của người lao động trên địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng; thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại các địa phương có nhu cầu. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm: Đối với các xã vùng xanh, tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm lưu động với quy mô nhỏ để kết nối người lao động ngay tại thời điểm họ đang mất việc làm; 1 phiên giao dịch việc làm trực tuyến (Online) các vùng còn lại nhằm hỗ trợ khôi phục sản xuất ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chính sách đến với người nghèo, dân tộc thiểu số

Tỉnh Bình Phước đã tích cực triển khai các giải pháp, với mục tiêu: "Không để đồng bào bị thiếu đói do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”. Bên cạnh các chủ trương, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho bà con, các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thiện nguyện cũng thường xuyên có các hoạt động thăm, tặng quà, hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực… cho đồng bào DTTS gặp khó khăn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ kịp thời đối với lao động là người DTTS từ vùng dịch trở về địa phương, nhất là các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lý Trọng Nhân trao tặng gạo cho người dân

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lý Trọng Nhân trao tặng gạo cho người dân

Gia đình anh Điểu Văn Dũng, người dân tộc S'Tiêng (huyện Lộc Ninh, thuộc diện khó khăn, chủ yếu đi làm mướn) vừa nhận số tiền từ gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Hiện nay, dù phần lớn các xã ở huyện Lộc Ninh đã nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch nhưng với những người lao động tự do như anh Dũng, để tìm kiếm việc làm là điều không dễ. Anh Dũng tâm sự: “Trước đây, tôi làm thuê, từ khi có dịch tới giờ không đi làm, chỉ quanh quẩn ở nhà và làm vườn. Vừa rồi, được Nhà nước hỗ trợ hơn 1 triệu đồng, tôi rất mừng. Với số tiền này, chúng tôi chi tiêu tiết kiệm trong lúc khó khăn”.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Huỳnh Thị Thùy Trang cho biết, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, tính đến nay, tỉnh Bình Phước đã chi hỗ trợ 2 gói an sinh với tổng số tiền hơn 89 tỷ đồng. Trong tổng số tiền hơn 89 tỷ đồng, Bình Phước đã chi hỗ trợ cho 89.269 đối tượng được phê duyệt, trong đó: Lao động tự do hơn 76.460 người với số tiền hỗ trợ trên 76,8 tỷ đồng; số còn lại là lao động bị ngưng việc, không có thu nhập do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Cùng với đó, tỉnh Bình Phước chi hỗ trợ 1 lần 700.000 đồng/người đối với công dân Bình Phước là người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập và sinh viên thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang ở tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, bà Thùy Trang cho biết.

Đến nay, tỉnh cũng đã hoàn thành việc cấp hơn 559 tấn gạo từ nguồn dự trữ Quốc gia cho 37.316 người dân khó khăn; đồng thời đang xem xét hỗ trợ thêm cho khoảng 71.000 người.

Việc chi hỗ trợ đến tận tay người thụ hưởng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, thời gian chi gấp rút… nên tỉnh gặp không ít khó khăn từ thống kê, rà soát đối tượng... Tuy nhiên đến nay, từ việc chi đúng, chi đủ cho từng đối tượng đã góp phần giải quyết kịp thời khó khăn cho người dân tỉnh nhà bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh