THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:28

Bình Dương: Xã hội hóa công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em

Luôn lắng nghe trẻ em nói 

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; sự phối kết hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thời gian qua,  đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến huyện, xã luôn cố gắng, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên ở các khu, ấp được hình thành và đi vào hoạt động từ đầu năm 2012, đã từng bước đưa các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào nề nếp.

 Công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc,  xã hội hóa về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng thu hút được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Theo ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương: Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em luôn được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp, sở, ban, ngành và toàn thể xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần cho trẻ ngày một nâng cao. Nhà văn hóa, khu vui chơi, sân chơi dành cho trẻ em ngày càng được xây dựng và đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là trẻ em thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, tạo cơ hội cho trẻ em được phát triển năng khiếu, vui chơi an toàn để phát triển.

Ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương (bên phải) trao quà cho trẻ em. 

Vào các dịp lễ, Tết trẻ em luôn được ưu tiên hàng đầu. Cụ thể Tết Nguyên đán vừa qua, tỉnh đã tặng 23.800 phần quà cho trẻ em, trong đó có 1.367 trẻ em được thăm tặng quà từ ngân sách nhà nước và tổ chức 2.900 điểm vui chơi miễn phí cho trẻ em với tổng kinh phí 3 tỷ 500 triệu đồng (trong đó: ngân sách là 1tỷ 600 triệu đồng, vận động 1 tỷ 900 triệu đồng).

Các hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em: Cấp tỉnh đến cấp huyện, tổ chức các hoạt động chính như: Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, các cấp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2015, tổ chức Diễn đàn trẻ em tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố với chủ đề: “Lắng nghe trẻ em nói”. Tham mưu lãnh đạo sở thăm tặng 1.300 phần quà từ nguồn ngân sách cho em tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ “Trẻ em với phòng chống HIV/AIDS” và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng với tổng kinh phí 195 triệu đồng nhân Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Nhân dịp này toàn tỉnh có 37.039 trẻ em được nhận quà với tổng kinh phí là 2 tỷ 980 triệu đồng; trong đó ngân sách là 1 tỷ 400 triệu đồng (tỉnh: 220 triệu, huyện: 1 tỷ 378 triệu đồng), kinh phí vận động là 1 tỷ 580 triệu đồng thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và các tổ chức đóng trên địa bàn tỉnh.

Tết Trung thu năm 2015, toàn tỉnh đã tổ chức trên 400 tụ điểm vui chơi, giải trí, thu hút hơn 216.000 trẻ em tham gia với 174.499 trẻ em được nhận quà. Tổng kinh phí đầu tư là hơn 12 đồng; trong đó vận động là gần 9 tỉ đồng, ngân sách là trên 3,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, ngành tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội các cấp thực hiện việc rà soát cấp Thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo báo cáo của các huyện, thị tính trong năm 2015 cấp 15.000 thẻ cho trẻ em. Các ngành, các cấp đã thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em như: Tuyên truyền giới thiệu sách thiếu nhi; tổ chức các tủ sách lưu động và chiếu phim lưu động, biểu diễn văn nghệ phục vụ trẻ em vùng sâu, vùng xa. Chương trình đào tạo năng khiếu ngày càng phát triển thêm nhiều bộ môn, các môn bóng đá, cờ vua, võ thuật, hội họa, thanh nhạc, erobic, múa hiện đại, dân gian… đều được các trung tâm văn hóa của các huyện, thị, thành phố chiêu sinh thường xuyên, đặc biệt là trong dịp hè đã thu hút trên 7.000 trẻ em tham gia.

Thực hiện nhiều dự án thiết thực

Công tác tuyên truyền vận động xã hội hóa bảo vệ và chăm sóc trẻ em được phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân với nhiều hình thức như : Tổ chức các buổi tọa đàm, làm phóng sự  về chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em. Ngoài ra các phóng sự về trẻ em được lồng ghép vào các chương trình như “Hoa bốn mùa”, “Vì trẻ em tương lai”, “Dân số và phát triển”. Thực hiện trên 105 băng rôn cấp tỉnh, huyện tuyên truyền về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại và ngược đãi trẻ em trên các trục lộ chính.

Bên cạnh đó tỉnh luôn triển khai nhiều biện pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác BVCSTE với nhiều đợt tập huấn đến xã, phường. Đồng thời triển khai tư vấn tâm lý, pháp lý, chăm sóc y tế, can thiệp để trẻ được đến trường, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, các dịch vụ liên quan đến chính sách, phúc lợi xã hội, chuyển tuyến giúp trẻ được tiếp cận với các cơ sở điều trị, tư vấn điều trị, cơ sở nuôi dưỡng, dạy nghề hoặc gia đình chăm sóc thay thế.  Duy trì hoạt động của Ban kết nối dịch vụ Bảo vệ trẻ em cấp xã.

Năm 2016 tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động các câu lạc bộ “Bảo vệ và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng”. Các hoạt động đã được thực hiện gồm các hoạt động bảo vệ trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: Hoạt động trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật; hoạt động phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; hoạt động phòng ngừa trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực; hoạt động phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

NGỌC TÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh