Bình Dương: Thị trường lao động dồi dào, đa dạng hóa đào tạo nghề
- Bài thuốc hay
- 14:12 - 03/06/2021
Có tay nghề không lo thất nghiệp
Trong quý I/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương đã thực hiện tư vấn cho 17.186 lượt lao động, giới thiệu việc làm cho 11.414 lượt lao động và đã có 7.529 lao động có việc làm. So với cùng kỳ năm trước, nguồn cung tăng 16,8%, tỷ lệ có việc làm tăng 19,8%. Riêng đối với lao động hưởng BHTN, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 12.426 người nộp hồ sơ mới từ đầu năm đến nay.
Hiện sức hút của thị trường nguồn cầu với những ưu thế như: Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng, đa dạng việc làm, tiền lương, thu nhập tương đối cao và ổn định; môi trường, điều kiện làm việc, chế độ phúc lợi được quan tâm và đảm bảo… đã tạo ấn tượng tốt đối với nhiều người lao động trên khắp cả nước; đã lôi cuốn họ chọn Bình Dương là nơi lập nghiệp và phát triển bản thân. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để thu hút và giữ chân người lao động ngay cả khi có xảy ra tình huống dịch chuyển lao động ngược về các tỉnh.
Thực tế cho thấy, thị trường đang rất cần đội ngũ lao động đã được đào tạo nghề nghiệp các ngành như: Điện công nghiệp, điện tử, điện lạnh, tự động hóa, cơ khí chế tạo, cơ khí động lực, hàn, tiện… Tuy nhiên, số lượng này đáp ứng cho thị trường mỗi năm là rất ít; bên cạnh đó khi ra trường gia nhập thực tế chưa thể thạo việc, buộc doanh nghiệp phải hướng dẫn, đào tạo lại.
Trong quý 1, nhu cầu về nhóm nghề kỹ thuật là 7.350 lao động. Các doanh nghiệp luôn muốn chọn lao động có trình trung cấp, cao đẳng; chỉ một số ít yêu cầu phải đạt trình độ chuẩn đại học; hơn 20% nhu cầu không phân định rõ trình độ. Có những công việc chỉ cần trình độ THCS hoặc THPT như: Thống kê, nhập liệu, kho, thợ phụ điện tử, điện lạnh, học viên sửa chữa điện thoại, học viên vận hành máy; doanh nghiệp tổ chức đào tạo tại chỗ tuy nhiên việc tuyển dụng cũng khá khó khăn.
Thị trường cần 2.234 lao động trong nhóm nghề có chuyên môn, ngoài yêu cầu về kiến thức chuyên môn, vị trí việc làm trong nhóm nghề này còn đòi hỏi những kỹ năng, sự nhanh nhạy và giao tiếp cá nhân tốt. Chính vì vậy, công việc kế toán hay nhân viên văn phòng sẽ cần trình độ tối thiểu là trung cấp, doanh nghiệp vẫn ưu tiên cho những trình độ cao hơn và nhất là mới tốt nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn có một số việc làm trong nhóm nghề này chỉ cần tốt nghiệp THPT hoặc THCS nhưng phải biết vi tính hoặc tiếng Hoa hoặc yêu cầu cả hai kỹ năng.
Nhiều lớp đào tạo cung ứng lao động có tay nghề cho thị trường
Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương đã tổ chức khai giảng lớp đào tạo khởi sự và quản trị doanh nghiệp cho 120 học sinh, sinh viên (HSSV) từ các trường cao đẳng, trường trung cấp trên địa bàn tỉnh năm 2020 tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương.
Tham gia khoá tập huấn lần này có 120 học viên là học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường trung cấp và cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Trong 2 ngày 25 và 26/11, các học viên sẽ được nghe các doanh nhân, chuyên gia, giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích tài chính, hỗ trợ khởi nghiệp hoặc đã khởi nghiệp thành công giới thiệu, trao đổi và truyền đạt một số kinh nghiệm và kiến thức cơ bản về doanh nghiệp mới và sáng tạo trong doanh nghiệp; các yếu tố cần thiết để khởi sự, quản trị doanh nghiệp; một số kiến thức nền tảng, hình thành ý tưởng, đánh giá khả năng; thực hiện ý tưởng và thương mại hóa ý tưởng; kỹ năng nghiên cứu thị trường và quản lý tài chính…
Từ đó, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, chọn ra ý tưởng kinh doanh phù hợp với bản thân cũng như thị trường. Đặc biệt là giúp các học viên nắm vững kiến thức, kỹ năng để quản lý, điều hành doanh nghiệp và tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế khu vực, thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Song song đó, các em còn được trang bị thêm kiến thức pháp luật về khởi sự và quản trị doanh nghiệp; các loại thuế; tìm kiếm, huy động, quản lý nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp như: Luật Doanh nghiệp; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia; Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương - BIIC, được giới thiệu và hướng dẫn kỹ năng lập mô hình kinh doanh khi có ý tưởng khởi sự và quản trị doanh nghiệp…
Thông qua sự chia sẻ của các chuyên gia, doanh nhân trẻ tiêu biểu, giàu kinh nghiệm về vấn đề khởi sự và quản trị doanh nghiệp sẽ giúp các học sinh, sinh viên có định hướng đúng đắn và phù hợp để trở thành đội ngũ doanh nhân trong tương lai. Kết thúc khóa học, các em làm bài thu hoạch và 106 học viên được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo khởi sự, quản trị doanh nghiệp.
Đây là một trong những hoạt động của Kế hoạch thực hiện Đề án Thành phố thông minh năm 2020, nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực theo định hướng Binh Dương Navigator 2021.
Lao động nông thôn vững tâm khi có nghề
Ông Vương Tấn Phương, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng cho biết, xác định việc giải quyết việc làm cho LĐNT là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo nên huyện đã tập trung chỉ đạo tăng cường, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT; tập trung thực hiện có hiệu quả đề án giảm nghèo bền vững, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Để thúc đẩy công tác giải quyết việc làm cho LĐNT, huyện Bàu Bàng tăng cường mở các lớp đào tạo nghề nhằm trang bị thêm cho người dân những kiến thức, kỹ năng thực hành nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động. Huyện chủ động rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo, đồng thời tìm hiểu về nhu cầu học nghề, nhu cầu bồi dưỡng kiến thức của người lao động.
Năm 2020, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức hội nghị tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm mới cho 4.676 lao động; tư vấn giới thiệu việc làm, giới thiệu các lớp đào tạo nghề cho 50 quân nhân xuất ngũ trở về địa phương… Huyện cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các cơ sở dạy nghề và UBND các xã, thị trấn tổ chức 11 lớp dạy nghề cho LĐNT với 266 học viên gồm: 4 lớp xe nâng hàng, 4 lớp nấu ăn đãi tiệc và 3 lớp trang điểm. Nhiều LĐNT đã có thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp dạy nghề do địa phương phối hợp tổ chức, từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Ngoài ra, các phòng, ban chuyên môn của huyện còn phối, kết hợp với các hội, ban ngành, đoàn thể huyện và cơ sở thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa của công tác đào tạo nghề cho LĐNT cho người dân trên địa bàn huyện; vận động người dân mạnh dạn đăng ký tham gia các lớp học nghề để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm việc làm và giảm nghèo.