Bình Dương: Phát triển kinh tế - "chìa khóa" giúp đảm bảo an sinh xã hội
- Dược liệu
- 17:05 - 13/04/2021
Hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cho những người khó khăn
Trong dịp Tết Tân Sửu vừa qua, tỉnh Bình Dương đã huy động mọi nguồn lực chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Trên cơ sở thống kê, báo cáo của các sở, ngành, UBND tỉnh đã thống nhất phương án chi tiền hỗ trợ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với tổng kinh phí 220,78 tỷ đồng.
Qua rà soát, tổng số người có công được hỗ trợ quà Tết từ ngân sách tỉnh là 27.375 lượt, với mức chi cao nhất là 4 triệu đồng, thấp nhất là 1,3 triệu đồng, tổng kinh phí thực hiện khoảng 43 tỷ đồng. Ngoài ra, có khoảng 18.754 người có công được hỗ trợ quà từ Chủ tịch nước với tổng kinh phí 5,7 tỷ đồng.
Cùng với đó, toàn tỉnh chi hỗ trợ Tết cho khoảng 29.578 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng ngoài cộng đồng với mức chi là 700.000 đồng/người và 3.875 hộ nghèo với mức chi hỗ trợ Tết là 1.500.000 đồng/hộ. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tham mưu và triển khai hướng dẫn các địa phương tổ chức các đoàn lãnh đạo đi thăm, tặng quà và chúc thọ người cao tuổi trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Hiện toàn tỉnh có khoảng 12.797 người cao tuổi, tổng kinh phí thăm và tặng quà khoảng 8,8 tỷ đồng.
Từ Chương trình "Tết vì người nghèo - Xuân Tân Sửu 2021" đã huy động được sự chung tay góp sức của hơn 200 doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, trong những ngày qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ các cấp, các ban ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm tổ chức nhiều đợt thăm, trao tặng quà tận tay cho các đối tượng là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, công nhân lao động xa quê có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh với hơn 3.800 phần quà Tết, trị giá trên 6 tỷ đồng.
Những phần quà không chỉ là sự quan tâm chăm lo về mặt vật chất mà còn chứa đựng nhiều giá trị về mặt tinh thần, mang hơi ấm mùa xuân và nhân thêm nhiều niềm vui về tình yêu thương, chia sẻ trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh đã phối hợp với các ngành, các cấp và các nhà hảo tâm tổ chức Chương trình "Xuân với trẻ em khó khăn" tỉnh Bình Dương năm 2021. Tại Chương trình, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã trao tặng 2.250 phần quà Tết cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ dài hạn Chương trình "Mỗi trái tim nhân ái chắp cánh một ước mơ", hỗ trợ 02 cơ sở Bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh… với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng.
Trước đó, tại các Hành trình "Xuân với trẻ em khó khăn" đến với TP.Thuận An, huyện Dầu Tiếng, TP.Dĩ An, Mái ấm nuôi dạy Cô Nhi Phổ Hiền huyện Bàu Bàng và Hội Người mù tỉnh (TP.Thủ Dầu Một), Chương trình đã mang đến cho các trẻ em nhiều tiết mục văn nghệ vui tươi, đặc sắc và những vở kịch rối, giao lưu với chú hề bong bóng, các diễn viên xiếc, ảo thuật… cùng nhiều phần quà ý nghĩa.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong điều kiện khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc và có những diễn biến phức tạp, nhưng bằng sự chung tay của các ngành, các cấp và của các nhà hảo tâm, có thể nói Chương trình "Xuân với trẻ em khó khăn" là một trong những kênh thiết thực để chăm lo về vật chất, tinh thần cho trẻ em nói chung và trẻ em khó khăn nói riêng trong dịp Tết này, để mọi trẻ em đều có Tết.
Để sức mạnh của sự đoàn kết, nhân ái không ngừng lan tỏa trong xã hội, ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành phối hợp thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội trong năm 2021, tiếp thêm nghị lực và tạo điều kiện cho hộ nghèo, khó khăn, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Quan tâm đến hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số
Các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo thời gian qua được hỗ trợ chế độ kịp thời, đầy đủ, góp phần cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; đồng thời, gắn công tác giảm nghèo với phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội; huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo.
Ông Lê Minh Quốc Cường – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Để người nghèo thoát nghèo bền vững, bên cạnh đào tạo nghề, công tác giám sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hộ nghèo cũng được huyện thực hiện, từ đó tìm ra cách để giúp người nghèo. Khi địa phương tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn, phải biết họ vay để làm gì, có hiệu quả hay không, để kịp thời tư vấn, trợ giúp. Công tác chăm lo cho học sinh nghèo, người có công luôn được địa phương quan tâm".
Chăm lo người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn, hàng năm, tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho đồng bào, tập huấn khuyến nông, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất các nơi.
Ông Thái Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên cho biết: "Để thực hiện hiệu quả chính sách ASXH, bên cạnh nguồn hỗ trợ thường xuyên của Nhà nước, các cấp chính quyền và đoàn thể huyện đã huy động nhiều nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa một cách tốt nhất".
Một trong những kết quả nổi bật mà huyện Bắc Tân Uyên đạt được trong triển khai chính sách ASXH thời gian qua là việc quan tâm chăm lo đời sống người có công với cách mạng và các đối tượng yếu thế trong xã hội. Cùng với đó, để góp phần nâng cao đời sống nhân dân, huyện Bắc Tân Uyên đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai thực hiện các hoạt động hướng về người nghèo, nhóm các đối tượng yếu thế trên địa bàn. Đồng thời, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm ASXH như: Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đối với hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giải quyết việc làm; giúp người dân tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, văn hóa để họ vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại như vừa qua.
Nhờ huyện làm tốt công tác ASXH nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm liên hệ với chính quyền, đoàn thể địa phương để hỗ trợ vật chất và tinh thần cho các nhóm đối tượng với nhiều hoạt động xã hội từ thiện, như: Trao tặng quà, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; xây dựng nhà ở, trường học, đường giao thông tại các xã, thị trấn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Nhờ đó, cuối năm 2020, theo kết quả báo cáo rà soát, khảo sát phúc tra từ các huyện, thị xã, thành phố, toàn tỉnh còn 3.114 hộ nghèo, trên tổng số 326.729 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,95%.
Theo ông Lê Minh Quốc Cường, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác ASXH theo hướng tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. Song song đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, lao động việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo; tích cực tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức cho người lao động tham gia học nghề; thực hiện hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa, chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công và người hưởng chế độ bảo trợ xã hội... góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân trong huyện.
Chính vì thế, dấu ấn rõ nét nhất dễ nhận thấy là kinh tế của Bình Dương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức khá cao (9,35%/năm); sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô kinh tế được nâng lên rõ rệt, GRDP năm 2020 gấp 1,7 lần năm 2015, GRDP bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng, cao hơn mức bình quân của vùng Đông Nam Bộ và cao hơn 2,5 lần mức bình quân chung cả nước. Đến năm 2019, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch đề ra trước một năm.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu và có nhiều thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; tiếp tục đóng góp quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.