Bình Dương: Nhiều đột phá trong công tác giảm nghèo
- Dược liệu
- 14:11 - 19/12/2018
Xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Bình Dương đã ban hành chương trình hành động và kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn với nhiều chính sách, giải pháp được triển khai thực hiện có hiệu quả. UBND tỉnh đã ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 (hộ có thu nhập bình quân 1.200.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.400.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị).
Theo ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương: Thời gian qua, bằng các giải pháp đồng bộ và có chiều sâu của các cấp, các ngành trong tỉnh, giai đoạn 2016-2018, tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo. Đầu năm 2018, tỉnh ban hành Bộ tiêu chí điều tra, rà soát hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều theo hướng cụ thể hóa, sát hợp hơn, phản ánh được thực trạng, mức sống của cư dân.
Kết quả điều tra theo Bộ tiêu chí mới đến tháng 9/2018, toàn tỉnh có 4.707 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,62% và 2.883 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,99%.
Đào tạo nghề tạo công ăn việc làm ổn định cho người nghèo
Qua gần 3 năm, toàn tỉnh giảm 1.850 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm được khoảng 0,25% trên tổng số hộ nhân dân toàn tỉnh. Bình Dương cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, cơ bản không có hộ tái nghèo.
Đạt được kết quả đó, trước hết phải kể đến những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong suốt thời gian qua, kinh tế phát triển là tiền đề, điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trong đó có việc chăm lo cho người nghèo. Cùng với đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua các thời kỳ đối với công tác giảm nghèo với quan điểm "gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội" và việc triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, linh hoạt của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh.
Nhiều chính sách đến với người nghèo hiệu quả
Ngoài các chính sách theo quy định của Trung ương, Bình Dương đã xây dựng chuẩn nghèo và một số chính sách riêng phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh. Cụ thể như cho vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ về bảo hiểm y tế, miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác, dạy nghề, giải quyết việc làm, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng, tặng nhà đại đoàn kết, tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí, nhân rộng mô hình sinh kế cho hộ nghèo... Việc thực hiện các chính sách về giảm nghèo không chỉ được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện mà còn nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và phối hợp triển khai hiệu quả của các tổ chức Hội, đoàn thể, sự đồng hành của các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.
Ông Lưu Xuân Định (ấp Hòa Hiệp, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) chia sẻ, trước đây ông thuộc diện hộ nghèo, chỗ ở xập xệ, công việc bấp bênh, cha ông bị mắc bệnh tâm thần, con nhỏ không được học hành chu đáo. Đầu năm 2014, ông được UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Minh Hòa hỗ trợ xây dựng 01 căn nhà đại đoàn kết để ổn định cuộc sống. Mỗi năm gia đình ông được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí; cha ông được xét nhận trợ cấp xã hội hàng tháng; các con đi học được miễn học phí, hỗ trợ sách vở và được tặng quà vào các dịp lễ, Tết… Được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông đầu tư nuôi heo sinh sản và nuôi thêm gà, vịt. Có nguồn thu nhập, ông đã dần trả nợ ngân hàng, cơi nới chuồng trại, mua sắm vật dụng cần thiết trong nhà. Cuộc sống gia đình ông dần ổn định và thoát nghèo.
Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo
Cũng theo ông Lê Minh Quốc Cường: Để giảm nghèo hiệu quả, cần xác định và hiểu rõ nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo, cận nghèo để nắm bắt được nhu cầu, từ đó hướng dẫn cách làm ăn và sử dụng nguồn vốn thiết thực cho người nghèo, cận nghèo. Giảm nghèo cần gắn liền với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tổ chức dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đặc biệt cần làm tốt công tác vận động tuyên truyền người dân cùng thực hiện chương trình giảm nghèo bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ông Cường cho biết thêm: Trong giai đoạn 2019-2020, ngoài việc tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ hiện hành, Bình Dương sẽ mở rộng việc thực hiện các chính sách gắn với giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; đổi mới nhận thức, cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo; gắn công tác giảm nghèo với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; tập trung vào các giải pháp phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo. Đồng thời phải làm chuyển biến nhận thức của các hộ nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ vào các chính sách xã hội, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, khơi gợi ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục phát huy hiệu quả việc đa dạng hóa các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác giảm nghèo; vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Đặc biệt, cần vận động, tuyên truyền hộ nghèo, người nghèo nâng cao nhận thức, tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo gắn với việc thay đổi dần cơ chế, phương thức hỗ trợ để khơi gợi ý sự chủ động phấn đấu, nâng cao trách nhiệm của người nghèo đối với nguồn lực được hỗ trợ; khơi gợi ý thức tự lực tìm việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh để vươn lên thoát nghèo bền vững.