Bình Dương kiến nghị một số giải pháp liên quan đến chế độ BHXH một lần
- Dược liệu
- 17:15 - 13/06/2022
Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp (đã đi vào hoạt động 27 KCN) và 12 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với hơn 1,2 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 56%, Lao động đến từ các tỉnh, thành khác chiếm khoảng 75%.
Tình hình dịch chuyển, biến động lao động thường xuyên xảy ra, nguyên nhân chính là do đa số doanh nghiệp sản xuất gia công hành: dệt, may, giày da, chế biến gỗ… chính sách tiền lương chưa đảm bảo được đời sống của người lao động và gia đình họ, không ổn định đơn hàng, nhất là từ thời điểm khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra đến nay.
Theo BHXH tỉnh Bình Dương, năm 2021, tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19, tỉnh có 972.566 người tham gia BHXH, giảm 66.154 người, số lao động nghỉ việc hưởng BHTN là 309.479 người; nhưng hưởng BHXH 01 lần chỉ là 62.304/ 972.566 người, chiếm 6,41%. (Nếu so giữa hưởng BHTN và BHXH 01 lần, tương ứng (4,97) làm tròn là 5: 1). Riêng hưởng lương hưu là 28.623 người, chiếm 2,94%.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, là giai đoạn hồi phục kinh tế xã hội sau đại dịch COVID- 19, có 992.344 người tham gia BHXH, tăng 19.778 người, số lao động nghỉ việc hưởng BHTN là 127.844 người; nhưng hưởng BHXH 01 lần chỉ là 32.491/ 992.344 người, chiếm 3,27%. (Nếu so giữa hưởng BHTN và BHXH 01 lần, tương ứng (3,93) làm tròn là 4: 1). Riêng hưởng lương hưu khoảng 29.000 người, chiếm 2,9%.
Tuy nhiên, thời gian gần đây thực trạng hưởng BHXH 01 lần có xu hướng gia tăng không những ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, chính sách trợ cấp BHXH 01 lần là chính sách đúng đắn, hợp lòng dân. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người lao động nhận BHXH 01 lần, tạo điều kiện để nhiều người được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống khi về già cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. LĐLĐ tỉnh Bình Dương đề xuất, kiến nghị Đảng, Nhà nước một số giải pháp để sửa đổi, bổ sung chính sách trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, có nhiều chính sách tạo điều kiện, ưu đãi (thuế…) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng và sử dụng lao động lớn tuổi (từ 40 tuổi trở lên).
Thứ hai, có chính sách hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới, tránh tình trạng người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp xong chuyển sang nhận BHXH 01 lần.
Thứ ba, cần có những giải pháp nhằm tăng hiệu quả trong thực hiện chính sách BHTN, đặc biệt là chính sách hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động nhằm giúp họ sớm gia nhập lại thị trường lao động chính thức, giảm việc hưởng BHXH 01 lần trong tương lai.
Thứ tư, điều chỉnh tăng thêm quyền lợi hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu: hiện nay người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% khi nghỉ hưu được hưởng trợ cấp một lần với mức hưởng hiện nay là: cứ 01 năm đóng vượt thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Đề xuất tăng mức từ 0,5 tháng lên 1,5 tháng để người lao động có thêm khoảng thu nhập khi về hưu đúng và mang tính bình đẳng giữa người hưởng BXHH 01 lần trước và tích lũy quá trình để hưởng lương hưu.
Thứ năm, điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH (không quá 15 năm) để được hưởng lương hưu, khuyến khích họ tiếp tục đóng BHXH để giúp nhiều người lao động tích lũy quá trình tham gia để được hưởng lương hưu tốt nhất, hạn chế nhận BHXH 01 lần. Hiện nay, cần phải có đủ 20 năm tham gia BHXH trở lên, thời gian này là quá dài so với công nhân làm việc trực tiếp tại các nhà máy. Trường hợp, người lao động đã đủ và vượt thời gian đóng bảo hiểm, mà tìm mọi cách vẫn không có việc làm mới để tiếp tục tham gia BHXH, không còn khả năng tiếp tục đóng BHXH tự nguyện, mà chưa đủ tuổi hưu thì người đó vẫn được xem xét để được giải quyết trợ cấp trước hưu hàng tháng (với tỷ lệ hợp lý, không quá 85% mức hưởng lương hưu).