THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:38

Bình Dương: Giảm nghèo bền vững từ những chính sách riêng

* Thưa ông, tỉnh Bình Dương triển khai công tác giảm nghèo như thế nào?

- Để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Tỉnh ủy, HĐND- UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành cùng  vào cuộc, chung tay hỗ trợ các hộ nghèo với nhiều cách làm sáng tạo. Sau khi điều tra, khảo sát thực tiễn tình hình hộ nghèo ở cơ sở,  nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đã được ban hành kịp thời.

Ngành LĐ-TB&XH  đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng những chính sách có tính đột phá riêng như: Tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo vay vốn làm ăn, phát triển sản xuất. Trong 5 năm qua, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã triển khai tốt chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo vay, với 8 chương trình như: Cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, cho vay giải quyết việc làm, cho vay HS-SV nghèo đi học, cho vay chương trình nước sạch môi trường nông thôn, sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn, hỗ trợ làm nhà ở cho hộ gia đình nghèo, khó khăn...Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa, thực hiện chính sách bảo trợ xã hội dành cho hộ nghèo, người nghèo cũng được địa phương triển khai đồng bộ có hiệu quả...

Ông Hồ Quang Điệp (thứ 2 từ trái sang) thăm và trao quà cho các em nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

 

* Ông cho biết cụ thể hơn vai trò của ngành LĐ-TB&XH Bình Dương trong công tác giảm nghèo thời gian qua?

-Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh, chủ động phối hợp cùng các cấp, các ngành lồng ghép, thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo. Là cơ quan thường trực giảm nghèo, bên cạnh sự hỗ trợ từ Trung ương, ngành LĐ-TB&XH Bình Dương đã kêu gọi xã hội hóa chương trình bằng nhiều hình thức phong phú. Trong đó, chú trọng chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ toàn diện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vừa thoát nghèo như: Vay vốn, bảo hiểm y tế, giáo dục... Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu lên UBND tỉnh thực hiện chính sách bảo lưu 2 năm đối với những hộ vừa thoát nghèo, tiếp tục hỗ trợ có điều kiện để hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các huyện, thị, xã, phường  rà soát thường xuyên, kiên quyết đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo các hộ không tự lực vươn lên, ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng...

* Vậy trong thời gian tới, chương trình giảm nghèo của tỉnh Bình Dương sẽ như thế nào, thưa ông?

- Trong giai đoạn 2016- 2020, ngành LĐ-TB&XH Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các chương trình, đề án theo kế hoạch Trung ương đề ra. Hiện tại, đã tham mưu lên UBND tỉnh xem xét ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH. Đồng thời, tiếp tục huy động nhiều nguồn lực từ các cấp, các ngành chung tay giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội nói chung và vấn đề giảm nghèo nói riêng trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với việc khảo sát hộ nghèo theo chuẩn mới, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn, tạo điều kiện để các hộ tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Đối với hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sẽ xem xét, giải quyết hưởng chính sách trợ cấp tại cộng đồng. Ngành LĐ-TB&XH tỉnh sẽ tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo các cấp trong đó đặc biệt là ở cấp cơ sở, tăng cường bám sát thực tế, từ đó có những giải pháp, sáng kiến mới thiết thực đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo.

Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 sẽ xây dựng  tỉnh Bình Dương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, toàn diện đảm bảo mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

* Cảm ơn ông.


NGỌC THIỆN(thực hiện)/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh