CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:30

Bình Dương dự kiến phát triển thêm 18.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2023

Dự án nhà ở cho công nhân ở Đồng Nai.

Dự án nhà ở cho công nhân ở Đồng Nai.

Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương năm 2023 xác định mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho tất cả các nhóm dân cư, đặc biệt là các đối tượng chính sách; phát triển nhà ở theo hướng công trình xanh, hiện đại, bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng đến phát triển đô thị thông minh…

Theo số liệu tổng hợp kết quả phát triển nhà ở năm 2022 của tỉnh Bình Dương, nhìn chung chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân/người toàn tỉnh, chỉ tiêu nhà ở thương mại đã đạt kế hoạch đặt ra.

Tuy nhiên, đối với loại nhà ở xã hội và nhà tái định cư toàn tỉnh chỉ xây dựng được 112.484 m2 sàn, trong khi kế hoạch là 680.000 m2 sàn; tương tự, nhà dân tự xây kết quả đạt được chỉ 1.860.000 m2 sàn còn kế hoạch đặt ra khoảng 2.102.136 m2 sàn.

Nguyên nhân, theo địa phương là do việc triển khai các dự án nhà ở xã hội còn chậm, chưa thu hút các nhà đầu tư tham gia. Còn nhà ở dân tự xây, giai đoạn đầu năm 2022 có sự biến động giá của vật liệu xây dựng, nhân công lao động trong ngành tăng cao. Đồng thời sau giai đoạn dịch bệnh, khả năng kinh tế của người dân suy giảm.

Từ kết quả chưa đạt được năm 2022, tại Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023, tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung nhằm đáp ứng tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp chỉ tiêu phát triển nhà ở. Cụ thể, Bình Dương xác định chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh năm 2023 đạt khoảng 31 m2 sàn/người (khu vực đô thị 32 m2 sàn/người, khu vực nông thôn 25,6 m2 sàn/người), đến năm 2025 là 31,5 m2/người (khu vực đô thị 32,5 m2 sàn/người, khu vực nông thôn 26,6 m2 sàn/người).

Ngoài ra, phấn đấu năm 2023, chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu đạt 9,2 m2 sàn/người, nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố đạt tỷ lệ 99,3%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố, nhà ở đơn sơ còn 0,7%; đến năm 2025 chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu đạt 10 m2 sàn/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn tỉnh lên 65,0%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố xuống còn 0,5%.

Về chỉ tiêu phát triển sàn nhà ở theo từng loại hình, thì nhà ở thương mại dự kiến phát triển tăng thêm 1,75 triệu m2 sàn, tương đương 17.500 căn. Trong đó, năm 2023 đặt mục tiêu hoàn thành 1.239.646 m2 sàn nhà ở từ các dự án đang xây dựng, tương đương 13.537 căn. Mặt khác năm 2023 cũng tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án mới.

Còn với nhà ở xã hội, sẽ phát triển tăng thêm 600.000 m2 sàn, tương đương 18.000 căn. Để thực hiện kế hoạch, tỉnh Bình Dương khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục rà soát quỹ đất nhà ở xã hội tại 33 dự án nhà ở thương mại khoảng 100 ha. Đặc biệt, năm 2023 đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư các dự án mới để hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.

Đối với nhà ở tái định cư phấn đấu tăng thêm 140.854 m2 sàn, tương đương 1.000 căn nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng một số dự án giao thông trọng điểm mà tỉnh đang triển khai. Bên cạnh đó, đối với nhà ở riêng lẻ do dân tự xây dựng phấn đấu tăng thêm 2.081.257 m2 sàn.

Theo kế hoạch, nhu cầu nguồn vốn đầu tư nhà ở trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương là khoảng 23.490,47 tỷ đồng; diện tích đất ở cần tăng thêm 289,11 ha, trong đó việc xây dựng các dự án nhà ở thương mại vào khoảng 110,77 ha; xây dựng nhà dân tự xây là 131,55 ha; việc phát triển các dự án nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội là khoảng 46,82 ha.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh