Bình Dương: Điểm sáng về giảm nghèo bền vững
- Dược liệu
- 01:46 - 27/02/2018
Người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản
Ông Lê Minh Quốc Cường GĐ Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cho biết, giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo được xây dựng theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Đây là phương pháp tiếp cận mới, ngoài việc căn cứ vào mức thu nhập, chuẩn nghèo mới còn đo lường mức độ thiếu hụt trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, khả năng tiếp cận thông tin. Với cách tiếp cận đó, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ như trong thời gian qua theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh sẽ chú trọng các giải pháp hướng đến việc nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.
Để tăng cường khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, Sở đã tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn ngân sách để bố trí vốn ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn để thực hiện Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, vốn tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo, vốn vay sửa chữa, xây dựng mới nhà ở và mua nhà ở xã hội. Tiếp tục phát huy tốt chính sách về xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ còn khó khăn về nhà ở (chủ yếu từ nguồn Quỹ vì người nghèo và nguồn xã hội hóa).
Giao bò sinh sản cho hộ nghèo
Thời gian qua, tỉnh tập trung rà soát, tổng kết, đánh giá để xây dựng các mô hình sinh kế hiệu quả, tổ chức triển khai nhân rộng, chuyển giao cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ thoát nghèo, chú trọng việc phân loại đối tượng, xác định nguyên nhân nghèo, nhu cầu cụ thể của từng nhóm hộ nghèo để xây dựng kế hoạch thoát nghèo hiệu quả phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh, điều kiện sống của từng nhóm hộ nghèo. Đây là yếu tố quyết định đối với việc giảm nghèo hiệu quả, đảm bảo tính bền vững.
Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề
Tỉnh đã triển khai thực hiện đổi mới trong công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo theo hướng thiết thực, hiệu quả. Chú trọng công tác dạy nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội. Đẩy mạnh việc tiếp cận vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm, cho vay các mô hình sinh kế hiệu quả như mô hình nuôi bò sinh sản, chăm sóc cây kiểng, trồng rau sạch, nấu ăn đãi tiệc…
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác giảm nghèo. Tăng cường công tác tiếp xúc hộ nghèo nhằm giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, đồng thời vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nghèo tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Thay đổi dần cơ chế, phương thức hỗ trợ để khơi gợi ý thức tự lực và có ý thức trách nhiệm của người nghèo đối với nguồn lực được hỗ trợ.
90% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp
Ông Lê Minh Quốc Cường cho biết năm 2017, số học sinh-sinh viên sau khi tốt nghiệp đăng ký việc làm và có việc làm đạt gần 90%. Đây là kết quả khả quan mà nhiều năm liền trước đây không đạt hoặc đạt với tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại như: Công tác tuyển sinh một số nghề chưa đạt chỉ tiêu; chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; một số trường còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu; học sinh-sinh viên với đầu vào thấp nên ảnh hưởng chung đến chất lượng đào tạo, yếu về ngoại ngữ, khả năng tự học, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm; việc gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường chưa cao...
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp
Để khắc phục những khó khăn còn tồn đọng, thời gian tới, Sở LĐTBXH sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp phù hợp, mang tính khả thi cao. Cụ thể, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh, định hướng chỉ giữ lại những đơn vị hoạt động hiệu quả, hướng tới tự chủ. Tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các Đề án, Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt như: Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2020; các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, hợp tác xã có đào tạo nghề; Đề án đảm bảo nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về dạy nghề, khuyến khích việc mở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu, tham mưu tỉnh ban hành các chính sách mời gọi, thu hút riêng của tỉnh về việc thành lập các trường cao đẳng, trung cấp ngoài công lập và có vốn nước ngoài.
Dạy nghề cho hộ nghèo
Để tăng cường công tác giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, tiếp tục khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu lao động sau đào tạo; tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động dạy nghề gắn với hoạt động sản xuất…