THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:34

Bình Dương: Đảm bảo an sinh xã hội

Nhiều chính sách hay, bền vững

Tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020, ngoài thu nhập, còn có những mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó có 5 dịch vụ chính như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Vấn đề hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận thông tin góp phần quan trọng để họ có thêm cơ hội cập nhật thông tin, nắm bắt và thực hiện tốt những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

 Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết: Giai đoạn 2019 - 2020, ngoài việc tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ hiện hành, Bình Dương mở rộng việc thực hiện các chính sách gắn với giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; đổi mới nhận thức, cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo. Gắn công tác giảm nghèo với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

Bình Dương: Đảm bảo an sinh xã hội  - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

"Đồng thời, tập trung vào các giải pháp phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo. Phải làm chuyển biến nhận thức của các hộ nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ vào các chính sách xã hội, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, khơi gợi ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục phát huy hiệu quả việc đa dạng hóa các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo", ông Cường cho hay.

Ngoài ra, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo tại các địa phương, trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát chính sách về vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; chính sách hỗ trợ giáo dục: miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non cho con hộ nghèo; chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo. Chính sách hỗ trợ xây, sửa nhà đại đoàn kết, nhà tình thương ..

Đặc biệt, Bình Dương không chỉ sử dụng ngân sách chăm lo cho người nghèo mà còn kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội để xây tặng nhà đại đoàn kết, khám chữa bệnh miễn phí, nhân rộng mô hình sinh kế cho hộ nghèo…

Bình Dương: Đảm bảo an sinh xã hội  - Ảnh 2.

Bình Dương không chỉ sử dụng ngân sách chăm lo cho người nghèo mà còn kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội để xây tặng nhà đại đoàn kết, khám chữa bệnh miễn phí, nhân rộng mô hình sinh kế cho hộ nghèo…

Tính đến cuối năm 2019 toàn tỉnh có 3.808 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 1,31%, trong đó hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo là 1.901, chiếm tỷ lệ 0,65%, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 1.907, chiếm tỷ lệ 0,66%  và hộ cận nghèo là 2.790, chiếm tỷ lệ 0,96%. Và phấn đấu trong năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh. Bình Dương là tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

 Theo ông Cường, xác định và hiểu rõ nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo, cận nghèo là một trong những bí quyết giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Chính vì vậy, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng với địa phương trong tỉnh tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với các hộ nghèo. Tại đây, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã nêu lên ý kiến, mong muốn để tỉnh có chính sách hỗ trợ một cách thiết thực, gắn với thực tế, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bình Dương: Đảm bảo an sinh xã hội  - Ảnh 3.

Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ huyện Bàu Bàng đến tận nhà khám sức khỏe cho đối tượng gia đình chính sách, NCC trên địa bàn huyện Phú Giáo

Đối thoại còn là cách làm để tìm ra những giải pháp cụ thể để giải quyết vướng mắc, tồn đọng ở cơ sở trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện các nguồn lực giảm nghèo.

Tại huyện Phú Giáo, mỗi năm tổ chức từ 7 - 10 buổi đối thoại giữa lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện với hộ nghèo. Đối thoại đã giúp lãnh đạo, hộ nghèo hiểu nhau hơn để cùng đưa ra cách làm hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Giáo chia sẻ: "Việc tổ chức đối thoại nhằm tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, năng lực của người nghèo, cũng như mức độ tiếp cận của người nghèo đối với chính sách, dự án giảm nghèo và hiệu quả đem lại của các chính sách giảm nghèo như: Hỗ trợ nhà ở, vay vốn, sức khỏe... Từ đó, huyện sẽ có những điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững".

Bình Dương: Đảm bảo an sinh xã hội  - Ảnh 4.

Qua các buổi tiếp xúc cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác giảm nghèo, vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Ngoài ra, bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật (NKT) ở Bình Dương luôn được các cấp, các ngành và cá nhân quan tâm tạo mọi điều kiện giúp đỡ bằng vật chất cũng như tinh thần cho NKT.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo (TMC&BNN) tỉnh cho biết, trong những năm qua, hội luôn tích cực vận động sự tự nguyện, chia sẻ trong cộng đồng, thu hút mọi tiềm năng của xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng tham gia bảo trợ cho NKT,TMC&BNN nhằm góp phần giúp họ cải thiện cuộc sống, tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng tham gia các hoạt động xã hội. Hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả 5 chương trình trọng tâm hỗ trợ giúp đỡ NKT,TMC&BNN gắn với nhiệm vụ của Nhà nước và địa phương bảo đảm tính hiệu quả bền vững. Cụ thể trợ giúp về y tế, phương tiện đi lại, cải thiện sinh hoạt, sinh kế, giảm nghèo và hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới...

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh