Bình Dương: Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em
- Dược liệu
- 13:48 - 30/11/2019
Vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định
Thời gian qua, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đến bình đẳng giới ( BĐG) và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xóa dần khoảng cách về giới.
Theo ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương: Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng trong tỉnh chiếm trên 26%; nữ được giải quyết việc làm mới hàng năm khoảng 59%; tỷ số giới tính khi sinh năm 2018 là 105,78 trẻ trai/100 trẻ gái. Nhiều năm trên địa bàn tỉnh không có tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em; phụ nữ nhận được sự ủng hộ nhiều hơn trong phát triển sự nghiệp và được hỗ trợ công việc gia đình.
Trong số những thành quả nói trên, việc trao quyền cho phụ nữ trên lĩnh vực chính trị là một điểm nhấn trong sự gia tăng về số lượng, trình độ năng lực quản lý của phụ nữ. Dấu ấn nam - nữ "bình quyền" về chính trị còn lan tỏa trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, vẫn còn nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ. Khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra ở nhiều khu vực, vùng miền và các thành phần trong xã hội. Phụ nữ, trẻ em không chỉ là nạn nhân chính của bạo lực trong gia đình mà còn là đối tượng bị mua bán, xâm hại tình dục và chịu nhiều hình thức bạo lực ngoài phạm vi gia đình.
Các nguyên nhân của tình trạng bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới, coi trọng vai trò của nam giới hơn so với phụ nữ và trẻ em gái. Điều này đòi hỏi sự cam kết, cùng vào cuộc và hành động một cách chủ động, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng. Ông Cường chia sẻ.
Điển hình trong công tác BĐG, TP.Thủ Dầu đã quyết liệt triển khai, qua đó các mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động - việc làm, giáo dục, y tế, giảm nghèo đạt nhiều kết quả khả quan. Nhiều phụ nữ đã và đang tham gia vào các vị trí cấp ủy Đảng, giữ các vị trí chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị. Sau lễ phát động, thành phố đã tổ chức đoàn diễu hành tuyên truyền qua các tuyến đường phố trung tâm.
Tuyên truyền nâng cao ý thức đến cộng đồng
Nhân dịp Tháng hành động BĐG năm 2019, 9 huyện, thị, thành phố của tỉnh đã đồng loạt ra quân nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức hệ của cộng đồng trong việc thúc đẩy BĐG. Hiện đang duy trì các mô hình nổi bật nhằm giúp đỡ các chị em phụ nữ như: Mô hình "Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng" (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một), mô hình "Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới" (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên và xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng)…
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết: "Trong Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, địa phương có nhiều hoạt động như treo băng rôn tuyên truyền, biểu ngữ, tranh cổ động, tổ chức diễn đàn, cuộc thi liên quan Luật BĐG. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh xã hội hóa trong việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ, hỗ trợ khắc phục hậu quả đối với nạn nhân bị xâm hại về sức khỏe và tinh thần".
Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp với trên 1 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 56%. Mặc dù các chính sách về lao động nữ được tỉnh thực hiện khá tốt nhưng vẫn còn một số vấn đề liên quan đến chất lượng cuộc sống, việc tổ chức triển khai các quy định của Luật BĐG, nâng cao nhận thức về vai trò giới cho lao động nữ còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn xảy ra với người lao động. Vì vậy, BĐG cần được tiến hành thường xuyên và lâu dài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự tham gia của toàn xã hội, của chính mỗi người dân để góp phần làm thay đổi ý thức hệ tư tưởng.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chia sẻ: Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động mọi người chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cho các thành viên trong gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.