CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:33

Bình Định: Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội

Phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội

Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp... là mục tiêu chung của Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 của tỉnh Bình Định. Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai hiệu quả Đề án, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

Hiện mạng lưới dịch vụ CTXH ở tỉnh Bình Định được phủ kín ở 3 tuyến, từ tỉnh đến huyện, xã. Tuyến tỉnh gồm các: Sở, ngành, hội, đoàn thể, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, các trung tâm chuyên khoa của ngành y tế, các cơ sở bảo trợ xã hội; Tuyến huyện có: Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Y tế, các hội, đoàn thể của 11 huyện, thị xã, thành phố; Tuyến xã gồm: Công chức văn hóa xã hội, cộng tác viên CTXH, trạm y tế, các hội đoàn thể và tình nguyện viên y tế tại 159 xã, phường, thị trấn.Đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH như: Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện chính sách, tìm kiếm, kết nối đề xuất các nguồn lực liên quan để hỗ trợ giải quyết các vấn đề cho đối tượng. Tuy nhiên, hiện dịch vụ CTXH ở địa phương cũng còn khá mới, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, phần lớn đối tượng cần trợ giúp ở địa phương là những người có thu nhập thấp nên có tâm lý cần hỗ trợ miễn phí hơn là phải sử dụng dịch vụ trả phí.

 Bình Định: Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội - Ảnh 2.

Đào tạo cán bộ quản lý CTXH đối với người khuyết tật, nạn nhân bom mìn năm 2021 tại Bình Định

Đối với việc xây dựng mô hình Trung tâm CTXH trong lĩnh vực quản lý, hiện tỉnh Bình Định có 4 cơ sở bảo trợ xã hội (2 cơ sở công lập, 2 cơ sở ngoài công lập) và 1 Làng trẻ em SOS Quy Nhơn. Năm 2020, các cơ sở quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung 855 đối tượng, trong đó: Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội 95 người, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn 520 người (470 người là đối tượng BTXH và 50 người là đối tượng tâm thần nuôi dưỡng theo hình thức xã hội hóa), Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm 85 người, Trung tâm Bảo trợ xã hội Phước Thành 2 người và 153 trẻ em tại Làng trẻ em SOS Quy Nhơn.

Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh có chức năng, nhiệm vụ là: Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng xã hội và cung cấp các dịch vụ CTXH cho cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm thực hiện thêm nhiệm vụ tư vấn, quản lý trường hợp và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc phù hợp. Đối với nhiệm vụ CTXH của bệnh viện, hiện ngành y tế có 17/17 đơn vị có giường bệnh đã tổ chức triển khai thành lập Tổ CTXH của đơn vị, gồm: 1 Phòng CTXH (Bệnh viện đa khoa tỉnh), 5 Tổ CTXH thuộc Khoa Khám bệnh và 11 đơn vị Phòng Điều dưỡng.

 Bình Định: Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội - Ảnh 4.

Trẻ em mồ côi, khuyết tật được chăm sóc chu đáo tại Trung tâm CTXH và BTXH Bình Định

Đến nay, 159/159 xã, phường, thị trấn đã tuyển chọn đội ngũ là cộng tác viên CTXH. Đội ngũ cộng tác viên CTXH phần lớn thực hiện nhiệm vụ thiết lập hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội, theo dõi tình hình tăng giảm đối tượng, thực hiện các chính sách trợ giúp cho khoảng 90.523 đối tượng sống tại cộng đồng. Ngành Y tế đã xây dựng nhân lực của Tổ CTXH tại 17 đơn vị là 161 người, trong đó: Chuyên ngành CTXH 7 người, truyền thông 3 người, y tế 115 người, khoa học xã hội 2 người, hoạt động khác 34 người.Đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo và dạy nghề CTXH

Công tác tuyên truyền, thông tin nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân về vai trò, vị trí nghề CTXH là nội dung được Sở LĐ-TB&XH xác định hàng đầu và chiếm vị trí quan trọng trong các hoạt động của Đề án phát triển nghề CTXH. Mục tiêu của tuyên truyền là thay đổi nhận thức của cộng đồng và xã hội về CTXH nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề CTXH, ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm CTXH trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; qua đó góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về nghề CTXH, nâng cao hiệu quả CTXH trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, ngày CTXH Việt Nam (25/3), các Sở: LĐ-TB&XH, GD&ĐT, Y tế, các địa phương, cơ sở trợ giúp xã hội tổ chức các hoạt động hưởng ứng với nội dung phong phú, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả, nhằm tôn vinh những giá trị cao quý của người làm CTXH; phối hợp với các đơn vị liên quan in băng rôn, phướn treo tại các trục đường chính tuyên truyền về nghề CTXH.

 Bình Định: Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội - Ảnh 6.

Ngôi nhà của trẻ em Làng SOS Quy Nhơn

Công tác đào tạo nghề CTXH trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng được đẩy mạnh. Hiện tỉnh có Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Cao đẳng Bình Định đang đào tạo nghề CTXH. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH, ngành Y tế còn tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Các lớp tập huấn đáp ứng nhu cầu và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các kỹ năng, những kiến thức cơ bản về nghề CTXH, vai trò, vị trí và chức năng, nhiệm vụ của CTXH cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH. Ngành Y tế thông qua sinh hoạt chuyên môn định kỳ hàng tuần của Phòng Điều dưỡng, các đơn vị đã phối hợp lồng ghép bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cơ bản về y tế cho người không phải là nhân viên y tế và kiến thức về CTXH cho nhân viên y tế làm việc trong Tổ CTXH của bệnh viện.

Từ năm 2012 đến 2019, Sở LĐ-TB&XH phối hợp Trường Cao đẳng Bình Định mở 12 lớp đào tạo trình độ Trung cấp CTXH cho 344 học viên là cán bộ làm CTXH tại các xã, phường, thị trấn và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng cử 3 công chức, viên chức của Sở LĐ-TB&XH đã hoàn thành khóa đào tạo trình độ Thạc sĩ CTXH; 2 cán bộ công chức của Sở LĐ-TB&XH, 1 cán bộ Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn đã hoàn thành khóa đào tạo cấp cao về CTXH do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Thời gian tới, theo quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2025 đã được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt, tỉnh Bình Định lên kế hoạch đến năm 2025 xây dựng mới 1 cơ sở trợ giúp người cao tuổi, 1 cơ sở trợ giúp xã hội trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Riêng Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn được mở rộng thêm 1 cơ sở về chăm sóc nuôi dưỡng người tâm thần và đầu tư nâng cấp lại 2 cơ sở trợ giúp xã hội.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư, đồ dùng sinh hoạt cho cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn; hướng dẫn phát triển mạnh mạng lưới cung cấp các dịch vụ CTXH ở cơ sở, cộng tác viên CTXH tại các trường học, bệnh viện, hệ thống tư pháp; ưu tiên phát triển cung cấp các dịch vụ CTXH đối với trẻ em, người khuyết tật, người già, tham gia giải quyết các vấn đề nghèo đói; đào tạo nghiệp vụ, chuyên sâu dưới 6 tháng về CTXH cho cán bộ được tuyển dụng vào làm CTXH trong các ngành LĐ-TB&XH, Y tế, GD&ĐT, Công an, Tư pháp.

NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh