Bình Định đào tạo, chuyển đổi nghề, bồi dưỡng nghề cho lao động trở về từ vùng có dịch
- Bài thuốc hay
- 13:15 - 12/11/2021
Đến thời điểm này, tỉnh Bình Định có khoảng 32.500 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó khoảng 5.000 lao động làm việc cho các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp phải tạm nghỉ việc do doanh nghiệp dừng hoạt động. Trước thực tế này, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở LĐ-TB &XH tỉnh phối hợp với các đơn vị, tổ chức nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp giải quyết việc làm cho các nhóm lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đồng thời, kết nối với các tỉnh thành phía Nam để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, thông tin đến người lao động có nguyện vọng quay trở lại làm việc. Xây dựng kế hoạch đào tạo, chuyển đổi nghề, bồi dưỡng nghề...
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu: "Ngành LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Công Thương, Ban quản lý khu kinh tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp để nắm được nhu cầu cần tuyển dụng lao động và khảo sát nhu cầu việc làm của người lao động trên toàn tỉnh, qua đó có các giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động. Xây dựng một kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động của tỉnh. Giao trực tiếp cho các hiệp hội có nhu cầu đào tạo lại, đào tạo mới với cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp".
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định Nguyễn Mỹ Quang cho biết, tỉnh đã hoàn thành công tác cấp phát tiền hỗ trợ cho người lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với tổng số tiền hơn 68 tỷ đồng. Cụ thể, 45.359 lao động tự do ở 11 huyện, thị trong toàn tỉnh đã được nhận hỗ trợ 1 lần, với số tiền 1,5 triệu đồng/người.
Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, để kịp thời hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngay sau khi có quyết định phê duyệt hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân tỉnh, các địa phương đã tạm ứng ngân sách dự phòng, khẩn trương cấp phát cho người dân. Công tác hỗ trợ được triển khai nhanh, thực hiện đúng nguyên tắc, đúng đối tượng và mức quy định, đảm bảo 100% đối tượng được phê duyệt đều nhận được tiền hỗ trợ kịp thời.
Ông Nguyễn Mỹ Quang cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23 và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định ban hành một số văn bản chỉ đạo, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã thành lập Tổ công tác và phân công lãnh đạo Sở trực tiếp theo dõi từng địa bàn để đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện nhanh các chính sách hỗ trợ. Đến nay, Bình Định có 3.709 lao động tạm hoãn thực hiện lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã được hỗ trợ, với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng; hỗ trợ 24 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền 96 triệu đồng. Đồng thời, thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho 71.407 người (làm việc tại 3.070 doanh nghiệp), với số tiền hơn 20 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội Bình Định đã hỗ trợ 60.224 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với số tiền 146 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Các địa phương cũng trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 3.688 hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân hơn 8 tỷ đồng cho 27 doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc cho 1.444 người lao động. Ủy ban Nhân dân tỉnh dành 50 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện cho vay khôi phục sản xuất, cho vay tạo việc làm cho người dân gặp khó khăn; đã giải ngân cho 1.079 người lao động vay, với tổng số tiền gần 49 tỷ đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH, các địa phương trong tỉnh cũng đã hoàn thành công tác hỗ trợ 1.000 tấn gạo (từ nguồn dự trữ quốc gia) cho 66.700 người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, mỗi người 15kg.