Bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số: Khoảng cách còn xa
- Dược liệu
- 01:46 - 27/10/2018
Đó là những nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Khơi nguồn nội lực: Chia sẻ thực hành tốt về lồng ghép giới trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội tại các cộng đồng dân tộc thiểu số” diễn ra mới đây.
Phụ nữ không có quyền quyết định cuộc đời mình
Kết quả việc rà soát, đánh giá, phân tích các tích các chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số (DTTS) từ các quan điểm của chuẩn mực quốc tế về nhân quyền vừa được Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) và cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp thực hiện cho thấy: Ở vùng đồng bào DTTS, bình đẳng giới đang gặp nhiều rào cản, phụ nữ DTTS gặp nhiều khó khăn để phát triển mình. Nhiều hủ tục lạc hậu như phân biệt “việc đàn ông” và “việc đàn bà”, chế độ phụ hệ, phụ nữ không có quyền quyết định công việc trong gia đình, phụ nữ không cần học nhiều, công việc chính là sinh con đẻ cái, quanh quẩn nơi góc bếp… đã hạn chế tiềm năng phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Phụ nữ vùng DTTS chịu nhiều thiệt thòi từ những hủ tục
Bất bình đẳng giới còn thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực: 74% hộ DTTS do nam giới đứng tên độc lập về quyền sử dụng đất, tỷ lệ nữ DTTS tham gia hệ thống chính trị còn thấp, tính riêng cấp xã, tỷ lệ nữ DTTS tham chính chiếm 11,4% trong tổng số hơn 50% cán bộ người DTTS, tỷ lệ giữ chức vụ lãnh đạo thấp, đặc biệt là cấp trưởng là không vượt quá 10%.
Trẻ em gái vùng DTTS chịu thiệt thòi trong tiếp cận giáo dục tiểu học. Trẻ em gái dân tộc thiểu số bỏ học nhiều hơn trẻ em trai ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Phụ nữ và trẻ em gái DTTS có mức độ biết chữ thấp hơn. Tỷ lệ chung của đồng bào dân tộc biết đọc, biết viết từ 15 tuổi trở lên là 94,7%, trong đó, nam chiếm 86,3% và nữ là 73,4. Tỷ lệ đã qua đào tạo về chuyên môn kỹ thuật mới chỉ có 5,9% và vẫn còn khoảng 13,4% phụ nữ dân tộc không hề được tiếp cận với bất cứ phương tiện thông tin hiện đại nào.
Đặc biệt, do điều kiện đi lại gặp khó khăn nên việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tồn tại khoảng cách lớn giữa phụ nữ ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số so với ở thành thị. Hiện có khoảng 30%- 40% người nghèo thuộc nhóm phụ nữ DTTS vẫn đang phải tự điều trị bệnh khi bị ốm đau. Trẻ em gái DTTS có khả năng kết hôn sớm hơn trẻ em gái người Kinh gấp 17 lần. Bạo lực trong gia đình xảy ra phổ biến, đặc biệt ở gia đình dân tộc phụ hệ. Hơn một nửa số phụ nữ DTTS từ 15 - 49 tuổi tin rằng chồng có quyền đánh vợ vì bất kỳ lý do nào trong 5 lý do: Ra ngoài không xin phép; bỏ bê con cái; cãi lại chồng; từ chối quan hệ tình dục với chồng; làm cháy thức ăn...
Nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới
Ngày 10/9/2015,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS, thể hiện quyết tâm thực hiện các mục tiêu chưa được hoàn thành và hướng tới “Mục tiêu Phát triển Bền vững sau năm 2015”.
Theo đó, Mục tiêu tổng quát của Đề án là tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới. Đề án phấn đấu 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng DTTS có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới…
Cần cơ chế, chính sách ưu tiên cho sự phát triển phụ nữ DTTS.
Với Quyết định này, một lần nữa thể hiện sự quyết tâm cao độ cũng như cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ và mở ra một mức độ kỳ vọng mới và quan trọng là sự cam kết “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, đại diện UN Women, Chính phủ đã tiến hành các biện pháp đáng kể trong việc đưa ra khung pháp lý và chính sách toàn diện nhằm tăng cường phát triển kinh tế xã hội cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Những điều khoản cụ thể đã được nêu trong Luật Bình đẳng giới về tăng quyền năng cho phụ nữ DTTS. Luật Hôn nhân và gia đình nghiêm cấm kết hôn trẻ em… Mặc dù vậy, hiện vẫn còn một số tồn tại trong việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử giới tính, phụ nữ và trẻ em gái DTTS vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo đại diện UN Women, để nâng cao vị thế cho phụ nữ DTTS, các cấp, các ngành cũng cần có cơ chế, chính sách ưu tiên cho sự phát triển phụ nữ DTTS. Bắt đầu ưu tiên từ chính sách giáo dục đối với học sinh gái đến chính sách đối với đội ngũ cán bộ nữ là người DTTS. Cần phải tin tưởng, trao quyền cho phụ nữ ở những vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp. Thực hiện vừa sử dụng vừa đào tạo để đạt chuẩn, thay cho quy định phải đạt chuẩn mới sử dụng đối với phụ nữ DTTS.