Tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á
- Bài thuốc hay
- 19:42 - 15/07/2018
Đó là những thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: "Phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng" mới đây.
Trên 31% phụ nữ Việt Nam làm chủ doanh nghiệp
Việt Nam đã và đang có những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới, với trên 31% phụ nữ Việt Nam làm chủ doanh nghiệp, thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng đứng thứ 69/144 quốc gia xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn coi bình đẳng giới là một ưu tiên trọng tâm trong xây dựng và thực hiện luật pháp chính sách của mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong kinh tế, lao động-việc làm. Điều đó được thể hiện trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng giới, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, v.v.
Ngoài ra, việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, chú trọng đến nữ làm chủ doanh nghiệp cũng đang là ưu tiên hàng đầu. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017) đã quy định về Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và có ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ hơn khi thực hiện các chính sách hỗ trợ. Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh.
Với những nỗ lực đó, Việt Nam đã và đang có những thành tựu nổi bật. Tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao đạt 73% và phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 31% - thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Khoảng cách thu nhập giữa phụ nữ và nam giới thấp hơn so với nhiều quốc gia khác... Kết quả là, Việt Nam đứng thứ 69/144 quốc gia xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực, một trong những chỉ số để đo là sự tham gia và cơ hội trong lĩnh vực kinh tế.
Theo Liên hợp quốc, Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất trên toàn thế giới về mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Phụ nữ thu nhập thấp, “gánh” nhiều việc không lương
Mặc dù đạt được những kết quả vậy, nhưng theo Thứ trưởng Lê Quân, vẫn còn có sự khác biệt giữa nam và nữ trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp (nam giới chiếm ưu thế ở các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính; còn nữ giới đang làm việc chủ yếu ở các ngành giáo dục, y tế; xã hội, các ngành dịch vụ).
Lao động nữ vẫn tập trung ở những việc làm có vị thế kém hơn như lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương (Nữ là 21,6%, Nam là 10.2%- năm 2017)- đây lại là những công việc không ổn định, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.
Thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam vẫn còn chênh lệch, giai đoạn 2009-2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn của nam, mức chênh lệch khoảng 30$, trên tổng mức lương chưa đạt 200$/tháng. 98% số doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp...
Phụ nữ làm công việc chăm sóc không lương nhiều hơn nam giới 105 phút mỗi ngày, tức là hơn 12 giờ mỗi tuần, 6,5 ngày làm việc mỗi tháng, hoặc gần 80 ngày làm việc mỗi năm. Quan niệm gắn vai trò và giá trị mặc định cho cả phụ nữ (là người chăm sóc gia đình) và nam giới (là trụ cột kinh tế trong gia đình và xã hội) đang tạo ra rào cản trong việc tiếp cận cơ hội việc làm và kinh tế cho cả phụ nữ và nam giới.
“Cần đưa ra những giải pháp, đề xuất chính sách cũng như mô hình để giải quyết các vấn đề bất cập trên, nhằm hướng tới phát triển bền vững cho cả DN và nền kinh tế”- ông Lê Quân nhấn mạnh.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình - Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhận định, bình đẳng giới là cơ sở, là nền tảng và là điều kiện tiên quyết, quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Bất bình đẳng giới đã được xác định có mối liên quan đến những yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, quan điểm và nhận thức của các chủ thể; do đó, can thiệp và cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới không phải là điều dễ dàng, mà nó đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp. Cũng theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, đang ngày càng tham gia sâu vào mọi hoạt động trong cộng đồng...
Nói về bình đẳng giới tại nơi làm việc, bà France-Massin, đại diện của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, lồng ghép các vấn đề về giới vào xúc tiến và tạo việc làm giúp nâng cao hiệu quả cho công tác tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế; phát triển nguồn nhân lực; phát triển bền vững; và giảm thiểu đói nghèo. Những tiến bộ về gia tăng sự tham gia lực lượng lao động của nữ giới và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ đã và đang được diễn ra trên toàn thế giới trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa bình đẳng giới trong lao động việc làm thành hiện thực.