CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:36

Bình chọn quy định pháp luật 2016: Nhiều quy định có tác động chưa tốt

 

Cộng đồng doanh nghiệp lên tiếng

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, trong số 237 quy định được đề cử thì có 79 quy định nằm ở cấp luật (chiếm 33%); 75 quy định nằm trong các nghị định (chiếm 32%) và 69 quy định nằm ở cấp thông tư (chiếm 29%), còn lại ở các văn bản khác. Tuy nhiên, khi phân loại theo đề cử tốt và kém thì thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các nhóm này.

Theo đó, có đến 34% đề cử quy định tốt nằm ở cấp luật, trong khi tỉ lệ này ở các đề cử quy định kém chỉ là 24%. Ngược lại ở cấp nghị định và thông tư, tỉ lệ quy định bị đánh giá mức kém cao hơn, lên đến 70%.

 

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI khẳng định: Đây là tiếng nói trung thực của các doanh nghiệp được quy chiếu từ quy luật thị trường và cạnh tranh


Riêng với 30 quy định chưa tốt bị đề cử, đại diện VCCI cho biết hiện đã có 5 quy định được các bộ, ngành chủ động điều chỉnh, sửa đổi; 13 quy định đang được các bộ ngành đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để sửa đổi trong thời gian tới. 

Kết quả bình chọn là sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực từ các cơ quan nhà nước trong việc làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn từ những quy định tốt. Bên cạnh đó, cuộc bình chọn sẽ đưa ra các cảnh báo về những quy định đang cản trở một cách bất hợp lý đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều gợi ý sẽ được gởi mở cho các cơ quan nhà nước để họ phải nhìn nhận lại các quy định và tiến hành rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng thời xác định những tiêu chí để xây dựng các quy định một cách hiệu quả.

Đối tượng bình chọn bao gồm các Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp. TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM cho rằng, cuộc bình chọn sẽ thể hiện tính chủ động, không ngồi chờ sự thay đổi của các Bộ. “Sáng kiến này của VCCI có thể sẽ mang đến một sự thay đổi lớn trong công các xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đình Cung kỳ vọng.

Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt và chưa tốt là tiếng nói chân thực và kịp thời từ cuộc sống của cộng đồng doanh nghiệp. Theo LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC), thành viên hội đồng bình chọn, với chủ trương coi DN là đối tác của Chính phủ thì những bình chọn, đánh giá việc xây dựng và thực thi chính sách là một trong những điều kiện cần và đủ.

Cũng theo ông Huỳnh, cuộc bình chọn thể hiện tính dân chủ từ những tiếng nói đa chiều, tiếng nói của đối tượng chịu sự tác động. Bình chọn này có tính thực tiễn, là những dữ liệu của cuộc sống, những phản ánh chân thực từ sự cọ sát của cuộc sống, đóng góp cho việc xây dựng chính sách.

Cần thay đổi quy định làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm 

Sở dĩ quy định thời gian làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm được đề cử vào danh sách 30 quy định pháp luật chưa tốt, theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI, do quy định này chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như nhu cầu làm thêm giờ của người lao động.

Hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong ngày, không quá 30 giờ trong tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm; trừ một số trường hợp đặc biệt cho Chính phủ quy định được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

 

Theo các chuyên gia, nên tổ chức bình chọn 2 năm 1 lần và tập trung chọn các quy định tồi nhất vì thiết thực, hiệu quả

 

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, quy định người lao động chỉ được phép làm thêm khoảng 200- 300 giờ/ năm đang gây khó cho họ trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp sản xuất theo thời vụ, theo những đơn hàng xuất khẩu lớn.

Còn nhớ, tại các cuộc đối thoại giữa Bộ LĐ-TB&XH, VCCI với các doanh nghiệp từ trước tới nay, nhiều doanh nghiệp lên tiếng cho rằng quy định thời gian làm thêm giờ đang gây khó cho cả doanh nghiệp và người lao động. Theo ông Chu Văn An- Phó Tổng giám đốc Cty Thủy sản Minh Phú, nếu cứ "máy móc" áp quy định người lao động không được làm thêm quá 200 giờ/năm sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN.

Thực tế tại Cty Thủy sản Minh Phú vào những dịp cao điểm mùa vụ, sản lượng tôm chế biến được chuyển đến nhà máy quá nhiều, DN phải tăng ca, nhưng nếu như vậy sẽ vi phạm quy định về giờ làm thêm.

Ông Nguyễn Xuân Dương- Tổng Giám đốc Cty may Hưng Yên cho rằng: Cùng với nhiều nước khác, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, song những quy định của nước ta đôi khi lại "lệch pha" so với một số nước trong khu vực và thế giới.

"Hiện Trung Quốc quy định thời gian làm thêm giờ tối thiểu là 600 giờ/năm, Nhật Bản quy định thời gian làm thêm giờ là 720 giờ/năm. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của các nước đó ở mức 40.000 USD/năm. “Còn ở Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người mới ở mức hơn 1.000 USD/năm nhưng chúng ta lại quy định thời gian làm thêm giờ quá thấp”, ông Dương phân tích.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp đều có chung kiến nghị, quy định làm thêm giờ nên có sự "nới lỏng". "Thực tế lãnh đạo các DN cũng sẽ cân đối để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động để DN phát triển bền vững. Đó còn chưa kể, người lao động cũng cần làm thêm giờ để trang trải cuộc sống. Do vậy tôi cho rằng các cơ quan quản lý nên tăng thời gian làm thêm giờ để "cứu" DN và người lao động", ông An nói.

Về sự cần thiết phải thay đổi giờ làm thêm, ngay tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2016 vừa qua, trước các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đưa ra thông tin làm hài lòng sự mong mỏi bấy lâu của doanh nghiệp cũng như người lao động, rằng thời gian tới, tuy không phải ở tất cả các lĩnh vực giờ làm thêm đều thay đổi- nhưng ở một số lĩnh vực, một số công việc, ngành nghề, giờ làm thêm của Việt Nam cần thiết phải thay đổi.

“Mức làm thêm sẽ tăng, nhưng việc tăng giờ làm thêm cũng phải tính toán đến sức khỏe, điều kiện sống, rồi nguồn thu nhập của người lao động làm sao cho hài hòa”, Bộ trưởng khẳng định.

Như vậy, quy định về thời gian làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm là 1 trong 30 quy định được đề cử quy định pháp luật chưa tốt, càng cho thấy, quyết tâm của Bộ LĐ-TB&XH trong việc nghiên cứu, sửa đổi nhằm có quy định phù hợp về thời gian làm thêm giờ là phù hợp với thực tiễn, với sự phát triển chung của thế giới.  

 

Theo Ban tổ chức, thể lệ, tiêu chí, đối tượng bình chọn dự kiến sẽ được tập hợp ý kiến đóng góp từ các hiệp hội DN, chuyên gia để công bố trong thời gian sớm nhất.

Phạm vi bình chọn bao gồm các quy định nằm trong các văn bản pháp luật cấp trung ương gồm: Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của các Bộ, Thông tư liên tịch…

Cộng đồng doanh nghiệp thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình với sáng kiến trên. Đồng thời, nhiều đại diện hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ mong muốn ban tổ chức sớm hoàn thiện thể lệ bình chọn để tổ chức thường niên. Qua đó, những kết quả bình chọn sẽ tạo sức ảnh hưởng và tác động tích cực đến công tác xây dựng và ban hành văn bản pháp quy như những giải thưởng lớn mang tầm quốc gia, quốc tế.

Được biết, đây là cuộc bình chọn gặp nhiều sóng gió khi triển khai. Cuộc bình chọn này được khởi động từ ngày 22/12/2015 với kỳ vọng sẽ cổ vũ, biểu dương các văn bản, cơ quan ban hành những văn bản tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người dân trong việc được trao quyền; tiếp cận các cơ hội về đầu tư, việc làm, thu nhập, tham gia các ngành nghề kinh doanh.

 

Những quy định được đề cử quy định pháp luật tốt nhất

 1. Bộ luật Hình sự 2015 đã bỏ Tội kinh doanh trái phép tại Điều 159 Bộ luật Hình sự 2005.

2. Danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế. Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

3. Bãi bỏ quy định về mức trần 15% cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hỗ trợ… liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

4. Bỏ quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản.” trong Luật Kinh doanh Bất động sản

5. Giảm tần suất kê khai thuế theo quý thay vì theo tháng đối với doanh nghiệp có doanh thu năm liền trước từ 20 tỷ đến 50 tỷ. Điều 4.3 Nghị định 91/2014/NĐ-CP

6. Bãi bỏ quy định phải cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước (bãi bỏ quy định) Luật Đầu tư 2005.

7. Điều kiện kinh doanh bất động sản có vốn pháp định được chứng minh bằng vốn điều lệ. Điều 3-5, Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

8. Mở rộng cho phép người nước ngoài quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam. Điều 161.2.a, Luật Nhà ở 2014

9. Nguyên tắc áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài: Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đã được phép đầu tư các ngành, phân ngành theo điểm đ hoặc đã được công bố trên Cổng thông tin quốc gia thì việc chấp thuận đầu tư trong cùng ngành nghề đó không phải lấy ý kiến của Bộ quản lý ngành. Nghị định 118/2015/NĐ-CP

10. Bỏ quy định về chứng chỉ hành nghề và văn bản xác nhận vốn pháp định tại hồ sơ đề nghị thành lập doanh nghiệp. (bãi bỏ quy định) Điều 16-19, Luật Doanh nghiệp 2005

11. Điều 26, Luật Đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài tự do mua ít hơn 51% cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh không có điều kiện mà không phải xin phép.

12. ĐIều 11.3(a) Luật Kinh doanh bất động sản. Cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua, thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

13. Thông tư 91/2015/TT-BGTVT, Tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới

14. Điều 3, Thông tư 26/2015/TT-BTC sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-BTC. Trường hợp sau 5 ngày làm việc cơ quan quản lý thuế trực tiếp không có ý kiến bằng văn bản thì doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn tự in. Thủ trưởng cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm về việc không có ý kiến bằng văn bản trả lời doanh nghiệp.”

15. Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải toả, người thu nhập thấp được hỗ trợ mua nhà ở xã hội

16. Cho phép một cá nhân làm giám đốc đồng thời của nhiều Công ty. (bãi bỏ quy định) Điều 157, Luật Doanh nghiệp

17. Quy định giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông cho doanh nghiệp từ 25% xuống 20%. Điều 10, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung năm 2013

18. Mở thông tuyến khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Người dân khám chữa bệnh tại các bênh viện cùng tuyến trên địa bàn toàn tỉnh được bảo hiểm y tế chi trả 100%, thay vì mức 70% như trước đây. Các bệnh viện tư nhân sẽ được xếp hạng để tương ứng với các tuyến và được bảo hiểm y tế chi trả

19. Điều 13.2 Luật Doanh nghiệp, Công ty TNHH và Công ty Cổ phần có thể có nhiều hơn một đại diện theo pháp luật.

20. Điều 2.1.a, Thông tư 194/2014/TT-BTC Doanh nghiệp bảo hiểm được mở chi nhánh trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam

21. Điều 54-59, Luật Kinh doanh bất động sản 2014Mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư dự án được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai

22. Điều 6, Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT Thủ tục đăng ký, thành lập hợp tác xã được đơn giản hóa tiệm cận với thủ tục thành lập doanh nghiệp.

23. Thông tư 60/2015/TT-BGTVT Chuyển chức năng đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn về vận tải cho Hiệp hội doanh nghiệp

24. Điểm e, Khoản 1, Điều 89, Luật Xây Dựng số 50/2014/QH13, Miễn giấy phép xây dựng Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

25. Bỏ chương hợp đồng bảo hiểm trong Bộ luật Dân sự 2015

26. Điều 14.2, Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 4.2, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng

27. Điều 126 và 127, Luật Đất đai năm 2013. Nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm

28. Điều 141.1, Luật Doanh nghiệp, Giảm điều kiện tiến hành họp đại hội đồng cổ đông

29. Điều 6, Nghị định 118/2015/NĐ-CP. Các nguyên tắc làm thủ tục đầu tư: (1) không yêu cầu thêm hồ sơ; (2) chỉ yêu cầu bổ sung hồ sơ 1 lần; (3) đơn vị được lấy ý kiến không trả lời coi như đồng ý

30. Quyết định 51/2014/QĐ-TTg. Cho phép thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán khi cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước;

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh