CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:06

Biệt dược quý ở cao nguyên trắng

 

Cây Atisô được trồng ở xứ lạnh.

 

Ký ức buồn

Bắc Hà được mệnh danh là cao nguyên trắng, nhưng ít ai biết nguyên nhân sâu xa của cụm từ ấy. Thậm chí nhiều người tưởng cao nguyên Bắc Hà trồng nhiều mận, vào mùa hoa mận nở trắng đồi trắng núi nên gọi như vậy.

Nhưng không phải vậy. Danh xưng cao nguyên trắng lại bắt nguồn từ loài cây chết người – hoa anh túc. Cụ Đỗ Văn Cừ, 80 tuổi, người gắn bó cả đời với vùng đất cao nguyên, cho biết: “Ký ức của chúng tôi về vùng đất này là những vườn, những ruộng cây thuốc phiện bạt ngàn. Thuở xưa, cây anh túc, cần sa có khi nói không ngoa chứ nhiều hơn lúa hơn rau là cái chắc”. Theo cụ Cừ, cái tên Bắc Hà xuất phát từ cụm từ tiếng Tày là “Pạc ha” nghĩa là “trăm bó gianh”. Thời thuộc Pháp, người Tây phiên âm Pạc ha bằng chữ Latinh thành Pakha, người Việt đọc thành Bắc Hà.

Bắc Hà còn được gọi với cái tên “cao nguyên trắng” là vì những năm 1986 trở về trước, Bắc Hà trồng khá nhiều loại cây gây nghiện như anh túc, cần sa. Cụ Cừ nhớ lại: “Thời ấy anh túc và cần sa chỉ được trồng như một số loại rau để làm thuốc giảm đau và chống ho. Bởi với người dân Bắc Hà, loại cây này như dược liệu quý.

Có đau yếu trong người hay đau bụng thì đem ra chữa trị cho người và cả gia súc, gia cầm”. Cho mãi đến năm 1993, khi Nhà nước vận động nhân dân bỏ trồng cây thuốc phiện, các cây trồng khác mới được thay thế, trong đó có loài mận tam hoa. Hoa trắng của mận đã thay thế những cái “chết trắng” từ cây anh túc, cần sa.

Cây biệt dược hái ra tiền

Ông Phạm Văn Điều, Phó Chủ tịch UBND xã Na Hối cho hay: “Một số địa phương ở Bắc Hà từng là vùng trồng thảo dược nổi tiếng. Bởi đặc thù xứ lạnh nên việc trồng cây thuốc rất thành công. Nhưng bây giờ, chúng tôi chuyển hướng sang trồng Atisô đem lại nguồn lợi lớn hơn rất nhiều”. Một số xã vùng cao của Bắc Hà vào giữa hè nhưng không khí lại rất mát mẻ. Được tạo hoá ban cho “món quà” ấy, nên họ chọn cây Atisô thay thế tất cả các loại cây khác. Hôm chúng tôi có mặt tại xã Na Hối, sương mù đã phủ kín tất cả mọi con đường ngõ ngách, chỉ bóng cây Atisô là lờ mờ trong màn sương giăng mắc.

Xưởng nấu cao sắp hoàn thiện.

Trong giá lạnh, những người nông dân vẫn cần mẫn làm cỏ, bắt sâu trên cánh đồng Atisô. Nhà ông Trần Hữu Luân, ở bản Km6 năm nay trồng 2000 m2 Atisô, chỉ vài tháng nữa là thu hoạch được. Ông Luân cho hay: “Chuyện cây “đẻ” ra tiền là có thật. Cây Atisô chỉ vứt đi mỗi thân, còn rễ, lá và hoa đều bán được tiền”.         

Năm ngoái, ông Luân thu về ngót trăm triệu đồng nhờ làm biệt dược. Được biết, người Na Hối vốn chế biến thảo dược rất giỏi nên biệt dược từ Atisô cũng được họ nghiên cứu kỹ. Lá và rễ cây được họ nấu thành cao, hoa thì bán cho thương lái hoặc phơi khô làm thuốc.

Ông Luân cho biết: “Lá và rễ cây Atisô đem nấu đủ 6 tiếng rồi gạn lấy nước cốt. Nước từ lá cây sẽ cho vào chảo đun 3 ngày 3 đêm thì thành cao. Cao Atisô rất tốt, giải độc cho gan và mật nên giá bán cũng rất cao”. Hiện ở Bắc Hà, 1 lạng cao Atisô có giá gần 200.000 đồng. Giá bán cao là thế nhưng để mua được dù chỉ một lạng cũng rất khó. Vì họ sản xuất đến đâu hết hàng đến đó. Mà lạ một điều, khách hàng toàn là người Tây sang du lịch, hoặc những đại gia đặt hàng trước mấy tháng. Ở Bắc Hà, chuyện nông dân thành tỉ phú nhờ nấu cao Atisô không phải là hiếm. Như ở xã Lùng Phình, nhiều người xây được nhà tầng, mua được xe hơi nhờ việc biến lá cây Atisô thành biệt dược.

Người dân sơ chế lá cây Atisô.

 

Muốn vươn ra biển lớn

Ông Phạm Văn Điều cho hay: “Biệt dược từ cao Atisô ở Bắc Hà không hề pha chế bất cứ một tạp chất nào nên để chiếm lĩnh thị trường không phải là khó. Bà con các dân tộc chế biến biệt dược rất thành thục và đảm bảo nên thương hiệu từ cao Atisô đã được khẳng định”. Là loại cây có giá trị lớn, nhưng không phải bản làng nào của Bắc Hà cũng trồng được. Vì thế, biệt dược từ Atisô ngày càng khan hiếm, nhất là dịp cuối năm, khi nhu cầu dùng cao Atisô để giải rượu tăng đột biến. Hơn nữa theo những gia đình chuyên nấu cao, thì việc chờ thu hoạch lá và rễ của Atisô mất rất nhiều thời gian. Thời gian từ khi nhóm lò đến khi nước cốt của Atisô thành cao cũng lâu và nhiều công đoạn phức tạp như tâm sự của ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng bản Gì Thàng 2: “Nhiều khi chỉ vì sơ suất nhỏ mà mất trắng cả mẻ cao. Đồng nghĩa với việc mất cả năm vun trồng, tưới tắm, bắt sâu cho cây”.

Hiện tại, hai xã trồng và chế biến biệt dược là Na Hối và Lùng Phình đang mở rộng diện tích trồng Atisô. Riêng Lùng Phình từ lâu đã xây dựng được xưởng chế biến cao công suất lớn. Nhưng đến mùa vụ, lượng lá và rễ Atisô nhiều nên dẫn tới tình trạng quá tải. Đứng trước tình trạng đó, xã Na Hối đã đề xuất với ngành chức năng huyện Bắc Hà xây dựng một xưởng nấu cao. Với ước mơ xây dựng riêng cho mình một thương hiệu biệt dược của cao nguyên trắng, những người nông dân nơi đây đã liên kết với một công ty dược có tiếng bao tiêu sản phẩm. 

Thạc sỹ, bác sỹ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y – Bệnh viện TƯ Quân đội 108 cho biết: “Atisô được biết đến như một cây thuốc lợi mật, bổ gan. Atisô cũng là kinh điển trong “thực vật liệu pháp” nhằm kích thích và tăng cường các chức năng tiêu hoá, bài tiết thải độc. Đây cũng là một loại rau cao cấp, khi nấu chín rất dễ tiêu hoá, trị đau dạ dày, rất cần cho những người bị bệnh tiểu đường”.

NAM TRẦN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh