Biết điều này, teen còn tiếp tục nuôi động vật hoang dã?
- Chia sẻ
- 09:45 - 29/07/2022
- Vườn Quốc gia Vũ Quang tái thả số lượng lớn động vật hoang dã nguy cấp
- Quảng Bình bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm
- Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) tái thả 56 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên
- Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thả gần 200 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên
Trend nuôi thú cưng là động vật hoang dã
Đến nhà bạn chơi, tôi giật mình khi thấy một con khỉ nhỏ ngồi trong góc nhà. Con khỉ đang ăn mận, nhìn nó có vẻ khá dạn dĩ, không sợ khi thấy người lạ, chứng tỏ đã được nuôi nhốt từ khá lâu rồi. Một lúc sau, ngẩng đầu lên tôi lại thấy một chú đại bàng. Chiếc mỏ cong sắc nhọn và ánh mắt dữ dằn của nó làm tôi hoảng hốt. Khỉ bị xích như chó và đại bàng dù đã bị buộc dây vào chân như gà, vịt nhưng chúng vẫn là những động vật hoang dã. Tôi thực sự không hiểu tại sao gia đình bạn lại nuôi những con thú này. Phải chăng vì họ yêu động vật hoang dã, yêu thiên nhiên?!
Những người thực sự yêu quý thiên nhiên, biết bảo vệ môi trường sẽ không bao giờ tách những con thú hoang khỏi môi trường tự nhiên của chúng. Giống như những đứa trẻ, thú hoang, nhất là thú non cần sự nuôi dưỡng và chăm sóc của thú mẹ và bầy đàn, chúng cần thế giới tự nhiên.
Nhìn con của bạn chơi đùa với khỉ và đại bàng, tôi vô cùng lo lắng. Nếu chẳng may bị khỉ cắn hay đại bàng mổ thì phải làm sao? Những con thú này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây truyền dịch bệnh tới con người.
Gần đây, trong giới trẻ rộ lên trend nuôi động vật hoang dã như thú cưng. Những con vật được giới trẻ yêu thích mua - bán, trao đổi là culi, rùa nước ngọt, chim, khỉ, rái cá, tê tê… Trong những con vật này, có con vật được phép nuôi nhốt (nếu có giấy tờ hợp pháp), nhưng cũng có những con vật nằm trong sách đỏ cần được bảo tồn hoặc đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng như culi, rái cá, tê tê, một số loài rùa: rùa Hoàn Kiếm, rùa Trung Bộ, rùa hộp trán vàng miền Nam, rùa sa nhân…
Nói riêng về việc nuôi chim, thực tế, nuôi chim cảnh có từ rất lâu đời và khá phổ biến; tuy nhiên không phải loài nào, chim nào cũng được phép nuôi giữ. Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), những loài chim lớn như đại bàng và các loài chim ăn thịt rất khó để giữ trong môi trường nuôi nhốt, bởi chúng đã quen sải cánh trong một không gian rộng lớn. Nuôi dưỡng những loài này rất tốn kém và gây khó khăn cho cả con người và động vật. Kể cả khi các loài có nguồn gốc hoang dã có thể sống trong môi trường nuôi nhốt và không đòi hỏi chăm sóc công phu, thì nuôi giữ các loài này cũng sẽ gây ra nhiều mối đe dọa đối với quần thể của chúng ngoài tự nhiên.
Việc giới trẻ mê nuôi động vật hoang dã vô tình thúc đẩy hoạt động săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã phát triển. Trong khi đó, việc biến mất của một số loài động vật hoang dã có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Ví dụ, đối với các loài là con mồi hoặc động vật săn mồi, việc ăn các loài đã chết sẽ giúp giải quyết vấn đề bệnh dịch tiềm năng, giữ cho quần thể các loài khác được kiểm soát. Đây là một trong những ví dụ điển hình về vai trò sinh thái của các loài và đó chính là lý do tại sao chúng cần được sống trong môi trường của mình. Giữ động vật hoang dã trong nhà làm vật nuôi sẽ không phù hợp và ngăn cản nỗ lực bảo vệ chúng trong tự nhiên.
Con tê tê và 14 viên đạn chì có thể làm thay đổi nhận thức trong bạn?
Trẻ em ngày nay được giáo dục về tình yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường từ rất sớm. Trường học và cộng đồng có rất nhiều hoạt động hướng trẻ tới bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật hoang dã. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bạn nhỏ tưởng rằng, việc nuôi dưỡng và chăm sóc thành công động vật hoang dã mới chứng tỏ mình thực sự yêu thiên nhiên. Số khác thông qua việc nuôi động vật hoang dã (nhất là những con thú dữ dằn) để chứng tỏ bản lĩnh hơn người của mình – suy nghĩ này không phù hợp với cuộc sống văn minh và hiện đại. Một số khác nuôi động vật hoang dã mà không biết đó là động vật nằm trong danh sách cần phải bảo tồn; các em chỉ nghĩ đơn giản đó là thú cưng vì thấy chúng được rao bán tràn lan trên các trang mạng. Có rất nhiều lý do, chủ quan có, khách quan có, đưa đẩy các bạn trẻ đến với việc nuôi nhốt động vật hoang dã. Tuy nhiên, ngay khi biết con vật bạn nuôi là động vật quý hiếm, cần được bảo tồn, hãy ngừng việc nuôi dưỡng và chuyển những con thú cưng bạn yêu mến tới các trung tâm bảo tồn động vật hoang dã. Ở đây, các nhân viên cứu hộ sẽ chăm sóc dinh dưỡng và y tế đầy đủ, thậm chí họ còn có thể ghép cặp, nhân giống cho những động vật hoang dã này.
Trong một lần đến Trung tâm Giáo dục Bảo tồn Thú ăn thịt và tê tê thuộc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), đặt tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), tôi được nghe nhân viên cứu hộ Trần Văn Trường kể một câu chuyện vô cùng xúc động về quá trình giải cứu bạn tê tê mang trên mình 14 viên đạn (tại SVW, các nhân viên cứu hộ luôn gọi các con thú là bạn). Bạn tê tê này được giải cứu từ một cuộc buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Điện Biên. Ngay khi được chuyển về SVW, Trường cùng bác sĩ thú y đã kiểm tra sức khỏe tê tê và phát hiện có nhiều vẩy bị vỡ, 1 viên đạn chì lộ thiên được gắp bỏ. Sau khi chụp X-quang, họ phát hiện trên mình tê tê còn có tới 13 viên đạn chì khác. Việc phẫu thuật để loại bỏ 13 viên đạn này rất phức tạp và có thể nguy hiểm tới tính mạng của tê tê nên các nhân viên cứu hộ quyết định giữ nguyên tình trạng và theo dõi sát sao sức khỏe của tê tê. Thông thường, các cá thể tê tê được cứu hộ, sau chăm sóc khoảng 2 tháng, sẽ được thả về rừng, nhưng với riêng bạn tê tê này vì trên mình vẫn còn găm 13 viên đạn nên Trung tâm Bảo tồn quyết định giữ lại để chăm sóc trọn đời. Đây là trường hợp tê tê đầu tiên bị đạn bắn được đưa đến SVW.
Nếu tận mắt chứng kiến con tê tê đáng thương này, hoặc biết được những con vật khác đã phải trải qua những gì trước khi được đưa về các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, tôi tin rằng, bạn sẽ từ bỏ ngay ý định nuôi động vật hoang dã như thú cưng?