THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:17

Biến tướng trong hoạt động kinh doanh ở Phủ Tây Hồ

 

Những ngày lễ tết, ngày rằm mùng một hàng tháng luôn là những ngày "hái ra tiền" của những hộ dân xung quanh những địa chỉ tâm linh lớn ở Hà Nội. Với mặt hàng kinh doanh chủ yếu là đồ lễ, hoa quả, vàng mã, trông giữ xe và các hoạt động ăn uống khải khát. Tuy nhiên, không phải ở đâu hoạt động kinh doanh cũng diễn ra quy củ và ổn định, mà đâu đó vẫn còn những hình ảnh lộn xộn, hành vi “chặt chém” khách hành hương và nhiều vấn đề xã hội phát sinh khác.

 

Nhiều hàng quán được dựng lên ngay trong sân Phủ Tây Hồ


Có mặt tại Phủ Tây Hồ - một trong những địa chỉ tâm linh có lượng người hành hương lễ bái nhiều nhất ở Hà Nội có thể thấy sự bùng nổ của các hoạt động kinh doanh. Dọc con đường Xóm Chùa là các cửa hàng kinh doanh của nhiều hộ dân mọc lên như nấm, chỉ cần bước chân qua cổng tam quan là một hàng dài ki ốt bầy bán đủ các loại đồ lễ từ hoa quả, bánh trái, vàng mã cho đến hàng bánh tôm, bún ốc và nước mía hoạt động tràn ngập trong sân. Cùng với đó là bàn ghế, xô chậu, bếp núc được bầy biện khiến cho lối vào Phủ trở nên chật hẹp, rác thải từ các hàng quán cũng ngày một nhiều, làm cho không gian linh thiêng trở nên lộn xộn và nhếch nhác.

 

Người phụ nữ đeo tai nghe Bluetooth ngồi lê giữa lòng đường

 

Cô Nguyễn Thị Lan - một người dân sống tại quận Cầu Giấy đi lễ cho biết ”Có hàng quán thì người đi lễ sắm đồ cũng tiện. Song việc có quá nhiều quán xá sẽ dẫn đến sự lộn xộn và mất đi sự trang nghiêm nơi đền chùa ”

Thời gian gần đây, ngay trong sân Phủ còn xuất hiện những quán nhỏ bán xổ số, lô tô và các trò chơi trúng thưởng như xé thăm với giá 5 nghìn đồng một lượt, thu hút không ít khách hành hương muốn thử vận may của mình, đặc biệt là giới trẻ. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong buổi chiều ngày mùng một vừa qua, những quán nhỏ kinh doanh trò chơi trúng thưởng này không lúc nào ngớt khách.

 

Cảnh quán xá nhếch nhác trước cửa Phủ


Bên trong là thế còn bên ngoài cửa Phủ là sự án ngữ của nhiều người hành nghề ăn xin. Luôn có từ 5 đến 7 người đứng chặn của cửa Phủ, nằm lăn lê giữa đường để xin tiền, nhiều người dân đã phải ra nhắc nhở “đó là khúc cua nhiều phương tiện qua lại ngồi đó rất nguy hiểm”. Song, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên, những người này vẫn thản nhiên ngồi giữa lòng đường. Cách đó không xa là một người đàn ông mặc quần áo lao động bình thường, với dáng vẻ không giống một người bị khuyết tật ngồi trên chiếc xe điện cũng án ngữ giữa con đường qua lại của nhiều người.

 

Các hàng quán bán vé số, lô tô và các trò chơi trúng thưởng giữa sân Phủ luôn đông ngịt khách

 

Ngoài ra, một trong những dịch vụ hái ra tiền mà không mất quá nhiều công sức ở gần các địa chỉ tâm linh, đó chính là nghề trông xe. Lợi dụng dòng người hành hương lễ bái, không ít các cơ sở trông xe tự phát ở nhiều đền chùa coi đây là cơ hội để mặc sức chặt chém. Giá trông giữ xe ở xung quanh Phủ Tây Hồ là từ 10 đến 15 nghìn đồng cho một chiếc xe máy. Cũng tượng tự thì tại một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội là chùa Phúc Khánh, đoạn qua Ngã Tư Sở những hộ trông xe tại đây tự ý thu lên đến 20 ngàn đồng cho một lượt xe máy. Giá trông giữ xe ở những nơi này cao hơn rất nhiều so với thị trường chung, song nhiều người vẫn phải cắn răng gửi để vào lễ.

Lợi dụng nhu cầu trong đời sống tâm linh của người dân, những hoạt động kinh doanh tự phát ở của đền chùa ngày càng bùng nổ. Trong số đó còn có không ít hình thức biến tướng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của chốn linh thiêng và hoạt động hành hương lễ bái của người dân.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh