Biển đỏ
- Văn hóa - Giải trí
- 20:11 - 29/04/2017
Có tiếng động như tiếng gió dập. Sư thầy bước ra. Một bóng người vút qua. Tiếng trẻ con rên yếu ớt. Đó là một đứa trẻ sơ sinh với mái tóc xoăn tít và màu da đen nhẻm quẫy đạp lùng nhùng trong mớ khăn áo ẩm ướt. Cố trấn tĩnh, sư thầy bế nó lên. Toàn thân nó nóng như một hòn than, nhăn nhúm chẳng khác gì một chú mèo con tội nghiệp.
Đứa bé ấy là Tiểu Tâm.
Chú lớn lên cùng mõ sớm chuông chiều và làm bạn với lời kinh tiếng kệ. Lớn lên một chút, vào những ngày hè, chú theo chân thầy đi hái lá thuốc, hay những đêm đông, chú cuộn mình ủ ấm trong vạt áo của thầy. Đó là những lúc Tiểu Tâm được thầy rủ rỉ bên tai những luân hồi nghiệp chướng, những sinh ký tử qui... và cuối cùng là một cõi niết bàn nào đó vừa gần gũi lại vừa xa xôi. Những giáo lý nhà Phật thấm dần vào trí óc non nớt của chú và cuộc đời ngoài kia với Tiểu Tâm là một bể khổ trầm luân với sinh lão bệnh tử mà mỗi kiếp người đang trải qua.
Tới tuổi đi học, không có trường dành riêng cho những đứa trẻ như chú, Tiểu Tâm được thầy dẫn xuống núi cho học chung với lũ trẻ ngoài xóm. Vạt áo cà sa và bím tóc tu hành cứ loăn quăn mãi không dài ra được để vắt qua tai của “thằng thầy chùa Mỹ đen” khiến Tiểu Tâm trở thành mục tiêu cho lũ trẻ chọc phá. Mỗi lần bị chúng nó níu áo giật tóc, chú cuộn mình lại như con sâu sợ hãi và khổ sở. Chú lặng lẽ học. Và rồi tháng nào Tiểu Tâm cũng đứng nhất lớp. Điều này làm cho lũ bạn thán phục và trở nên thân thiện với chú hơn. Được đến trường, thế giới bên ngoài mở ra trước mắt Tiểu Tâm biết bao điều mới lạ. Chú lặn lội chơi vơi giữa đạo và đời.
Cho đến một buổi chiều tan lớp, ngước mắt nhìn lên mái ngói âm dương phủ đầy rong rêu nằm lẻ loi lưng chừng núi, Tiểu Tâm bỗng ngao ngán con đường trở về. Chú ngược ra đường lớn ngần ngừ một chút rồi tha thẩn đi về phía biển. Biển chiều bắt đầu có gió dịu dàng. Tiểu Tâm men theo bờ cát. Cát nóng ấm và mềm mại dưới chân chú. Lần đầu tiên Tiểu Tâm suy nghĩ về thân phận của mình. Người lớn thường hay bảo sự ra đời của những đứa trẻ như chú là hậu quả của chiến tranh. Đám con nít thì hát vè: “Rớt tú tài anh đi trung sĩ / Em ở nhà lấy Mỹ sanh con / Chừng nào xong việc nước non / Anh về anh có Mỹ con anh bồng”. Còn thầy lại nói kiếp này của chú là luân hồi từ kiếp trước. Nhưng chú nghĩ dẫu thế nào thì con người ta cũng phải do một ai đó sinh ra chứ. Bất giác Tiểu Tâm gọi khẽ: Mẹ ơi! Tiếng gọi trôi trượt trên sóng biển trong cái đêm mưa gió não nề.
Ảnh minh họa
Thế là chú quyết định ra đi. Tiểu Tâm lặng lẽ men theo từng bậc đá dẫn xuống chân núi, sương sớm như một làn khói mỏng giăng kín cả không gian. Tiếng con gà rừng eo óc trôi lạc vào mênh mông nghe bơ vơ tội nghiệp. Một vài ngôi nhà đã sáng đèn. Chân trời phía đông ửng hồng soi rõ mặt đường dưới chân núi. Hình ảnh mơ hồ về một người mẹ cứ thắp sáng nỗi khát khao cháy bỏng trong chú. Tiểu Tâm ngước nhìn lên cái mái ngói cong cong thấp thoáng trong sương, nước mắt ứa ra, lầm lũi bước...
Tiểu Tâm đi thẳng ra bến xe. Chiếc xe đò Á Đông nuốt chửng mặt đường lao về phía Sài Gòn. Hai hàng cây bên đường vun vút trôi ngược về phía sau. Tiếng anh lơ xe giọng đục khàn cố sức la: “Cô bác kiểm tra hành lý chuẩn bị xuống xe, tới bến rồi cô bác ơi!”. Tiểu Tâm giật mình nghe đau buốt sau gáy. Chú lắc lắc đầu nhìn ra ngoài.
Bỏ lại sau lưng hơn 200 cây số đường, chiếc xe đò mệt mỏi lừ đừ tiến vào xa cảng miền Tây. Sau một vòng loanh quanh nó đỗ xịch lại một bãi xe ngập ngụa nước. Không ai để ý đến Tiểu Tâm. Không ai hỏi xem chú đi đâu và định làm gì. Vì ở cái đất Sài Gòn này những đứa trẻ như chú có đến hàng vạn, vừa đen vừa trắng.
Có một cái gì đó thật khủng khiếp đang hiện diện trong chú còn hơn nỗi sợ hãi, sự thất vọng và ước muốn quay về. Chú kìm giữ tiếng khóc đến vỡ toang lồng ngực. Ra khỏi cổng xa cảng miền Tây, Tiểu Tâm rẽ phải, nhìn quanh quất rồi bặm môi bước. Thỉnh thoảng một chiếc GMC chở đầy lính vút qua cuốn bụi mịt mù. Tiếng xe hồng thập tự rú còi rờn rợn. Tiếng xe cứu hỏa “bí bo bí bo”. Tiếng xe lam nổ phành phạch. Tiếng la hét chửi bới tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn làm đầu óc Tiểu Tâm ong ong rát buốt.
Một đám trẻ con đi qua và dừng lại. Chúng nhìn Tiểu Tâm lạ lẫm và hiếu kỳ, thấu hiểu và san sẻ. Một đứa nhỏ thó hất mặt: “Ê nhỏ! Sao ngồi đây? Tên gì? Thầy tu hả? Ở đâu tới?”. Tiểu Tâm rụt rè giọng nhỏ nhẹ: “Dạ! Dạ em tên Tiểu Tâm. Em ở... ở... xa lắm. Em không có ba má. Em sống với thầy... Em...”. Chú chưa dứt lời, một thằng trong bọn dáng cao to, tóc hớt ba phân, chừng mười bốn tuổi, giơ cánh tay lên chém xuống không khí một nhát dứt khoát: “Biết rồi! Coi như chiến hữu. Đứa nào còn cái gì cho nó ăn đi. Thằng Lỳ cởi áo mày ra mặc thêm cho nó. Nó tái ngắt rồi kìa. Thôi đi theo tụi tao”.
Một cuộc sống mới bắt đầu với Tiểu Tâm từ cái chiều mưa tầm tã ấy. Bím tóc quăn queo còn lại được cắt đi. Những miếng thịt ngậy mỡ trong những đĩa cơm thừa đã không còn làm Tiểu Tâm mửa ra mật vàng mật xanh nữa. Chú bắt đầu thấy ngon miệng, nhưng ngày rằm, mùng một vẫn không quên tới một ngôi chùa nào đó để xin bữa cơm chay. Lần nào cũng vậy, Tiểu Tâm vừa ăn vừa khóc. Chú nhớ Sư thầy, nhớ nôn nao cái mái hiên chùa thoang thoảng mùi trầm hương.
Tối tối chú đứng trước cửa quán ăn để nhận lau xe cho khách. Ban ngày, chú theo lũ trẻ học đánh giày. Chú từng có những ngày rủng rỉnh túi để ăn một đĩa cơm sườn sang trọng. Nhưng cũng không ít ngày ế khách đói meo...
Những ngày ế khách là những ngày đáng sợ nhất đối với Tiểu Tâm. Bởi vì những lúc xách đồ nghề đi lang thang khắp phố, nỗi khát khao tìm mẹ lại trỗi dậy trong lòng chú quay quắt, giằng xé không nguôi.
Rồi Sài Gòn giải phóng. Lũ bạn trôi dạt mỗi đứa một phương. Tiểu Tâm ra chợ Cầu Ông Lãnh làm đủ việc để sống, kể cả ăn xin và có hồi ăn cắp. Nhưng khổ mấy chú cũng chưa lần nào có ý định trở về quê cũ tìm gặp lại thầy. Chú cảm thấy mình có lỗi... Mấy năm sau, nước Mỹ muốn gom hết những giọt máu mà các binh lính Mỹ bỏ lại ở Việt Nam. Hàng loạt trẻ lai Mỹ bằng nhiều cách đã được đưa sang Mỹ - trong đó có Tiểu Tâm. Thế là giấc mơ tìm mẹ của chú vĩnh viễn khép lại.
Sống giữa xứ sở được gọi là quê cha mà lúc nào Tiểu Tâm cũng thấy nó thật xa lạ. Với chú, dải đất hình chữ S ở bên kia bờ đại dương cách nửa vòng trái đất mới chính là quê nhà. Một buổi chiều, bỗng chú cồn cào nhớ biển. Tiểu Tâm một mình lang thang. Biển lặng thinh êm ả không một gợn sóng. Tiểu Tâm nhắm mắt lại, hít đầy lồng ngực cái hơi thở nồng nàn của biển, rồi từ từ mở mắt ra. Trước mặt chú, biển đang chuyển dần sang màu đỏ một cách kỳ diệu. Sau mười năm, một lần nữa chú lại lặn lội chơi vơi giữa đạo và đời.
Ngồi trước mặt tôi là một nhà sư mang hai dòng máu Việt - Mỹ với màu da đen bóng và cặp môi dày. Tôi thích thú khi nghe ba giới thiệu đây là chú Tiểu Tâm -“Việt kiều”- bạn học ngày xưa của ba. Cái chú “thầy chùa Mỹ đen” vẫn thường bị ba nắm bím tóc giật đau đỏ mắt mà vẫn cười. Bắt chước ba, tôi gọi chú là “chú Tiểu”. Chú ngồi quay lưng về phía biển. Nhìn chú như một người vừa từ trong quá khứ bước ra. Ánh mắt đẫm đầy hoài niệm xa xưa. Chú Tiểu cười hiền như... một nhà sư:
- Có lẽ phải nhờ ông tư vấn xem chúng ta nên làm gì cho có hiệu quả với số tiền mà tôi đã vận động được. Nhưng trước tiên, ngày mai ông cùng tôi lên thăm sư thầy nhé.
Ba tôi siết nhẹ tay chú:
- Thầy không còn nữa chú ạ. Sư thầy đã nằm đại định suốt bốn năm liền trước khi viên tịch cách đây mấy tháng. Sáng mai tôi đưa chú đi thăm chùa. Không chừng chú không còn nhớ đường lên đó nữa. Bây giờ cảnh vật khác xưa nhiều lắm.
Tôi nhắm mắt lại để trí tưởng tượng của mình bơi trong những sắc màu kỳ ảo của biển. Và tôi thấy... biển từ từ ánh lên sắc đỏ. Tôi hồi hộp mở mắt ra. Không. Ngoài kia biển vẫn xanh. Chỉ có đôi mắt nhà sư đang đỏ như tứa máu. Những giọt nước trong veo lấp lánh chảy tràn khuôn mặt.
Chú Tiểu ngồi bất động. Sau lưng chú biển vẫn ầm ào...
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc