THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:16

Biến chủng Delta khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở nhiều nước

Theo hanoimoi.com.vn, Ở châu Á, ngày 2/7, Ấn Độ chứng kiến cột mốc đáng buồn khi nước này ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 vượt mốc 400.000 ca. Tổng số ca tử vong tại Ấn Độ tính đến thời điểm này là 400.312 ca, đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Brazil, trong khi tổng số ca mắc Covid-19 là 30,5 triệu ca, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.

Do sự lây lan biến chủng Delta, số ca mắc mới ở Hàn Quốc trong ngày 2/7 tăng lên mức cao nhất trong gần 6 tháng qua (826 ca), chủ yếu là ca lây nhiễm cộng đồng. Hơn 80% số ca mắc mới là ở Seoul và khu vực lân cận, nơi một nửa trong tổng số 51,34 triệu người sinh sống. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Hàn Quốc đã phải hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội 1 tuần, đến ngày 7/7 tới.

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận số ca mắc và tử vong do Covid-19 trong ngày cao chưa từng có với 25.830 ca mắc và 539 ca tử vong. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp số ca mắc Covid-19 tại Indonesia ở mức trên 20.000 ca. Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, chính phủ nước này có thể sẽ phải hoãn kế hoạch mở cửa trở lại đảo Bali cho khách du lịch nước ngoài để hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Dịch cũng bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới trong một ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ hai trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong và mắc bệnh mới trong ngày 2/7 đứng thứ hai toàn khối.

Tại Malaysia, tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, khi làn sóng dịch mới kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước làn sóng dịch mới, chính phủ Malaysia quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Biến chủng Delta khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở nhiều nước - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Jakarta, Indonesia.

Thái Lan cũng vừa ghi nhận ngày có số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 cao nhất từ trước đến nay, với 6.087 ca mắc mới và 61 ca không qua khỏi. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca tử vong vì Covid-19 ở Thái Lan tăng lên một mức cao mới.

Còn tại Campuchia, trong 24 giờ qua, thêm 966 ca mắc mới, phần lớn lây nhiễm trong cộng đồng, và 32 ca tử vong được ghi nhận, mức cao nhất từ trước đến nay. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chiều 2/7, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã tái ban hành quyết định tạm ngừng hoạt động chợ Olympic, một trong các chợ trung tâm lớn của thành phố.

Khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên sau khi chủng vi rút Delta lây lan mạnh.

Châu Âu

Lục địa già cũng đang phải đối mặt với làn sóng gia tăng các ca mắc mới Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đây là hệ quả của việc khán giả tới sân vận động theo dõi các trận đấu của vòng chung kết EURO 2020.

Ngày 1/7, Anh phát hiện 27.989 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 29/1, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.828.463 ca. Với số ca nhiễm mới tăng vọt này, số ca bệnh tại Anh trong một tuần tính từ ngày 25/6 đến 1/7 đã tăng gần 72% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, nước này vẫn dự định dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch vào ngày 19/7.

Tại Nga, số ca tử vong do Covid-19 tăng 679 ca trong 24 giờ qua, mức cao chưa từng có kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Nga ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục. Cùng ngày, nước này ghi nhận thêm 23.218 ca nhiễm mới, trong đó thủ đô Mátxcơva có 6.893 ca, đưa tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 5.561.360 ca.

Thị trưởng Mátxcơva Sergei Sobyanin cho biết, biến chủng Delta chiếm tới 90% tổng số ca nhiễm mới ở thành phố này. Ông yêu cầu các cơ quan cho 1/3 số nhân viên làm việc tại nhà, ngoại trừ những người đã tiêm vắc xin, đồng thời yêu cầu 60% tổng số lao động làm việc trong ngành dịch vụ phải tiêm đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 vào giữa tháng 8 tới. Trước tình hình này, phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nêu rõ: "Không ai muốn bất kỳ một lệnh phong tỏa nào", do đó, vấn đề này không được nhà chức trách thảo luận. Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục kêu gọi người dân nước này đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Biến chủng Delta khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở nhiều nước - Ảnh 2.

Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Sydney, Australia khi lệnh phong tỏa được áp dụng.

Đức cho biết biến chủng Delta có thể chiếm tới 80% các ca Covid-19 của nước này trong tháng 7. Ngày 2/7, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn khẳng định trong trường hợp xảy ra làn sóng lây nhiễm mới, những người đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sẽ không phải chịu cảnh phong tỏa hoàn toàn như trước, thay vào đó, sẽ được tự do hơn những người chưa được tiêm vắc xin. Trong khi đó, Bồ Đào Nha đang cân nhắc áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm để ngăn ngừa dịch bệnh. Số ca mắc mới ở Bồ Đào Nha ngày 1/7 là 2.449 ca, mức tăng cao nhất kể từ giữa tháng 2.

Châu Phi

Biến chủng Delta cũng đang khiến dịch Covid-19 lây lan với tốc độ kỷ lục ở châu lục này. Theo WHO, số ca bệnh tại châu Phi đã tăng mạnh trong 6 tuần liên tiếp. Số ca nhiễm trong vòng 7 ngày tính đến ngày 27/6 vừa qua tăng 25% so với tuần trước đó, lên gần 202.000 ca. Số ca mắc mới theo tuần cao nhất từ trước đến nay tại châu Phi ghi nhận ở mức 224.000 ca/tuần. Số ca tử vong do Covid-19 ở 38 quốc gia châu Phi tăng 15%, lên gần 3.000 ca trong cùng thời gian kể trên.

Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cảnh báo tốc độ và quy mô của làn sóng dịch bệnh thứ 3 là chưa từng thấy. Hiện biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao đã được phát hiện tại 16 quốc gia châu Phi, trong đó, biến chủng này gây ra 97% số ca tại Uganda và 79% số ca tại CHDC Congo. Nhu cầu oxy ở châu Phi hiện cao hơn 50% so với thời kỳ đỉnh dịch trong làn sóng dịch bệnh thứ nhất cách đây 1 năm.

Biến chủng Delta khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở nhiều nước - Ảnh 3.

Biến chủng Delta đang khiến dịch Covid-19 lây lan với tốc độ kỷ lục.

Châu Mỹ

Tại khu vực Nam Mỹ, Bộ Y tế Guatemala đã phải ban bố cảnh báo "đỏ", mức cảnh báo cao nhất, do số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục trong 15 ngày qua. Việc ban hành mức báo động trên cho phép thiết lập các cơ chế giải quyết tình trạng khẩn cấp do sự gia tăng các ca nhiễm mới, đảm bảo dự trữ oxy, vật tư, trang thiết bị cho bệnh nhân và cập nhật số giường còn trống tại các bệnh viện. Cơ quan y tế cũng khuyến nghị ngừng các sự kiện lớn và các hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người.

Theo baotintuc.vn, Ở châu Âu, giới chức Đức đang nỗ lực giảm lây nhiễm COVID-19 bằng biện pháp hạn chế di chuyển, nhập cảnh. Hành khách đến từ những quốc gia, khu vực có biến chủng Delta hoành hành mạnh, như Anh, Bồ Đào Nha hay Nga, Ấn Độ, đều phải tuân thủ quy định các ly 14 ngày, dù họ đã tiêm đủ liều vaccine hoặc có chứng nhận xét nghiệm âm tính. Giới chuyên gia nhận định, biến chủng Delta sẽ chiếm phần lớn các ca nhiễm mới tại Đức từ nay đến cuối tháng 7, dù tổng số ca nhiễm có thể sẽ tiếp tục giảm.

Tại Pháp, chủng Delta hiện chiếm 20% số ca nhiễm mới, tăng so với mức 10% một tuần trước đây. Chính quyền đã phải tái áp dụng một số biện pháp hạn chế mới được dỡ bỏ trước đó ở vùng tây nam, nơi biến chủng Delta lây lan mạnh. Như ở vùng Landes, chủng này là tác nhân gây ra 74% số ca nhiễm mới trong tuần trước, buộc chính phủ phải duy trì biện pháp hạn chế tụ tập, hoạt động của rạp chiếu phim, chợ, siêu thị cho đến sớm nhất là ngày 6/7.

Châu Phi là khu vực chịu nhiều sức ép. Ít nhất 21 trên tổng số 54 quốc gia ở châu lục này đang phải đối diện với bùng phát lây nhiễm mới, với số ca nhiễm tính theo ngày có xu hướng vượt trội so với những làn sóng trước đó. Mới chỉ có 1,1% trong tổng số 1,3 tỉ dân châu Phi được chích ngừa vaccine đủ liều. Các bệnh viện ở Uganda, South Africa, Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo đã rơi vào tình trạng quá tải, một số nước buộc phải tái áp đặt đóng cửa, phong tỏa.

Xét trên phạm vi toàn cầu, việc hạn chế di chuyển để ngăn chặn lây lan của biến chủng mới đã nhấn chìm hy vọng của các nền kinh tế phụ thuộc vào ngành du lịch. Trong báo cáo được công bố ngày 30/6, Liên hợp quốc nhận định kinh tế toàn cầu có thể chịu mức tổn thất 2.400 tỉ USD do tác động tiêu cực của COVID-19 đối với ngành du lịch và một số lĩnh vực khác. Khoảng 60% tổn thất này rơi vào những nước đang phát triển, cũng là khu vực có tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 thấp.

HOÀNG TÙNG (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh