CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:53

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang lý giải việc “cả nhà làm quan”

 

- Trong ngày 17/9, thông tin về những người thân trong gia đình ông đang làm lãnh đạo ở nhiều cơ quan, ban ngành tỉnh Hà Giang tràn ngập mạng xã hội Facebook. Ông phản ứng thế nào khi biết những thông tin này?
- Sáng nay tôi nhận được nhiều tin nhắn về việc này lắm. Người ta nhắn thông báo có sự việc như thế, vì hôm nay Thứ bảy nhưng tôi vẫn phải họp Thường vụ Tỉnh ủy. Những cái này không hay lắm, hệ lụy là những lời bình luận theo đó nhiều thứ lắm. Nhưng đã làm lãnh đạo thì phải luôn luôn chịu áp lực này.
- Thưa ông, những tên tuổi, chức danh gắn với mối quan hệ của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang được chia sẻ trên mạng xã hội có đúng không?
- Tôi chia sẻ với tư cách là một công dân mạng nhưng gia đình nhà tôi và cá nhân tôi không phải người ham chức vụ, quyền lực. Các việc cụ thể thì đã rõ ràng rồi.
Tôi xin nói một hình ảnh như thế này. Năm 1999 tỉnh Hà Giang có lấy phiếu tín nhiệm để tôi làm lãnh đạo một huyện, tôi có gặp lãnh đạo tỉnh khi ấy và nói rằng tôi không thể làm được đâu, các chú cho cháu làm phó văn phòng UBND huyện là được rồi, chứ không thể làm Phó chủ tịch huyện được. Nhưng sau đó, tôi vẫn được bầu làm Phó chủ tịch UBND huyện từ năm 1999 đến năm 2004.
Năm 2006, khi đó vợ tôi là cán bộ phòng kỹ thuật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, nhưng mà ngành đề nghị đưa vợ tôi sang làm Chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ thực vật. Hai vợ chồng tôi cũng lại phải sang xin Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi có nói: “Thôi chú ơi, cháu đang là Ủy viên dự khuyết Trung ương bận lắm, rồi bố cháu mới nghỉ hưu (bố ông Triệu Tài Vinh là ông Triệu Đức Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - PV), xin chú đừng trình vợ cháu làm Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật”. Đấy là năm 2006.
Năm 2009, ngành lại đề xuất vợ tôi làm Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai vợ chồng lại đi xin không làm nhưng đến năm 2013 người ta vẫn cứ trình, khi đó cũng khó về nhân sự. Mà vợ tôi là Phạm Thị Hà chứ không phải Đặng Thị Hà đâu.
Nhân vật thứ hai người ta nhắc tới là Triệu Tài Phong - Bí thư huyện Quang Bình là em ruột của tôi. Năm 2007 đang là Phó giám đốc Đài truyền hình tỉnh Hà Giang, thì Phong được lãnh đạo tỉnh Hà Giang, khi đó tôi chưa phải lãnh đạo tỉnh đâu, luân chuyển về làm Phó chủ tịch huyện Quang Bình, giữ chức này tới năm 2011.
Nhưng năm 2012, ông Nguyễn Quang Tuệ - Bí thư huyện ủy Quang Bình được điều động lên tỉnh làm Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông. Ông Tuệ trước đây là Giám đốc Đài truyền hình tỉnh Hà Giang nên khi đó anh em ở huyện, rồi Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy có đề xuất Phong lên chức Bí thư huyện thay. Tôi lại về bảo không được đâu. Tôi nói với Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy là Phong không được đâu, vì năm 2011 là Phó chủ tịch huyện, đến năm 2012, mới làm Chủ tịch huyện được có 1 năm, không thể làm Bí thư huyện ủy được, đề nghị không được trình.
Ban thường vụ Huyện ủy bảo nếu không như thế thì đề nghị Bí thư Tỉnh ủy đề xuất con người. Thế là tôi lại về Hà Nội gặp anh Lê Quang Minh - Tỉnh ủy viên, Chánh văn phòng Tỉnh ủy đang học cao học tại Học viện Nguyễn Ái Quốc, vận động anh Minh giúp Ban Thường vụ đi làm Bí thư Huyện ủy một lần nữa, vì trước đó anh Minh đã là Bí thư Huyện ủy Xín Mần rồi.
Anh Minh đồng ý. Năm 2012-2014 thì anh ấy giữ chức Bí thư Huyện ủy Quang Bình. Năm 2014 chuẩn bị cho đại hội thì anh Minh được Ban Thường vụ rút về làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, khi đó mọi người lại trình Phong nhà tôi thì tôi không còn cách nào rồi. Thế thì chấp nhận thôi.
Còn Mạc Văn Cường - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Giang thì từ năm 2011, thành phố Hà Giang có đề xuất làm Phó trưởng Công an thành phố rồi, nhưng tôi bảo thôi. Cường vừa học xong cao học, phải có thực tiễn, mặc dù đã làm công an ở huyện Yên Minh và huyện Hoàng Su Phì và bấy giờ thành phố Hà Giang là nơi làm việc thứ 3. Nhưng nó là em rể tôi, vừa học xong và hồi đó có câu chuyện tế nhị nên tôi không cho, cho dừng lại. Mãi sau đó mới bổ nhiệm đấy chứ.
Rồi Triệu Sơn An - Phó chủ tịch huyện Hoàng Su Phì, không phải Triệu Tài An đâu, là em trai út của tôi. Quê tôi ở huyện Hoàng Su Phì, người Dao đông lắm nên cơ cấu cán bộ lãnh đạo huyện bao giờ cũng phải có người Dao tham gia lãnh đạo để đảm bảo cân bằng và dân vận cho tốt. Anh em ở huyện có đề xuất xin chú An vào Hoàng Su Phì làm Phó chủ tịch huyện, tôi có bảo rằng không được đâu, thằng An học xong làm bảo hiểm, chuyên viên kinh tế chưa lâu nên không cho đi.
Tôi có nói với các lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì phải tìm người địa phương cùng dân tộc Dao thì tốt hơn. Anh em hỏi nên tôi đã nói quan điểm về một cán bộ xã thuộc huyện Hoàng Su Phì khi ấy được luân chuyển lên huyện làm phó phòng có thể đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch huyện được. Nhưng khi làm quy trình lại phát hiện người này chưa học chính trị, thế là lại không thể bổ nhiệm được. Các vị lại trình thằng An nhà tôi nên tôi phải chịu.
Còn Triệu Tài Tân một em trai nữa của tôi, thì không phải Phó giám đốc Sở Bưu chính viễn thông đâu. Nó là một thằng công nhân bình thường, công nhân thực thụ. Tôi rất thương nó. Người ta cũng nể, bố trí làm phó phòng hành chính điều hành xe cộ. Nó mới học 12, không học đại học gì cả. Anh em thấy thật thà, bố trí làm phó phòng hành chính điều hành xe cộ, rồi mãi mới kết nạp Đảng được.
Em gái tôi là Triệu Thị Giang cũng không phải Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang đâu. Tôi đã nói rõ là nếu bổ nhiệm cô Giang lên trưởng phòng thì phải giải trình, bảo vệ đề án nếu mình được bổ nhiệm chức danh trưởng phòng trước tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy chứ đừng nói đến Phó giám đốc sở.
Còn Triệu Là Pham và Triệu Thị Tình là cùng họ, cùng quê nhưng không phải trong gia đình nhà tôi. Không phải chi trên chi dưới gì cả, nhưng dư luận cứ tưởng là anh em thôi. Quê tôi là vùng đất hiếu học, có 6 khóa có đại biểu Quốc hội, đây là hai con người có học thức và đi lên bằng năng lực của mình. Triệu Là Pham là đại biểu Quốc hội cơ mà.
Tôi nói tất cả những việc đó để thấy rằng không màng chức danh quyền lợi chỗ này cả.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh phát biểu tại một hội nghị (Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương)
- Cá nhân ông nhìn nhận thế nào trước việc dư luận mạng xã hội “dậy sóng” trước thông tin cả nhà mình làm quan như vậy?
- Tôi rất chia sẻ. Nếu nhìn vào một lãnh đạo có nhiều người thân làm lãnh đạo trong tỉnh là một hình ảnh không có lợi cho bản thân mình. Điều đó là điều không có lợi đâu. Tôi không thích. Kể cả con trai tôi vẫn đang học đại học, tôi đang lo mai kia nó ra người khác lại nịnh nó này kia. Tôi không cho phép. Tôi thấy hình ảnh này không tốt cho cá nhân tôi.
Cộng đồng mạng nói như thế này ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của cá nhân tôi, nhưng tôi cho rằng chỉ nên ảnh hưởng tới tôi thôi, không nên ảnh hưởng tới tỉnh Hà Giang vì đây là một tập thể làm rất nghiêm túc. Tình cảm cá nhân của tôi không vượt qua được nguyên tắc của một tập thể quyết định. Tôi đã nói với mọi người cân nhắc, không được trình như thế đã bao nhiêu lần, rất nhiều lần.
Những hình ảnh này không có lợi, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tôi. Tôi có làm bao nhiêu đi chăng nữa nhưng hình ảnh này ảnh hưởng rất tiêu cực. Đó là cảm nhận của tôi, tôi không mong muốn người nhà tôi lên làm lãnh đạo.
- Nếu các cơ quan quản lý cán bộ ở Trung ương yêu cầu báo cáo về tổ chức cán bộ ở tỉnh Hà Giang, thì cá nhân ông vẫn khẳng định những người thân trong gia đình mình đã được bổ nhiệm đúng quy trình, đúng quy định?
- Năm nay tôi vừa được giám sát về vấn đề này, kết luận rõ ràng rồi, không có vấn đề gì. Tôi đã được giám sát về công tác, nhiệm vụ, trong đó có bổ nhiệm cán bộ, có cả người nhà tôi. Tất cả đều có minh chứng của một tập thể hết.
Tôi biết trách nhiệm của tôi chứ. Tôi nói với bạn thế này là với tư cách một Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy chứ không phải bạn bè. Tôi nói những điều đó bạn cứ yên tâm, tất cả công tác cán bộ của tôi đều có hết rồi. Tôi chia sẻ với cộng đồng mạng vì sao như thế thôi.
- Xin cảm ơn ông!

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh