Bí thư Thừa Thiên - Huế chỉ cách cho Phú Lộc phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
- Huyệt vị
- 20:11 - 16/10/2019
Theo báo cáo của Ban thường vụ huyện ủy Phú Lộc, giai đoạn 2015-2020, huyện đã cơ bản thực hiện theo kế hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các thành phần kinh tế phát triển; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; công tác đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm, kết cấu hạ tầng tăng nhanh; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đô thị phát triển.
Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng và thế mạnh nhưng đến nay, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế của huyện Phú Lộc chưa cao, thiếu bền vững; tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; nguồn lực phát triển chưa được khai thác hợp lý; kết quả giảm nghèo chưa thật sự vững chắc. Ngành Dịch vụ - Du lịch tuy đã có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch còn hạn chế.
Trong 16 chỉ tiêu đề ra, dự ước đến năm 2020 có 7 chỉ tiêu khó đạt. Công tác xây dựng Đảng có chuyển biến, song năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng có mặt còn hạn chế; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng có nơi chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả sức thuyết phục chưa cao.
Giai đoạn 2020-2025, huyện Phú Lộc đặt mục tiêu tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện theo hướng tăng trưởng xanh; xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và ngành công nghiệp tạo bước đột phá cho nền kinh tế; tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, xây dựng Phú Lộc trở thành trung tâm kinh tế năng động phía Nam của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Phấn đấu, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 11,2%; đến năm 2025, tỷ trọng các ngành: Dịch vụ 64%; Công nghiệp - xây dựng 30,4%; Nông - lâm - ngư nghiệp 5,6%; tổng đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020 - 2025 từ 32-35.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 88 triệu đồng.
Đại diện các sở, ngành thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, Phú Lộc có Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và mới đây nhất Thủ tướng vừa phê duyệt quy hoạch khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương. Đây là một động lực lớn cho huyện phát triển. Vì vậy, huyện cần phải chú trọng và tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để thu hút vốn đầu tư từ nguồn đầu tư nước ngoài, các thành phần kinh tế và doanh nghiệp.
Ông Bùi Thanh Hà, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế cho rằng, Phú Lộc cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các chương trình dự án trọng điểm, có như vậy mới thu hút mạnh đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Đồng thời, tăng cường phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh và các ngành có liên quan để triển khai hiệu quả các dự án thu hút đầu tư; trọng tâm là các dự án đầu tư vào phát triển công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng du lịch - dịch vụ tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng cô...
Theo ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế, để đưa ra những bước đột phá trong phát triển, nhất là các giải pháp trong chỉ đạo điều hành nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020, làm động lực cho thời kỳ tới, Đảng bộ huyện Phú Lộc cần rà soát cụ thể các nhiệm vụ, đánh giá lại việc khai thác các tiềm năng và những khó khăn, cản trở trong nội tại của huyện đã được chỉ ra.
Ông Lưu yêu cầu Phú Lộc cần tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư lớn đã và đang triển khai tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng cô; giải quyết tốt những vấn đề an sinh xã hội liên quan đến các dự án hỗ trợ tái định cư còn tồn đọng, nhằm đảm bảo ổn định đời sống người dân...