CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:01

Bí quyết làm các món dưa muối ngon miễn chê

 

1. Kim chi cải thảo
Nguyên liệu:
- 3kg cải thảo, 1 củ cải, 2 -3 củ cà rốt; 1 củ hành tây, 3 cây tỏi tây, 5 cây hành củ, 1 ít hẹ, gừng, tỏi ta
- 1 quả táo vừa hoặc 1 quả lê;1 chén bột nếp (chén dùng để uống café)
- Muối hạt, 1 chén nước mắm, 1 chén đường (cũng đong bằng chén dùng để uống cafe), 3 lạng ớt bột Hàn Quốc
Cách làm:
Bước 1: Để làm kim chi ngon, trước tiên bạn cần sơ chế nguyên liệu thật chuẩn nhé! Cải thảo có thể để cả cây hoặc bổ làm đôi.
Tuy nhiên nếu làm kim chi để gia đình ăn thì mình tách ra thành từng tàu lá sẽ tiện hơn cho việc rửa sạch.
Củ cải bào sợi to.
Cà rốt cũng bào sợi to.
Bước 2:
Nếu bạn để nguyên cây cải thảo để làm kim chi thì sau khi rửa đem muối hạt rắc vào từng tàu lá ngâm trong 2 - 3 tiếng cho đến khi cải mềm.
Với những lá đã tách bạn chẻ đôi và cắt khúc chừng 4 - 5cm, trộn với muối hạt. Cứ 3kg cải thảo thì dùng chừng 3 lạng muối.
Củ cải và cà rốt cũng trộn với muối.
Bước 3:
Sau khi cải mềm thì đem rửa lại 2 - 3 lần với nước sạch.
Để cải vào rổ cho ráo nước, có thể vắt nhẹ. Làm tương tự với củ cải và cà rốt.
Bước 4:
Dùng 1 chén bột nếp pha với khoảng 3 chén nước.
Cho vào nồi, khuấy trên bếp nhỏ lửa đến khi gần được thì thêm 1 chén đường vào khuấy cùng, đến khi bột hơi trong như bột trẻ em thì tắt bếp.
Bước 5:
Hành củ, tỏi tây, hẹ đem cắt khúc 2 - 3cm, riêng phần củ trắng thái mỏng.
Bột nếp để nguội rồi trộn với hành, tỏi tây
Bước 6:
Tỏi ta, gừng, táo, hành tây thái nhỏ.
Đong 1 chén nước mắm.
Cho tỏi ta, gừng, táo, hành tây vào cối xay chung cùng chén nước mắm.
Bước 7:
Trộn hỗn hợp hành tỏi vừa xay, ớt bột vào bột nếp, khuấy đều.
Bước 8:
Lấy hỗn hợp vừa trộn xoa vào từng tàu lá của cây cải thảo.
Với cải đã cắt thì trộn đều hết củ cải, cà rốt, cải thảo cùng hỗn hợp vừa làm ở trên.
Cho vào hộp để 2 - 3 ngày là có thể dùng được
Với phần kim chi muối cả nguyên cây cải thảo thì khi ăn bạn đem cắt khúc rồi bày ra đĩa. Khi làm kim chi để gia đình ăn mình thường cắt cải thảo bé ngay từ đầu để khi rửa sạch hơn mà khi ăn không phải dùng dao thớt lần nữa. 
Ngoài ăn kèm với cơm trắng như một món đồ chống ngán, kim chi còn có thể dùng để kho cá, kho thịt hay nấu canh ăn, rang cơm cũng rất tuyệt.


2. Cà pháo cay ngọt
- 1 kg cà pháo, 1/2 kg muối.
- 1 củ riềng, 1 củ gừng, 200 g ớt xay, 1 củ tỏi.
- Đường cát, nước mắm.
Cách chế biến:
- Cà pháo mua về gọt bỏ cuống, rửa sạch để ráo nước. Đun sôi khoảng 1 lít nước, cho muối vào hòa tan. Tỏi đập dập cho vào cùng.
- Cho cà pháo vào hũ thủy tinh, chế nước muối đã nguội vào ngập mặt cà, đậy kín nắp lại trong khoảng 7 ngày là được.
- Cà pháo sau khi ngâm lấy ra rửa lại với nước ấm, thái đôi để làm mắm cà.
- Gừng, riềng gọt vỏ, thái sợi. Cho 300 ml nước lọc, 1 thìa canh nước mắm, 200 g đường cát rồi đun sôi.
- Nước mắm đường để nguội, cho gừng, riềng, ớt xay vào trộn đều.
- Tiếp đến cho cà vào trộn thật đều.
- Cho cà vào lọ thủy tinh, đậy nắp kín lại trong khoảng 1 ngày cho thấm gia vị.
- Cà pháo ngâm chua ngọt thường được ăn kèm với thịt luộc và cơm trắng, vừa đậm đà, vừa ngon miệng.


3. Rau muống muối
- Rau muống trắng nhặt sạch lá còn cậng, rửa sạch dưới vòi nước.
- Sau khi đã rửa sạch, cho muối trắng vào ngâm 15-30p cho sạch vi khuẩn, đất, cát...
- Đun nước sôi, thả rau vào chần sơ...
- Sau khi chần sơ ngâm ngay vào khay nước đá (điều này sẽ giúp rau xanh rất đẹp mắt và rất giòn).
- Chuẩn bị gia vị: tỏi, ớt băm nhỏ, giấm, đường, nước sôi để nguội. 
- Cắt rau làm 2,3 khúc tuỳ sở thích, ướp 1 lớp rau, 1 lớp tỏi ớt, 1 thìa đường, 1 thìa muối...
- Sau khi xếp xong các mẹ đổ xăm nước giấm tỉ lệ 4 bát nước: 1 bát giấm
- Rau muống muối giòn, thơm mùi tỏi, chua ngọt rất vừa miệng.


4. Kim chi dưa leo

Nguyên liệu: 5 trái dưa leo, cà rốt cắt sợi, 1/4 củ hành tây cắt mỏng, 2 tép hành lá cắt khúc, hẹ cắt khúc, 3 tép tỏi băm nhỏ, nước mắm ngon, 1 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng bột ớt cay 
Cách làm: 
Dưa leo rửa sạch, cắt đôi sau đó chẻ dọc làm tư, cho vào 1/2 muỗng muối xóc đều, để khoảng 30 phút.
Dùng một cái tô lớn, cho vào tô gồm nước mắm, bột ớt, đường và tỏi băm, dùng muỗng quậy đều, rồi cho vào hành tây, hành lá, hẹ trộn đều, dưa leo sau khi xóc muối thì mang rửa nước để ráo, sau đó cho dưa leo vào phần nước mắm trộn trong tô, dùng tay trộn nhẹ nhàng dưa leo cho thấm đều nước mắm và gia vị, đậy kín rồi để đến hôm sau thì ăn được, có thể cho vào tủ lạnh ăn dần. 


5. Dưa bắp cải
Nguyên liệu:
- 1 cái bắp cải. Bắp cải gỡ từng lá, rửa sạch, xắt sợi, để ráo.
- Lọ, hũ thủy tinh dung tích khoảng 5 – 7 lít, miệng rộng, có nắp đậy, rửa sạch, khô. Vài nan tre mỏng hoặc dĩa sứ nặng có thể bỏ lọt vào hũ.
- 1 bó rau cần rửa sạch, cắt khúc.
- 1 bó rau răm rửa sạch, cắt vừa.
- 1 củ tỏi 
giã dập.

Nấu sôi 2 lít nước với 50gr muối bột, 100gr đường, 1/2 chén giấm. Nấu tan muối, đường rồi để mở vung cho mùi dấm bay hơi bớt, nước nguội bớt nhưng vẫn còn nóng già. Mình dùng giấm táo nên nước hơi có màu đỏ một chút.
Trộn đều bắp cải, rau cần, rau răm, tỏi rồi cho vào lọ thủy tinh, nén nhẹ nhàng, đừng nén chặt quá nước muối sẽ khó thấm đều vào dưa. Gài vài nan tre ngang mặt dưa sao cho khi châm nước vào dưa sẽ không nổi lên trên; bạn cũng có thể dùng một dĩa sứ nặng đè trên mặt dưa.
Châm hỗn hợp nước giấm còn nóng già vào hũ dưa, dưa sẽ dịu xuống nhanh, bạn đậy kín hũ dưa lại, cất nơi thoáng mát. Để qua một ngày là dưa bắt đầu chua, ngày thứ hai dưa vẫn còn nồng nhưng có thể dùng ăn kèm vài món ăn tùy khẩu vị.
Mỗi khi lấy dưa ra ăn, luôn nhấn chìm phần dưa còn lại trong hũ dưới mặt nước muối.
Sau khi ăn hết dưa, nếu muốn làm ngày một hũ khác thì bạn giữ lại một ít nước muối cũ, sau khi làm hũ dưa mới và châm nước muối mới vào thì cho thêm chừng 1 chén nước muối cũ, thời gian dưa chua sẽ nhanh hơn.

NGỌC BÍCH(tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh