CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:09

Bi kịch đằng sau giấc mộng đổi đời

Nỗi đau hôn nhân không tình yêu

Kết hôn với người chồng Hàn Quốc khi vừa tròn 20 tuổi, chị H ngụ ở thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú, Đồng Nai), khi ấy là một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh. Nhưng chỉ hơn một năm sau, chị từ Hàn Quốc trở về... trên xe lăn với khuôn mặt ngây dại. Bi kịch bắt đầu từ khi hai người cùng chung sống, chị H đã thấy những hành động không bình thường của người chồng Hàn Quốc hơn chị 16 tuổi, và cuối cùng anh ta phải vào viện tâm thần điều trị. Trong tình cảnh chán nản nơi xứ người, chị H đã có hành động dại dột là uống thuốc trừ sâu tự tử, nhưng được phát hiện và đưa đi bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, sau 4 tháng trải qua cơn thập tử nhất sinh trong bệnh viện mà người chồng tâm thần cũng chẳng hề hay biết, cuối cùng chị được một vị mục sư giúp đưa về trả lại cho gia đình cô ở Việt Nam, lúc này chị H đã thân tàn ma dại, không còn nhận biết được gì.

Một cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc (Ảnh minh hoạ).

Nhà đông anh em, lại nghèo khó nên thông qua mai mối, chị Nguyễn Thị Thúy L. (24 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) quen và lấy một người chồng Đài Loan. Sau đó, chị L. vượt biên từ cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) sang Trung Quốc, rồi đi tàu sang Đài Loan. Từ đây, những chuỗi ngày đau khổ với chị L. mới bắt đầu. Suốt 1 năm trời, chị L. phải vừa đi làm việc ở một xưởng may, về còn hầu hạ gia đình chồng. Kể lại chuyện này L. khóc nức nở: “Tiền tôi làm ra đều bị gia đình chồng giữ hết. Từ sáng đến khuya phải hầu hạ chồng rồi cha mẹ chồng. Nếu tôi không làm sẽ bị bỏ đói”.  Tàn nhẫn hơn là sau khi chị L. sinh con trai được 15 ngày, thân thể còn đau đớn mà chị còn phải phục vụ người chồng liên tục đòi quan hệ, tra tấn thể xác lúc nửa đêm. Tủi nhục dồn nén, chị L. bị khủng hoảng tinh thần và thường xuyên đau đầu. Đến tháng 5/2014, gia đình chồng đưa chị L. đến biên giới để chị tự tìm đường về Việt Nam, còn đứa con thì bị họ giữ lại. Từ khi về quê, chị L. khóc liên tục và phải vào bệnh viện tâm thần điều trị.

Không đến mức phải nhập viện điều trị bệnh tâm thần sau hôn nhân với người chồng ngoại, nhưng cũng có không ít phụ nữ phải trở về trong đắng cay và những rắc rối về mặt pháp lý khi vẫn chưa thể ly hôn được người chồng ngoại quốc...

Trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình

Những năm gần đây, liên tục xảy ra các trường hợp phụ nữ Việt bị chồng và gia đình chồng là người nước ngoài ngược đãi. Không ít chị em đã ôm con, trốn về nước để cứu thân. Thậm chí, có những chị em còn tìm đến cái chết để “giải thoát”. Tuy nhiên, không vì thế mà số lượng chị em người Việt quyết tâm tìm cho mình một tấm chồng ngoại giảm đi.

Theo Hội LHPN Việt Nam, từ năm 2008-2014, Việt Nam có khoảng gần 116.000 công dân Việt Nam (nữ chiếm 92,01%) kết hôn với công dân hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều nhất trong số này là công dân Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nếu như trước năm 2004, chỉ có 560 trường hợp kết hôn với người Hàn thì tới năm 2004, con số đã lên tới khoảng 60 nghìn trường hợp. Tại Trung Quốc, hiện cũng có khoảng trên 30.000 cô dâu Việt Nam tập trung tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam.

Theo thống kê, từ năm 2011 - 2014, tại khu vực phía Nam, hàng năm có trên 9.000 trường hợp đăng ký kết hôn với người nước ngoài, chiếm khoảng 75% so với cả nước. Tuy nhiên, gần 90% cuộc hôn nhân này không xuất phát tình yêu mà chỉ vì mục đích kinh tế. Các cô dâu tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và nhiều nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, mặc dù phần lớn các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài đều đạt được mục đích hôn nhân, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan, nhưng gần đây cũng xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thông qua hoạt động môi giới bất hợp pháp, khiến hàng ngàn phụ nữ sau khi kết hôn lâm vào hoàn cảnh sống khó khăn, bị ngược đãi, bị buôn bán với mục đích mại dâm, thậm chí bị đánh đập dẫn đến thương tật suốt đời hoặc tử vong.

Trào lưu kết hôn không mang tính tự nguyện, kết hôn vì mục đích kinh tế (kết quả khảo sát xã hội học gần đây nhất cho thấy có 31% phụ nữ Việt Nam muốn lấy chồng Đài Loan để kiếm việc làm, tăng thu nhập; 15,6% muốn lấy chồng nước ngoài giàu có để giúp đỡ gia đình) không chỉ làm tăng nguy cơ mất cân bằng giới tính ở độ tuổi kết hôn, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ Việt Nam mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục và mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với quốc gia, vùng lãnh thổ mà phụ nữ Việt Nam đã kết hôn.

PGS.TS Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới và Phát triển (Trường Đại học KHXH & NV) cho biết, những vấn đề mà phụ nữ di cư kết hôn phải đối mặt là hết sức nghiêm trọng và phức tạp do có sự khác biệt về văn hóa, luật pháp, phong tục tập quán, ăn uống, ngôn ngữ và lối sống. Nhiều phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc do phải nộp một món tiền lớn cho môi giới nên cố gắng lấy lại tiền từ chồng để gửi về quê cho cha mẹ trả nợ. Trong khi người chồng lại đánh giá vợ kết hôn chỉ vì tiền nên sinh ra bất mãn.         

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh