Bi kịch của 300 nghìn hỗ trợ/tháng để “hít bụi” cả chục năm
- Tây Y
- 13:03 - 14/06/2017
“Phí” chịu bụi, ồn 300.000 đồng/tháng?
“Bom đạn ngày xưa nó còn có giờ giấc, còn nhà máy xay gỗ băm dăm này thì cứ nổ liên tục ngày đêm, nhà tôi khổ không nói hết” - bà Trần Thị Sáu (thôn Lam Long) vừa nói, vừa chỉ tay vào đống gỗ dăm chất cao như núi, án ngữ trước sân nhà. Trông bà Sáu già yếu, khắc khổ hơn nhiều so với tuổi 64.
Từ cửa nhà bà sang đống gỗ dăm của Cty Thanh Thành Đạt chỉ cách vài mét, được ngăn bởi một bức tường thấp. “Bữa nay là họ chưa xay, chứ họ mà xay thì tôi có hét lên chú cũng không nghe được, nhà cửa run bần bật. Mà đống dăm gỗ cao vút lên, che hết cả mặt trời” - bà Sáu kể.
Bà chỉ vào những tấm vải bạt xơ xác được quây kín phía sau và phía trước nhà: “Che rứa chứ không ăn thua. Khi hướng gió tạt vô nhà thì dăm gỗ bay vô đầy. Lại còn thêm cảnh con mát tràn ngập, phun thuốc cách chi cũng không hết”. Bà Sáu chịu đựng tiếng động lớn đã nhiều năm, nên bây giờ ai nói chuyện với bà cũng phải nói thật to lên bà mới nghe rõ.
“Nói thế chứ bà Sáu có “chế độ” của Cty, 300.000 đồng một tháng đó” - anh Tịnh, một hàng xóm đùa. Bà cười như mếu: “Ừ, đúng là nhà tôi có được 300.000 một tháng. Chừng đó tiền không thấm vào đâu so với việc hằng tháng tôi phải đi tiêm hàng chục lần vì đau ốm”.
Không chỉ bà Sáu, mà có khoảng chục hộ cận kề khu xay gỗ băm dăm của Cty Thanh Thành Đạt đều chịu chung cảnh “sống chung với bụi, tiếng ồn”. “Khi có gỗ về là họ nổ máy xay, bất kể ngày đêm, xay từ chập tối cho đến 1 giờ sáng. Nhà tôi cách vài trăm mét, mà đóng cửa, mở tivi lên, vặn volume hết cỡ nhưng không thể nghe được” - anh Tịnh (xóm Lam Long) kể khổ.
“Bi kịch” của xóm làng bắt đầu từ năm 2008, khi nhà máy xay gỗ băm dăm của Cty Thanh Thành Đạt đi vào hoạt động. Sở dĩ doanh nghiệp chọn vị trí này là do sát cảng Xuân Hải, tàu của họ vào tận nơi bốc hàng, giảm được chi phí. Người dân trong thôn cho hay, ban đầu, xưởng xay gỗ được gọi là “làng nghề thủ công mỹ nghệ”, nhưng sau đó chỉ thấy xay gỗ băm dăm. Mỗi khi vào vụ, từng đoàn xe chở gỗ chất cao như núi, nổ máy ầm ầm lao trên con đường vào thôn. Đã xảy ra xô xát giữa người dân và tài xế. Dân cũng đã kéo đến vây, chặn xe vào nhà máy.
“Tiếng nổ của máy gỗ băm dăm thì quá khủng khiếp, đi cách hàng kilomet vẫn nghe. Còn đống gỗ xay cao như núi này, mỗi khi hướng gió vào làng, thì không nói hết chuyện bụi” - anh Tịnh cho biết.
Mùi hôi thối đổ thẳng vào miệng dân
Ở cạnh cảng Xuân Hải, bên cạnh nỗi khổ vì bị tra tấn thường xuyên bởi bụi và tiếng ồn, người dân còn bị “tấn công” bởi mùi xăng dầu do việc bơm nhiên liệu từ tàu lên xe bồn. “Mỗi khi họ bơm xăng dầu, mùi hôi bốc lên nồng nặc, lan tỏa khắp xóm. Anh có tưởng tượng được không, tôi tuổi đã cao rồi mà đêm nằm ngủ phải đeo khẩu trang, mùi xăng xông lên không thở được, thao thức cả đêm” - một cựu chiến binh thôn Lam Long rầu rĩ. Theo ông, mùi xăng bay xa đến tận trụ sở ủy ban xã (cách hàng kilomet), vẫn nghe thấy.
Được một người dân đưa vào cảng Xuân Hải, tôi được thấy nhiều tàu chở dầu, sà lan cũ kỹ đậu san sát, có một số người đang chùi rửa phía trên có một số xe bồn, một số người mặc trang phục của Cty xăng dầu đi lại. Phía trên là tàu của Cty Thanh Thành Đạt đậu sát bờ. Bãi gỗ dăm nằm sát bờ sông, rất thuận tiện cho việc vận chuyển lên tàu.
Chỉ vào dòng nước đục ngầu, đóng váng, người đi cùng nói: “Trước đây, dòng sông này rất nhiều cá. Nhưng từ khi tàu bơm dầu làm thất thoát xuống sông, chỗ này không còn con cá nào”. Tôi chụp mấy kiểu ảnh, rồi vội vàng đi khỏi cảng, vì mùi xăng dầu nồng nặc như đổ thẳng vào miệng, mũi. Thế mới biết người dân sống ở quanh đây khốn khổ đến mức nào.
Bà Trần Thị Xuân - Xóm trưởng xóm Lam Long - cho biết nhà máy Thanh Thành Đạt đã về đây chục năm, trước đây dân có phản ánh việc bụi, ồn, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. “Việc xay quá giờ vẫn có, trước đây xay từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm, 1 giờ sáng; rồi từ 1 giờ đến 8 giờ sáng, rồi sau đó làm ca ngày. Còn xăng dầu (từ cảng Xuân Hải) thì mùa nam bay ngột ngạt, xe đi lại quá nhiều, ảnh hưởng đến thôn xóm” - bà Xuân cho hay.
Hỏi về cách khắc phục, bà Xuân thật thà cho biết, phía đơn vị Cảng Vũng Áng - Việt Lào (đơn vị nhập xăng dầu) có hỗ trợ cho thôn một ít kinh phí để “xây dựng nông thôn mới”, còn Cty Thanh Thành Đạt thì dừng nổ máy 3 (có tiếng nổ to nhất). Ngoài ra, Cty còn hỗ trợ cho người dân xung quanh mỗi hộ 300.000 đồng/tháng, tạo công ăn việc làm cho con em trong thôn xóm.
Tôi nói: “Chúng tôi có thông tin Cty Thanh Thành Đạt chỉ giải quyết công việc cho một số ít người, mặt khác, lương rất thấp. Ví dụ: Dọn vệ sinh 1,5 triệu/tháng; công nhân xả gỗ trực tiếp 2,1 triệu đồng/tháng”. Bà Xuân ngạc nhiên: “Ai nói mà chú rõ thế”. Một người dân trong xóm cho hay: “Công nhân làm ca, Cty chỉ trả cho thế thôi. Công nhân sản xuất, xay gỗ thì thấp quá. Đây là những người làm ra sản phẩm, vất vả nhất, chịu ảnh hưởng nhất”. Tôi hỏi, vậy dân xóm này có khổ không, bà Xuân, xóm trưởng, đáp: “Thì có khổ họ mới kêu chứ”.
Đoàn kiểm tra: “Trong ngưỡng cho phép”
Được hỏi về tình cảnh của dân xóm Lam Long, bác sĩ (BS) Đinh Thế Diện - Trưởng Trạm Y tế xã Xuân Hải - nói ngay: “Cái đó dân có phản ánh nhiều, bản thân tôi là người chăm lo sức khỏe cho dân nên cũng đã phản ánh nhiều lần. Nhưng chúng tôi không có phương tiện để xác định mức độ ô nhiễm; không đo được mức độ bụi, tiếng ồn”.
BS Diện cho biết, về tiếng ồn thì vừa qua có đoàn của tỉnh về đo rồi, nhưng họ nói vẫn trong phạm vi ngưỡng cho phép. “Họ nói vậy thì biết làm sao được. Còn bụi thì quả là có, chúng tôi cũng đã trao đổi với Cty Thanh Thành Đạt là có hướng khắc phục như thế nào đó, ví dụ giảm công suất máy, hay xây tường cao lên… Làng tôi cũng ở dưới đó, tôi cũng bị ảnh hưởng bởi nhà máy. Trăn trở nhất của tôi là bụi và tiếng ồn. Tiếng ồn có thể khắc phục được phần nào chứ bụi là rất khó” - BS Diện trăn trở.
Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam cũng có câu trả lời tương tự BS Đinh Thế Diện. “Khi dân phản ánh, các đoàn kiểm tra của tỉnh đã về làm việc, đo mức độ tiếng ồn… Nhưng họ nói vẫn trong ngưỡng cho phép, nên không xử lý được” - ông Nguyễn Hải Nam cho hay. “Quan điểm của chúng tôi là việc sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo yếu tố môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Tôi được biết Cty đã có ý định di dời nhà máy băm dăm sang vị trí khác” - ông Nguyễn Hải Nam nói.
Được hỏi về nhà máy băm dăm có “tiền thân” là làng nghề thủ công mỹ nghệ, ông Nguyễn Hải Nam trả lời: “Trước đây nó là dự án làng nghề đấy, cái này cũng đã khá lâu rồi, cần kiểm tra lại hồ sơ”. Ông Nam cũng thông tin thêm là sắp tới sẽ có đoàn kiểm tra của UBND tỉnh về công tác bảo đảm môi trường, và sẽ làm việc với nhà máy gỗ băm dăm tại Xuân Hải.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Luận - Tổng Giám đốc Cty TNHH Thanh Thành Đạt - cho biết đã có kế hoạch di dời nhà máy băm dăm sang một vị trí khác. Hy vọng rằng, ý định này sớm được hiện thực hóa, để người dân xóm Lam Long có được bữa cơm ngon, giấc ngủ yên sau hàng chục năm khốn khổ vì hoạt động của nhà máy.