THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:31

Bi hài bỏ tiền triệu để mua... lông heo

 

Mất tiền triệu để mua vài cái lông lợn.

  Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) được xem là xứ sở của voi. Từ lâu là như thế chứ giờ đây voi ở bản Đôn chẳng còn được mấy con. Lông voi vặt sạch rồi thì lông lợn rừng thành chiêu trò béo bở của nhiều người. Chỉ cần vài thủ thuật đơn giản họ biến ngay những chiếc lông lợn thành lông voi.

Trở lại bản Đôn với nhiều nỗi niềm lẫn sự bức xúc, ông Trần Văn Bình cho biết:" Nghe nói về sự linh thiêng và những may mắn từ lông voi mang lại cho người sở hữu nó nên năm ngoái chúng tôi mang 4 triệu đồng lên đây để mua về làm quà biếu cho cấp trên. Được giới thiệu bài bản cứ chắc mẫm là lông voi chính hiệu, ai dè mang về đi biếu được mấy ngày thì người ta trả lại với lý do đó là lông lợn rừng”.

Hàng loạt hàng quán bán các sản phẩm từ voi dọc hai bên khu du lịch Buôn Đôn.

Hàng loạt hàng quán bán các sản phẩm từ voi dọc hai bên khu du lịch Buôn Đôn.

Tây Nguyên là một trong những địa phương có quần thể voi nhiều nhất và khả năng thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong ký ức của những già làng ở Tây Nguyên, từ xa xưa voi được xem như một thứ vật linh thiêng. Nó biểu trưng cho nét đẹp văn hóa truyền thống và sự sung túc của buôn làng. Chính vì lẽ đó, ai xâm hại đến voi, hành hạ voi là có tội với buôn làng.

Thế nhưng trải qua thời gian, truyền thống này mai một, voi chưa thuần dưỡng ở Tây Nguyên thì bị xâm hại theo kiểu bắn giết, voi đã thuần dưỡng thì bị vắt kiệt sức phục vụ kinh doanh .Đàn voi ít ỏi còn lại ở đại ngàn này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hầu như ai đến Tây Nguyên cũng phải buông lời than chua xót và lo sợ xứ  voi này đang dần thành cổ tích, vì đàn voi Tây Nguyên chỉ còn gần 100 con, mà hầu như con nào cũng đang  than khóc.

voi đầu đàn ở Buôn Đôn, đã già nua, bị chặt đuôi, cưa ngà nhưng vẫn phải làm việc quần quật suốt ngày. Nhờ sự giúp đỡ của nài voi, PV tiếp cận voi đầu đàn ở buôn Đôn, đã già nua, bị chặt đuôi, cưa ngà , phải làm việc quần quật suốt ngày. 

Nài voi Y Goang, đã bước qua 78 mùa rẫy thổn thức cho biết: “Còn lông voi đâu nữa mà săn. Bị vặt sạch từ lâu rồi. Giá một chiếc lông voi hàng trăm ngàn thì còn đâu nữa. Mà khi voi mất lông sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh và sụt giảm sức khỏe rất nhanh. Những du khách vì hiếu kỳ mà bị các “cò” lừa bán cho lông lợn rừng mà không biết”.

Ông Trần Văn Nam, có mặt ngay tại nhà Y Goang hôm đó cũng cho biết: “Ngay sau đợt Tết Nguyên đán 2013, chúng tôi có đến bản Đôn được nhiều người rất nhiệt tình giới thiệu nhẫn có lồng lông voi và cả những chiếc lông tách rời. Thấy hay quá, ai cũng dốc hết tiền mua với mong muốn làm quà quý cho người thân. Khi mua xong nhờ các già làng ở đây xem mới tá hỏa ra mất tiền triệu mua lông lợn. Các đối tượng bán hàng kia thường di động nên tìm lại họ để đòi lại tiền là rất khó”.

Những chiếc lông lợn được hóa trang thành lông voi lồng vào nhẫn giá hàng triệu.

Những chiếc lông lợn được hóa trang thành lông voi lồng vào nhẫn giá hàng triệu. 

 Quá nhiều bất cập trong bảo tồn.

 Đắk Lắk là tỉnh chiếm hơn 90% số voi ở Tây Nguyên. Chi cục Kiểm lâm tỉnh này cho biết; năm 1980, đàn voi của tỉnh có 502 con, năm 1990 còn 298 con và đến năm 2000 chỉ còn 96 con. Hiện nay chỉ còn hơn 50 con. Ở Gia Lai, làng voi Nhơn Hòa (huyện Chư Sê) cũng chỉ còn trong chuyện kể. Chỉ tỉnh riêng từ năm 2010 đến nay, hàng chục voi quý ở Tây Nguyên đã bị sát hại. Đáng chú ý như; voi Spa bị giết ở Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn,  voi Păk Cú (huyện Lắk, Đắk Lắk), voi Bec Khăm ở Lâm Đồng…

Trước thực trạng đàn voi Tây Nguyên ngày càng bị mai một, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo tồn voi ở Tây Nguyên (chủ yếu là Đắk Lắk).

Chính phủ giao cho các bộ, ngành chức năng ở Trung ương phối hợp cùng các tỉnh có đàn voi xây dựng khu bảo tồn phát triển sinh cảnh sống lâu dài của voi, tổ chức lập hồ sơ gắn chíp điện tử cho voi nhà để giám sát bảo vệ, nghiên cứu khoa học về sự sinh sản của voi đã thuần dưỡng để phát triển đàn voi nhà, ngăn chặn có hiệu quả các hành động săn bắn, buôn bán voi và các sản phẩm của voi…

Riêng tỉnh Đắk Lắk phải nhanh chóng đề ra kế hoạch tiến tới thành lập các hợp tác xã quản lý, bảo vệ, phát triển đàn voi nhà nhằm phục vụ du lịch, lễ hội, từ đó có chủ trương bảo tồn, phát triển đàn voi và tháng 11 hàng năm sẽ tổ chức hội đua voi mang tầm vóc của ngày hội văn hoá truyền thống của cả nước...

Sau khi nhận được bản kế hoạch này, nhiều hội thảo bảo tồn, phát triển voi ở Tây Nguyên diễn ra tại Đắk Lắk, với những kiến nghị, giải pháp như nghiên cứu thụ tinh nhân tạo đàn voi, không để tận dụng quá mức sức lao động của voi… nhưng đó vẫn mới chỉ là những ý kiến, ý tưởng, còn hiện tại, voi Tây Nguyên vẫn đang kêu cứu từng ngày.  

Năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk lại làm một việc rất lạ lùng là giao Sở Thương mại - Du lịch tỉnh lập dự án bảo tồn đàn voi nhà, trong khi Sở này không có chuyên môn gì về voi. Sau một năm loay hoay và tiêu tốn hết một khoản tiền không nhỏ, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Lắk lại ra quyết định mới giao việc này cho Chi cục Lâm nghiệp tỉnh.

Tưởng rằng, dự án tiền tỷ này sẽ nhanh chóng được thực hiện để cứu đàn voi đang trên đà sụt giảm nghiêm trọng. Thế nhưng đến nay, dự án chỉ cho kết quả trên báo cáo. Tháng 12/2009, lại tiếp tục một dự án có số tiền lên đến 58 tỷ đồng được Sở NN&PTNT Đắk Lắk đề xuất thành lập trung tâm bảo tồn voi, xây dựng bệnh viện dành cho voi, có chính sách hỗ trợ người nuôi, giúp voi sinh sản, giảm thiểu xung đột người – voi. Dự án này đến nay cũng chỉ giậm chân tại chỗ.

Nhân viên quản lý voi (người mặc áo xanh) cũng đi tiếp thị, bán đuôi voi. Nhân viên quản lý voi (người mặc áo xanh) cũng đi tiếp thị, bán đuôi voi. 

 Bóc lột voi như nô lệ.

Ông Ama Chung, người gắn bó nhiều năm với việc bảo tồn voi ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk), nơi từng xảy ra vụ voi nổi loạn cuối năm 2012, cho rằng: “Tất cả các vụ voi chưa thuần dưỡng nổi giận đều do con người gây ra. Vì nơi cư trú của voi bị con người xâm lấn nghiêm trọng nên voi bị dồn vào thế sợ hãi và nổi loạn.

Vì cuộc sống, mùa nắng voi bắt buộc phải đi tìm nước uống, mùa mưa đi tìm thức ăn, voi di chuyển theo mùa nên phải đi qua khu vực sản xuất của người dân chặt rừng lấn chiếm mà trước đó vẫn là không gian sống của nó. Bảo tồn được voi mà không giữ được rừng coi như vô ích, quê hương của voi mà không có voi cũng vô ích".

Ông Hà Công Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk cũng ngậm ngùi cho rằng: “Sự sụt giảm số lượng đàn voi chưa thuần dưỡng là do sự xâm chiếm của nhiều đoàn người di cư, sự hiện diện của máy móc trong rừng gây ra tiếng ồn cũng làm đàn voi vốn già yếu càng bị hao mòn dần theo thời gian”.

Đối với những con voi đã thuần dưỡng ở Đắk Lắk vẫn xảy ra tình trạng voi nổi giận. Nhiều người gắn bó với voi ở Tây Nguyên nhận định rằng, lý do dẫn đến voi phản ứng lại với con người do sự thúc ép voi làm việc quá nhiều, môi trường sống quá o ép và bức xúc trong mùa động đực (thường vào dịp từ tháng 1 đến 3 âm lịch hằng năm).

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã mất một ngày để chứng kiến voi Buôn Đôn bị vắt sức lao động. Vào thời điểm những ngày lễ Tết, du xuân này, một ngày những con voi quý ở Buôn Đôn phải làm việc 8 đến 10 tiếng đồng hồ. Cứ mỗi tiếng đồng hồ khách du lịch cưỡi voi, quản lý voi thu 400 ngàn đồng, sau mỗi tua làm việc cật lực, phần thưởng cho những con voi quý này chỉ là 1 hoặc 2 cây mía. Như vậy, một ngày làm việc, một con voi có thể mang về khoản lợi nhuận 2 đến 4 triệu đồng cho Ban quản lý Khu du lịch Bản Đôn.

Sau một tua làm việc cật lực, voi quý được bồi dường những… một cây mía. Sau một tua làm việc cật lực, voi quý được bồi dường những… một cây mía. 

Nhìn chú voi đầu đàn đã già nua phải mang trên lưng 4 đến 5 người khách chạy liên tục từ sáng đến trưa, già làng Ama Linh không khỏi xót xa: “Làm việc thế này đến máy móc cũng không chịu nổi chứ đừng nói là một sinh thể động vật. Ông voi trong tín ngưỡng xa xưa giờ đã bị biến thành voi nô lệ mất rồi. Cứ thế này rồi cũng có ngày voi nổi giận”.

Lạ lùng hơn nữa là người ta thu lợi từ voi số tiền rất lớn lại được nhà nước hỗ trợ thêm. Thế nhưng tận mắt chứng kiến thì chỗ ăn ở, chăm sóc voi lại rất tồi tệ, hôi hám, sức khỏe của voi thì bị giảm sút nghiêm trọng do bị chặt đuôi. Ban quản lý khu du lịch Buôn Đôn cho biết, voi mất đuôi do bị chặt trộm, rất khó điều tra. 

Trong khi đó chính nhân viên quản lý voi của khu du lịch này lại công khai tiếp thị, bán đuôi và lông voi ngay trong khu du lịch. Tiến sỹ động vật học Nguyễn Tiến Bình cũng như nhiều người tâm huyết với việc bảo tồn voi ở Tây Nguyên cho rằng: “Voi chưa thuần dưỡng ở Tây Nguyên còn rất ít, luôn nằm trong nguy cơ bị sát hại, số voi đã thuần dưỡng còn lại có hơn 50 con đã già yếu, tỷ lệ sinh sản giảm xuống còn 0,06% (mức báo động) lại còn bị đối xử thế này thì 20 năm nữa đại ngàn Tây Nguyên sẽ sạch bóng voi". 

Đông Hưng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh