THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:07

Bị "đe" cắt điện nước, cư dân Goldmark City treo băng rôn phản đối

Lý do Ban quản lý tòa nhà đưa ra là do, các hộ dân chưa đóng phí dịch vụ, nên BQL phải dùng biện pháp tạm ngừng cung cấp điện nước.

Tuy nhiên, theo người dân nguyên nhân là do phía chủ đầu tư đã đơn phương đưa ra phí dịch vụ với mức giá "cắt cổ": 12.688 đồng/m2 (giai đoạn trước mắt tạm thu 9.900 đồng/m2, bao gồm cả phí VAT). Trong khi chất lượng dịch vụ chưa tương xứng. 

Gần 500 hộ dân đề nghị đối thoại, chủ đầu tư vẫn phớt lờ

Cư dân 2 tòa S1 và S4 đã nhiều lần gửi yêu cầu được đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư, song hết lần này đến lần khác, chủ đầu tư là Công ty Việt Hân đều tránh né, phớt lờ không đối thoại trực tiếp với cư dân. Sau đó, gần 500 hộ dân ở 2 tòa S1, S4 đã đồng ký đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng đề nghị được đối thoại về tất cả các vấn đề còn bức xúc giữa cư dân và chủ đầu tư. 

Ngày 18/8, hàng trăm cư dân ở 2 tòa S1, S4 của khu đô thị Goldmark City đã đồng loạt căng băng rôn phản đối chủ đầu tư là Công ty Việt Hân và đối tác phát triển dự án TNR Holdings, thuộc tập đoàn TNG.

Đến ngày 25/7, UBND phường Phú Diễn đã tổ chức cuộc họp 3 bên giữa: chính quyền- cư dân- chủ đầu tư, song Công ty Việt Hân vẫn không cử người có thẩm quyền đến dự họp. Đến nỗi, ông Nguyễn Ngọc Lương - Chủ tịch UBND phường Phú Diễn đã phải thốt lên: "Họ quá coi thường chúng tôi, coi thường chính quyền". Sau đó, cuộc họp kết thúc và UBND phường đã lập biên bản yêu cầu Công ty Việt Hân phải tổ chức đối thoại với cư dân trước ngày 15/8.

Tuy nhiên, quá thời hạn trên, Công ty Việt Hân vẫn không có động thái phản hồi. Ngày 18/8, hàng trăm cư dân đã buộc phải treo băng rôn phản đối và yêu cầu chủ đầu tư phải đối thoại với cư dân để giải quyết.

Theo Ban đại diện cư dân 2 tòa S1 và S4, khu đô thị TNR Goldmark City: Để tiếp tục gây căng thẳng, nửa tháng trở lại đây Công ty Việt Hân, BQL tòa nhà đã cho nhân viên gọi điện đến các căn hộ để "đe" cắt điện nước nếu không đóng phí dịch vụ, yêu cầu cư dân phải đóng phí dịch vụ mới được nhận “Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ”.

Ông Lê Trường Giang, thành viên Ban đại diện cư dân cho biết: "Đến nay, chủ đầu tư không thực hiện rất nhiều cam kết với cư dân. Đơn cử việc lập hàng rào quanh khu dân cư để giữ an toàn cho mọi người được cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 5 nhưng đến tháng 8/2019 vẫn còn dang dở".

"Hiện tại chủ đầu tư đang chiếm giữ tiền chênh lệch diện tích so với hợp đồng của chúng tôi. Họ giữ lại và yêu cầu cư dân đóng phí dịch vụ mới trả. Nghiêm trọng hơn, họ còn giữ sổ hồng mà Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp cho cư dân với lí do chúng tôi không đóng phí dịch vụ" - ông Giang cho biết thêm.

 

Cư dân giăng băng rôn kín khu nhà ở phản đối chủ đầu tư, yêu cầu đối thoại.

Còn chị T., một hộ dân sinh sống ở tòa S4 bức xúc: "Nhà tôi, có hôm đón con cái đi học về, chuẩn bị nấu cơm thì bị  Ban quản lý tòa nhà cắt mất nước, sau đó phải nhờ Ban đại diện can thiệp mới được cấp nước trở lại. Tương tự, có hôm họ lại quay sang cắt điện lúc 5 giờ sáng, mặc dù tiền điện, nước chúng tôi đã thanh toán đầy đủ".

Cư dân treo cả băng rôn trên ô tô để phản đối chủ đầu tư.

Đơn phương ban hành phí dịch vụ "cắt cổ"

Theo Ban đại diện cư dân, Điều 106 Luật nhà ở 2014, điều 30 Thông tư 02/2016/TT-BXD và đặc biệt là Điều 2 Thông tư 37/2009/TT-BXD về Hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư có nêu rõ:

“Giá dịch vụ nhà chung cư được xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí, phù hợp với thực tế kinh tế xã hội của từng địa phương, thu nhập của người dân và được trên 50% các thành viên trong Ban quản trị nhà chung cư thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín.

Đối với nhà chung cư chưa thành lập được Ban quản trị thì giá dịch vụ nhà chung cư phải được trên 50% hộ dân cư đang sống tại nhà chung cư nhất trí thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Trường hợp giá dịch vụ nhà chung cư đã có thoả thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ thì thực hiện như thoả thuận đó.”

"Chung cư chưa có Ban quản trị nên chủ đầu tư phải đạt được sự đồng thuận của trên 50% cư dân mới được đưa ra mức phí dịch vụ.

Tuy nhiên, cho đến nay, chủ đầu tư chưa hề có một cuộc họp nào để thống nhất mức phí dịch vụ với cư dân, mà đã đơn phương thông báo, mức phí dịch vụ là 12.688 đ/m2 và trước mắt tạm thu 9.9000 đồng/m2" - một thành viên Ban đại diện cư dân cho biết. 

 

Ông Kim Woo Sung, cư dân Hàn Quốc đang sinh sống ở tòa S4 rất bức xúc về những điều mà chủ đầu tư khu đô thị này thực hiện.

Cư dân là người nước ngoài bức xúc

Bức xúc trước hành động đó, các cư dân đã đồng loạt không đóng phí dịch vụ, mà chỉ đóng phí điện, nước, phí trông giữ xe máy... Ông Kim Woo Sung, một cư dân Hàn Quốc sinh sống ở tầng 26 tòa S4, thành viên Ban đại diện bức xúc nói: "Tôi sang Việt Nam và kết hôn với vợ tôi là người Việt đã được 4 năm, trước đây đã từng sinh sống ở một khu chung cư khác, cũng có điều kiện tương tự như ở đây, nhưng mức phí dịch vụ chỉ có 6.000 đồng/m2, chứ không cao gấp đôi như ở đây".

Theo ông Kim Woo Sung, bản thân những người Hàn Quốc rất thích sinh sống ở khu đô thị này, song sau 4 tháng về ở nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng, khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, thang máy không có điều hòa, hầm gửi xe hôi thối do sự cố bục bể phốt vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Còn ông Kim Chul, một cư dân cũng đến từ Hàn Quốc đang sinh sống ở tầng 27 của tòa S4 cũng mong muốn, các vấn đề mà cư dân nói chung, cả người Việt, người Hàn và cư dân các nước khác đặt ra, chủ đầu tư cần sớm giải quyết ngay.

"Chúng tôi sang Việt Nam sinh sống và làm việc vì đất nước này đang có sự đổi mới cả về môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là sinh sống thuận lợi cho người nước ngoài. Nhưng kể từ khi về đây ở tôi thấy, cư dân liên tục phải treo băng rôn để phản đối khiến cuộc sống rất mệt mỏi, hình ảnh một khu đô thị hỗn hợp của chủ đầu tư cũng bị kém đi trong mắt chúng tôi và các cư dân nước ngoài" - ông Kim Chul cho hay.

Do đó, ông Kim Chul bày tỏ mong muốn, Chính phủ và chính quyền sở tại sớm can thiệp, yêu cầu chủ đầu tư giải quyết ngay các bức xúc với cư dân để lấy lại hình ảnh về một khu đô thị nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung với cộng đồng cư dân Hàn Quốc và các nước khác đang sinh sống, làm việc tại đây.

Được biết, theo thống kê chưa đầy đủ hiện đang có khoảng 2.000 người Hàn Quốc đang sinh sống tại khu đô thị TNR Goldmark City.

 

Băng rôn được treo kín quảng trường khi Shaphire thuộc khu đô thị Goldmark City.

Giữ cả sổ đỏ để "ép" cư dân phải đóng phí dịch vụ

Chưa dừng lại ở chiêu bài cắt điện, nước; chủ đầu tư là Công ty Việt Hân còn dùng chiêu bài "giữ sổ đỏ" và "không trả tiền chênh lệch diện tích căn hộ" cho cư dân để ép cư dân phải đóng phí dịch vụ.

Theo Ban đại diện cư dân: Trong hợp đồng mua bán căn hộ, không có điều khoản nào quy định phải nộp phí dịch vụ, mới được nhận sổ đỏ hoặc phải nộp phí dịch vụ mới nhận lại được tiền chênh lệch diện tích.

"Sổ đỏ là quyền được sở hữu của cư dân, tiền chênh lệch diện tích căn hộ cũng là tiền hợp pháp mà Chủ đầu tư phải trả lại cho cư dân"- văn bản của Ban đại diện nêu rõ.

Một số vấn đề khác mà cư dân đang bức xúc hiện nay là, việc lắp đặt hàng rào an ninh, hợp đồng trông giữ xe ô tô... với cư dân cho đến nay vẫn không được giải quyết. 

Được biết, kể từ khi đưa vào sử dụng, đến nay giữa cư dân khu đô thị TNR Goldmark City và chủ đầu tư liên tục xảy ra các bức xúc, khiếu nại. Cư dân đã nhiều lần treo băng zôn phản đối, yêu cầu đối thoại, nhưng liên tục nhiều tháng nay, Công ty Việt Hân vẫn chọn giải pháp: Im lặng.

 

Khu đô thị TNR Goldmark City do Công ty TNHH TM - QC - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân cùng đối tác quản lý, điều hành và phát triển dự án Goldmark City - Công ty CP Đầu tư phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam - một thành viên của Tập đoàn TNG đầu tư xây dựng với 9 tòa nhà cao 40 tầng. Đến nay, cả 9 tòa đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh