BHYT toàn dân và vấn đề tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả, bền vững
- Dược liệu
- 18:45 - 19/11/2020
Những năm gần đây, BHXH Việt Nam và EuroCham đã hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực dược và BHYT. Hàng năm, BHXH Việt Nam nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với dự thảo ấn phẩm thường niên của EuroCham (Sách trắng) về các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ của Ngành và tham dự các Hội nghị đối thoại với DN Châu Âu tại Việt Nam.
Năm 2020, Ban Dược phẩm đại diện EuroCham phối hợp với Công ty Kiểm toán và tư vấn thuế quốc tế KPMG thực hiện nghiên cứu và xây dựng Báo cáo “Đánh giá các tác động kinh tế xã hội của ngành dược phẩm phát minh đối với Việt Nam”. Báo cáo được gửi đến Chính phủ Việt Nam, trong đó tư vấn và đề xuất chính sách nhằm khai thác tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm.
Trong lĩnh vực BHYT, các hoạt động của Ban Dược phẩm nhằm đóng góp vào việc phát triển chính sách và cải cách hành chính trong lĩnh vực đăng ký thuốc, đấu thầu thuốc, xây dựng danh mục thuốc được BHYT thanh toán; đối thoại, đề xuất các giải pháp phát triển BHYT, quản lý ngân sách y tế, tài chính y tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông John Pullicino cho biết “rất ấn tượng về những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, với độ bao phủ hiện đã trên 90% dân số”. Chủ tịch Ban Dược phẩm bày tỏ kỳ vọng vào cơ hội làm việc với BHXH Việt Nam, thực hiện mục tiêu như đã cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam: Thúc đẩy khả năng tiếp cận nhanh hơn của bệnh nhân với các loại thuốc phát minh chất lượng cao, hiệu quả; hướng đến tiếp cận bền vững, đảm bảo cung ứng thuốc liên tục và có sẵn thông qua chính sách BHYT.
Theo ông John Pullicino, Ban Dược phẩm trực thuộc EuroCham là đơn vị đại diện ngành dược phẩm phát minh và VTYT nước ngoài tại Việt Nam. Ban Dược phẩm hiện có 23 công ty thành viên từ Liên minh Châu Âu, Anh, Mỹ, Thụy Sỹ, Nhật Bản (Novo Nordisk, Roche, Sanofi...). Đây là cơ sở để Ban Dược phẩm có nhiều kinh nghiệm và đội ngũ chuyên gia phù hợp để hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực dược và VTYT.
Chia sẻ mong muốn của BHXH Việt Nam có được sự trao đổi, hỗ trợ từ bạn bè quốc tế trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cũng đề nghị: Nội dung thảo luận để xác định phương hướng hợp tác giữa hai bên sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề trọng điểm của lĩnh vực dược. Hai nhóm vấn đề chính gồm: Tăng cường khả năng tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả cho người bệnh; khả năng cung ứng thuốc bền vững, đảm bảo liên tục và có sẵn.
Theo Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn, để đạt được các mục tiêu này, cần đi sâu phân tích và tìm các giải pháp để giải quyết được 3 câu hỏi chính: Cung ứng thuốc như thế nào? Việc sử dụng thuốc làm sao để đạt hiệu quả cao nhất? Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thuốc và sử dụng thuốc để?
Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn cũng nhấn mạnh, lời giải cho “bài toán” này phải đặt trong bối cảnh thực tế của Việt Nam, dựa vào đặc điểm của Việt Nam để đề xuất các phương án cụ thể mới đạt được hiệu quả mong muốn. Cải thiện tốc độ tiếp cận thuốc mới tại Việt Nam rất cần phải liên quan đến hệ thống mua sắm, thực trạng thời gian tiếp cận thuốc mới, thời gian thuốc được chi trả từ quỹ BHYT...
Tại cuộc họp, hai bên đã cùng thảo luận để thống nhất tổ chức hội thảo chung giữa hai bên về lĩnh vực dược (dự kiến tổ chức vào tháng 12/2020); định hướng nội dung và khả năng ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác giữa BHXH Việt Nam và Ban Dược phẩm để xác định phương hướng, nội dung, khuôn khổ hợp tác năm2021 và các năm tiếp theo trong lĩnh vực dược và VTYT.