BHXH tự nguyện: "Của để dành" cho người lao động tự do
- Dược liệu
- 20:13 - 18/10/2021
Không nguồn thu nhập ổn định, lại có thể gặp nhiều bất trắc về sức khỏe… là những rủi ro của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều đó, ông Nguyễn Văn Minh (Quận 3, TP.HCM) chia sẻ, “Trước đây tôi làm tự do, mãi hơn 45 tuổi mới xin làm bảo vệ ở một chung cư và bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc. Đầu năm 2021, tôi đủ 60 tuổi, nhưng thời gian tham gia BHXH mới chỉ được gần 15 năm. Bạn bè khuyên tôi rút BHXH một lần, nhưng tôi nghĩ lấy BHXH một lần cũng chỉ trang trải cuộc sống trước mắt, lúc tôi không còn khả năng lao động thì trông chờ vào đâu. Con cháu có phận của con cháu, mà nó cũng đủ khó khăn rồi. Nên tôi đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện thêm hơn 5 năm để đủ điều kiện được nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu”.
“Nghỉ hưu mỗi tháng tôi nhận được 1,5 triệu. Số tiền tuy không lớn nhưng ít nhất cũng giúp tôi có được sự độc lập về tài chính, không phụ thuộc vào ai, chưa kể lại được phát thẻ BHYT miễn phí giúp tôi an tâm hơn, bởi với tuổi già bệnh rất hay ốm đau bệnh tật”, ông Minh nói.
Cũng giống ông Minh, nhiều người dân tại TP.HCM làm nghề lao động tự do như buôn bán nhỏ lẻ, chạy xe ôm, làm thuê… đã và đang lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện. Ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng vượt bậc so những năm trước, gần nhất là năm 2020 có 56.348 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 100,91% so với kế hoạch (tăng 139,13% so với năm 2019). Có được kết quả này, theo cơ quan BHXH TP.HCM, là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan BHXH quận, huyện; các tổ chức, đoàn thể tham gia tuyên truyền để từng người dân nhận thấy được chính sách nhân văn, hướng đến cộng đồng của chính sách của BHXH tự nguyện.
Trong đợt dịch Covid-19, BHXH TP.HCM phối hợp với các đơn vị tài trợ trao tặng 500 sổ BHXH tự nguyện tới người lao động khó khăn, mỗi người lao động sẽ được hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện trong 12 tháng, với số tiền đóng hằng tháng ở mức thu nhập 1,5 triệu đồng. Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết, mức đóng được chọn để hỗ trợ tuy không lớn nhưng là điểm khởi đầu để người lao động trong các nghiệp đoàn biết, hiểu rõ hơn về lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện của Đảng và Nhà nước, tạo “bước đà” cho người lao động tham gia lâu dài, chuẩn bị chỗ dựa khi hết tuổi lao động.
Nhận cuốn sổ BHXH tự nguyện được tặng, chị Nguyễn Thị Tường Vy, đoàn viên nghiệp đoàn giúp việc vui vẻ cho biết: “Do hoàn cảnh khó khăn, ngành nghề lao động tay chân như chúng tôi khá vất vả, công việc, thu nhập không ổn định. Và càng khó khăn hơn khi dịch bệnh kéo dài suốt mấy tháng qua. Hôm nay, cũng nhờ tổ chức Công đoàn giới thiệu mà chúng tôi được nhận món quà hết sức thiết thực. Chị em chúng tôi cảm ơn Ngân hàng VietcomBank, BHXH Thành phố, tổ chức Công đoàn đã giúp đỡ, cũng như cho chúng tôi những thông tin, lời khuyên hữu ích về chính sách BHXH tự nguyện”.
Ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP.HCM chia sẻ, chính sách BHXH đã trở thành một trong những thước đo đánh giá sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trong nỗ lực công tác phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện mà ngành BHXH Việt Nam đang hướng tới rất cần sự phối hợp, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và xã hội.
Người lao động tự do hay bất cứ công dân Việt Nam nào từ 15 tuổi trở lên (không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc) đều có thể tham gia BHXH tự nguyện, tham gia vào lưới an sinh xã hội của Nhà nước, để khi đến tuổi nghỉ hưu được nhận lương hưu hằng tháng trang trải cuộc sống và trong suốt quá trình hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe.