CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:26

Bảo hiểm xã hội: Làm sao để hấp dẫn người lao động?

 

Từ khi ra đời, Bảo hiểm xã hội đã nỗ lực đáp ứng tiêu chí đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Thế nhưng, nhiều quy định của chính sách ưu việt này chưa đi vào cuộc sống của một bộ phận người lao động. Một nghịch lý đang xảy ra là vẫn còn rất nhiều người từ chối nhận những đồng “lương hưu” được chi trả từ Bảo hiểm xã hội.

Gần đây, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, việc này càng trở thành bài toán khó với ngành bảo hiểm xã hội, khi mà nhiều người lao động còn chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này. Vậy Bảo hiểm xã hội làm thế nào để thu hút nhiều hơn đối tượng tham gia?


Bảo hiểm xã hội vẫn chưa thực sự hấp dẫn người lao động (Ảnh minh họa)

 

Nên học cách làm của bảo hiểm nhân thọ

Từ những rắc rối, nhiêu khê khi đi đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tại doanh nghiệp, chị Nguyễn Hoài Thương, Kế toán trưởng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất Nhập khẩu Ô tô Nam An Phát, quận Thủ Đức mong muốn thủ tục đóng bảo hiểm được đơn giản hóa.

Đặc biệt, ngành Bảo hiểm xã hội phải học cách làm của các doanh nghiệp làm bảo hiểm nhân thọ để biết cách vận động, tuyên truyền tới tận người dân, không thực hiện theo kiểu hành chính như hiện nay. Trong điều kiện mở rộng đối tượng tham gia thì càng phải đến với từng đối tượng, nhóm đối tượng để vận động, tuyên truyền.

“Bảo hiểm nhân thọ thì người mời chào, thuyết phục rất nhiều lần để cho người dân tham gia chương trình bảo hiểm của họ. Cơ quan quản lý thu của Bảo hiểm xã hội cần phải được đào tạo những kiến thức cơ bản về Luật Bảo hiểm. Bởi vì chính là người đứng ra hướng dẫn doanh nghiệp mà còn hướng dẫn mập mờ thì không ai có thể hiểu được” – chị Thương đề xuất.

Biến xã hội thành khách hàng 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, ngành Bảo hiểm xã hội cũng đã có nhiều phương án để tăng thu bảo hiểm xã hội và mở rộng đối tượng. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp mới, tình hình quản lý nhà nước sau đăng ký thành lập vẫn chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng “doanh nghiệp ma”, “doanh nghiệp ảo”, nên số liệu thống kê để mở rộng đối tượng tham gia cũng gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần tăng cường phối hợp các địa phương rà soát, đôn đốc công tác đóng bảo hiểm xã hội. Việc tuyên truyền đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ phải tập trung thông qua địa bàn dân cư, để người lao động hiểu về lợi ích và chủ động đóng bảo hiểm xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thu cho biết: “Việc giao chỉ tiêu cho Ủy ban nhân dân các xã, phường về công tác khai thác, mở rộng đối tượng đã chuyển từ trạng thái bị động sang trạng thái chủ động, tích cực triển khai đôn đốc các doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Về phía cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ tăng cường tham gia đối thoại với doanh nghiệp và người lao động để nắm bắt các vướng mắc và đề xuất hợp lý”.

Còn theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội thì đầu tư cho công tác đẩy mạnh tuyên truyền phải gắn liền với việc phát triển, mở rộng đối tượng. Chi phí dành cho công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội sẽ được ưu tiên nhưng phải mang lại hiệu quả, thể hiện ở việc đạt được mục tiêu cụ thể về gia tăng số người tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Đặc biệt là các đối tượng mà Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 hướng đến.

Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Thay đổi cách thức chi trả, tức là chi cho bộ máy, nhưng chia làm 2 lộ trình. Lộ trình đầu tiên là giữ nguyên nề nếp này; thứ hai là Bảo hiểm xã hội được chi dựa trên chất lượng, số lượng dịch vụ cung ứng ra ngoài xã hội, biến xã hội thành khách hàng, tạo nên động lực mới cho Bảo hiểm xã hội. Ai cung ứng được nhiều số lượng, chất lượng dịch vụ cho khách hàng thì được trả chi phí cao hơn, thu nhập cao hơn để mình thay đổi toàn bộ thái độ ứng xử của một cơ quan cung ứng dịch vụ công”.

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Từ nay đến đó thời gian không còn nhiều, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên không thể có kết quả ngay, nhưng cần phải được làm dài hơi, để có thể đạt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 50% lực lượng lao động tham gia.

Bên cạnh đó, cần phải có cơ quan đầu mối để quản lý, nắm được số đơn vị, doanh nghiệp, số lao động cũng như biến động về lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội để thuận lợi cho công tác thu và phát triển đối tượng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh