THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:24

Bệnh viện CH và PHCN Tam Điệp (Ninh Bình): Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch đẹp

Chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng được nâng lên

Chúng tôi có dịp về thăm Bệnh viện CH&PHCN Tam Điệp vào những ngày tiết thu trời se lạnh. Không tấp nập, nhưng các phòng, khoa đều việc ai nấy làm. Các bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đều được y tá, bác sỹ hướng dẫn tận tình, ai đến trước được làm thủ tục khám trước theo thứ tự, không có chuyện chen ngang, xô đẩy. 

Bác Hoàng Văn Hải (63 tuổi), quê ở thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), người vừa được các bác sỹ chụp X quang, khám lại vết thương đã mổ từ 1 tháng trước phấn khởi cho biết: “Tôi vào đây khám lại chân bị gãy đã được bác sĩ mổ từ 1 tháng trước. Cũng như lần trước đến mổ, tôi được các bác sỹ hướng dẫn chụp X quang, kiểm tra vết thương, đến kê đơn thuốc rất tận tình, chu đáo. Nói chung các bác sỹ ở đây hết lòng vì người bệnh. Chúng tôi thấy rất yên tâm và phấn khởi”.

Phía bên kia là bệnh nhân Lê Thị Thơm (59 tuổi), ở thị huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cũng đang được các bác sĩ làm thủ tục, mổ cắt đốt ngón chân do bị nhiễm trùng kéo dài. Tại khu PHCN, bác Thiều Văn Quang (72 tuổi), ở Thành phố Tam Điệp, thương binh nặng đang điều trị PHCN chia sẻ: “Tôi đến đây điều trị được hơn tuần nay rồi, sức khoẻ khá lên rất nhiều. Tôi thấy các y, bác sỹ ở đây rất tận tình, chu đáo. Mong cho bệnh viện ngày càng phát triển để điều trị và PHCN cho những bệnh nhân như tôi”. 

Triển khai mô hình phòng và điều trị rối nhiễu tâm trí

Do áp lực của cuộc sống, áp lực của kinh tế và nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng người tâm thần và rối nhiều tâm trí có xu hướng gia tăng. Đặc biệt tại các khu vực thành thị. Theo số liệu rà soát của cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình, người tâm thần nặng, lang thang, có hành vi gây nguy hiểm đến gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2010 là 5.430 người tâm thần. Trong đó, tâm thần phân liệt có 2.407 người (chiếm 45,5%), rối loạn tâm thần 1.900 người (chiếm 32,1%), còn lại là các loại đối tượng tâm thần khác. Người tâm thần trong diện hộ nghèo là hơn 2.700 người (chiếm hơn 48% số người bị tâm thần); có 410 người tâm thần được chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Số lượng người tâm thần, rối nhiễu tâm trí gia tăng, có nhiều nguyên nhân khác nhau như: bạo lực học đường, các sang chấn tâm lý lứa tuổi thanh, thiếu niên, quấy rối tình dục vị thành niên, trầm cảm ở phụ nữ có thai và nuôi có nhỏ đang có xu hướng tăng. 

Bên cạnh đó, do nhận thức hạn chế của gia đình và cộng đồng, người có bệnh tâm thần thường bị đối xử phân biệt và chưa thực sự nhận được sự quan tâm của xã hội. Một số người bị cộng đồng kỳ thị và được xem là gánh nặng của gia đình và xã hội…Vì vậy, phần lớn người có vấn đề về sức khỏe tâm thần thường không thừa nhận các rối loạn tâm thần mà họ mắc phải, một số người sau khi điều trị ổn định về sinh sống tại cộng đồng đã xin trở lại các trung tâm điều dưỡng người tâm thần, hoặc các trung tâm bảo trợ xã hội vì không thể hòa nhập cộng đồng bởi sự phân biệt và kỳ thị. Thêm vào đó, việc điều trị tâm thần, rối nhiều tâm trí đòi hỏi thời gian kéo dài và kiên trì, một số gia đình có người tâm thần điều trị tại bệnh viện gặp khó khăn về tài chính, thậm chí khánh kiệt về tài chính, không thể điều trị tiếp cho người bệnh rồi bỏ cuộc…Các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình cũng dự báo, đến năm 2020, ước tính số người tâm thần và rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh này khoảng gần 19.750 người. Đây là con số đáng báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung, khẩn trương vào cuộc, đưa ra các giải pháp. 

nh_1_kem_bai_Bnh_vin_CHPHCN_Tam_ip.jpg

Bác sĩ Vũ Văn Trình – Giám đốc bệnh viện

Trước thực trạng trên, ngày 7/11/2018, UBND tỉnh Ninh bình đã có Quyết định số 1461/QĐ-UBND về việc Phê duyệt “Xây dựng mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Bệnh viện CH và PHCN Tam Điệp”. Đề án nhằm thực hiện việc can thiệp và phòng ngừa sớm cho người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác; mặt khác giúp cho các gia đình phát hiện sớm người thân bị rối nhiễu tâm trí để có biện pháp chăm sóc kịp thời, tránh gây ra các tổn thương bệnh lý tâm thần suốt đời. Theo Đề án mà UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt, đối tượng trị liệu sẽ là trẻ em có những biểu hiện về rối loạn phát triển thần kinh như: Khuyết tật trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ, rồi loạn tăng động giảm chú ý; Trẻ em rối loạn stress sau sang trấn tâm lý, là nạn nhân của sự xâm hại bạo lực gia đình và học đường; Phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ huynh của trẻ khuyết tật; Người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao tâm thần.

Như vậy, ngoài chức năng chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; phẫu thuật chỉnh hình cho người khuyết tật, người bị tai nạn… Bệnh viện CH và PHCN Tam Điệp sẽ có thêm nhiệm vụ phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí cho người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch đẹp

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; chuẩn bị mọi nguồn lực để triển khai mô hình phòng và điều trị rối nhiễu tâm trí, Bệnh viện CH và PHCN Tam Điệp luôn quan tâm đến công tác tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch đẹp.

Ảnh 2 kèm bài bv tam điệp

Bệnh viện luân chú trọng tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch đẹp, đáp ứng tiêu chuẩn điều trị, khám chữa bệnh.

Cụ thể, để phục vụ tốt nhất cho các đối tượng chính sách đến điều dưỡng và khám chữa bệnh tại đây, ngoài những điều kiện về nơi ăn, ở, tiêu chuẩn, chế độ, bệnh viện rất quan tâm đến việc xây dựng, đầu tư và thường xuyên chăm lo đến cảnh quan, môi trường và không gian xanh, sạch, thoáng mát. Lãnh đạo bệnh viện cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở đội ngũ cán bộ, nhân viên nâng cao nhận thức, cũng như ý thức trong việc bảo vệ, chăm sóc môi trường, cảnh quan.  Đặc biệt, Lãnh đạo bệnh viện đã đề ra quy định, hàng tuần, tất cả cán bộ, công nhân viên chức và người lao động phải tham gia chương trình làm vệ sinh và chăm sóc bảo vệ cảnh quan, môi trường trong bệnh viện. Bên cạnh đó, hưởng ứng chương trình không dùng túi ni lông, thời gian qua, lãnh đạo bệnh viện đã có những quy định đối với tất cả mọi người, nhất là bộ phận bếp, cấp dưỡng hạn chế đến mức thấp nhất dùng các loại bao bì, dụng cụ từ nhựa. Việc này đã được toàn thể cán bộ, nhân viên và cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đều hưởng ứng nhiệt tình.

Ông Vũ Văn Trình - Giám đốc Bệnh viện CH&PHCN Tam Điệp cho biết: “Từ khi được nâng cấp thành Bệnh viện CH&PHCN, tập thể cán bộ y, bác sỹ rất nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những kết quả trong việc chăm sóc sức khỏe cho đối tượng chính sách và người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận. Bệnh viện CH&PHCN Tam Điệp đã nỗ lực vượt khó và xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của người bệnh, xứng tầm là bệnh viện chuyên khoa CH&PHCN của ngành LĐ-TB&XH. Bên cạnh đó, bệnh viện luân chú trọng tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch đẹp, đáp ứng tiêu chuẩn điều trị, khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách và người dân trên địa bàn ngày một tốt hơn”.

Trường Giang

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh