Bệnh từ bàn tay bẩn
- Sức khỏe
- 14:02 - 13/05/2015
*80% dân số không rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, trên 80% dân số không rửa tay với xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh; 74% bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi không rửa tay xà phòng trước khi cho con ăn; cứ 100 người trưởng thành (tuổi từ 15 - 60) chỉ 1,5 người rửa tay sau khi chăm người ốm; chỉ gần 53% học sinh rửa tay với xà phòng sau khi đi đại tiện; đặc biệt tỷ lệ người rửa tay sau khi chơi với các vật nuôi, dọn dẹp chuồng trại gia cầm, gia súc, dọn dẹp nhà cửa, đổ rác… vẫn còn rất thấp cho thấy ý thức giữ gìn vệ sinh của người Việt chưa cao.
Trong khi đó, giữ được “bàn tay sạch” là một trong những nguyên tắc phòng lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ cúm, tả, thương hàn, tay chân miệng…
Nhiễm khuẩn bệnh viện luôn là nỗi kinh hoàng của cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Bởi khi bị lây nhiễm chéo các vi khuẩn nhiễm khuẩn bệnh viện (đại đa số là kháng rất nhiều loại thuốc kháng sinh) việc điều trị sẽ khó khăn, kéo dài hơn rất nhiều.
Ông Tiến cho biết, trước đây công tác chống nhiễm khuẩn chưa được chú trọng nhiều, nhiễm khuẩn bệnh viện trở thành nỗi sợ hãi với bác sỹ. Bởi nhiễm khuẩn tại bệnh viện thường rất nặng nề, khi các vi khuẩn kháng nhiều thuốc kháng sinh.
Sát khuẩn tay là biện pháp phòng nhiễm khuẩn bệnh viện hiệu quả nhất.
Vì vậy, trong những năm gần đây ngành y tế rất quan tâm chống nhiễm khuẩn, đặc biệt tại các bệnh viện đã ra đời trung tâm chống nhiễm khuẩn để chống nhiễm khuẩn bệnh viện có thể lây truyền từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, từ khâu chăm sóc của y tá, điều dưỡng nếu bàn tay không được sạch, từ các trang thiết bị, giường, đệm tại bệnh viện…
Theo PGS Nguyễn Viết Tiến, ở lĩnh vực sản khoa và nhi khoa, chống nhiễm khuẩn bệnh viện càng đặc biệt quan trọng bởi nguy cơ cho thai phụ và trẻ sơ sinh rất cao.
Tại BV Phụ sản TƯ thường xuyên tiếp nhận nhiều thai phụ do không biết cách thực hành vệ sinh tốt, bị nhiễm khuẩn phần phụ và tình trạng này có thể gây viêm nhiễm ngược dòng lên tử cung, đe dọa sự an toàn của thai nhi, khi sinh con trẻ bị nhiễm khuẩn rất nặng ngay trong buồng tử cung, thậm chí không giữ được thai do viêm nhiễm dẫn đến vỡ ối non.
Đối với trẻ sơ sinh, ngay cả nhiễm khuẩn ngoài da, việc chuyển bệnh nhân từ giường này sang giường bệnh khác, hay vô tình trong khâu chăm sóc của y tá điều dưỡng, vi khuẩn từ da và bàn tay của nhân viên y tế đã chuyển sang người bệnh đều có thể gây nhiễm khuẩn. Số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, nhiễm khuẩn là nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong giai đoạn trẻ sơ sinh chiếm tỷ lệ 32%.
*Bảo vệ sự sống- Hãy giữ vệ sinh tay
Từ năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới đã phát động chiến dịch “Vệ sinh tay toàn cầu” và yêu cầu các nước thành viên cam kết tham gia thực hiện.Việt Nam là một trong số các nước đã ký cam kết tham gia chiến dịch này ngay từ năm đầu tiên sau khi phát động phong trào và năm 2015 là năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam tổ chức Lễ phát động “Bảo vệ sự sống: Hãy vệ sinh tay” trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh toàn quốc.
Tính đến nay, cả nước đã có gần 500 bệnh viện ký cam kết tham gia chiến dịch vệ sinh tay với Bộ Y tế và 73 bệnh viện đăng ký tham gia chiến dịch này trên website của Tổ chức Y tế Thế giới. Việt Nam là nước đứng thứ 4 trong số 24 nước đăng ký hưởng ứng thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau Philippines, Australia và Trung Quốc.
Trong sáu năm qua, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc tăng cường nhận thức của nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân về tầm quan trọng của kiểm soát nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế.
Nhiều bệnh viện được Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội kiểm soát nhiễm khuẩn châu Á ghi nhận thành tích về tổ chức thực hiện tốt chiến dịch vệ sinh tay và cải thiện tuân thủ thực hành vệ sinh tay như Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Bạch Mai, Nhi đồng 1, Hùng Vương...
Tại lễ phát động Chiến dịch “Bảo vệ sự sống: Hãy vệ sinh tay” vừa được Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, nhấn mạnh: Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị.
Tuy nhiên, nhiễm khuẩn bệnh viện hoàn toàn có thể ngăn ngừa được thông qua những chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả. Trong đó, chương trình tăng cường tuân thủ vệ sinh tay là biện pháp đơn giản, ít tốn kém và hiệu quả nhất để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.