Bệnh tiểu đường tấn công nhiều người trẻ
- Sức khỏe
- 13:36 - 15/08/2017
Tiến sĩ Lê Tuyết Hoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cảnh báo, hiện đang có sự gia tăng nhanh bệnh tiểu đường ở người trẻ, thậm chí với trẻ em. Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà cả thế giới.
Ảnh minh họa: Diabetes.
Những năm 1990, giới chuyên môn cho rằng tiểu đường không xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Năm 2002, một báo cáo tại Anh cho thấy có 4 trẻ béo phì da trắng mắc đái tháo đường type 2. Sau đó Canada, Australia, Libya, Nhật Bản và Bangladesh lần lượt báo cáo các trường hợp tương tự. Ở Mỹ từ giữa năm 2002 đến 2003 ghi nhận tỷ lệ 6-76% thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi bị đái tháo đường tuýp 2. Một nghiên cứu khác kéo dài từ năm 2001 đến 2009 cho thấy tăng bệnh nhân cả hai type đái tháo đường, đặc biệt là type 2 tăng đến 30,5%.
Gần đây, báo cáo ở hầu hết quốc gia trên thế giới đều cho thấy tỷ lệ đái tháo đường type 2 tăng ở người trẻ, thậm chí cả trẻ em. Bệnh xuất hiện ở lứa tuổi dưới 35 - độ tuổi trước đây được y văn cho là ngưỡng để phân định type 2. Các nghiên cứu dịch tễ ở Việt Nam ghi nhận sự thay đổi nhanh chóng về thói quen ăn uống, vận động, lối sống và ô nhiễm môi trường khiến giới trẻ tích tụ nhiều mỡ, giảm khối cơ, tăng béo phì, tăng đề kháng insulin... Đây là những nguyên nhân dẫn đến tiểu đường. Nếu bệnh nhân không có kế hoạch kiểm soát đường huyết tốt sẽ biến chứng suy thận, mù lòa, bệnh tim và tử vong.
Tiến sĩ Hoa cho rằng thách thức hiện nay là nhiều bệnh nhân trẻ mắc đái tháo đường type 1 kèm dư cân, béo phì nên khó phân biệt mang bệnh type 1 (do tự miễn) hay type 2 (đề kháng insulin đi kèm suy chức năng tế bào beta). Chẩn đoán sai thể bệnh gây khó khăn cho việc điều trị hoặc chữa trị không hiệu quả dẫn đến những biến chứng đáng tiếc.
Điều trị đái tháo đường quan trọng nhất là kiểm soát tốt chỉ số đường huyết ở mức an toàn. Trên thực tế có nhiều bệnh nhân phát hiện tiểu đường từ năm 24-25 tuổi, sau 3-5 năm áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, giảm cân và dùng thuốc kiểm soát đường huyết vẫn sống khỏe mạnh và làm việc bình thường.
Các bác sĩ khuyến cáo chủ động phòng tránh bệnh tiểu đường bằng cách thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn. Duy trì chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, vitamin từ rau xanh, trái cây tươi, hạn chế ăn mỡ và nội tạng động vật, đồ ăn vặt, thức ăn nhanh, giảm khẩu phần bữa tối. Đồng thời tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng trong giới hạn chỉ số BMI an toàn để không bị thừa cân, béo phì.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Những điều cần biết để bảo vệ sức khỏe khi tập luyện ngoài trời
Tập thể dục mùa hè nhưng cũng đừng quên bảo vệ mình khỏi nắng nóng nhé. Uống đủ nước, chọn thời điểm mát mẻ, mặc đồ thoáng mát, bôi kem chống nắng, lắng nghe cơ thể và điều...
3 tháng trước
Tin nên đọc