THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:55

Người “tiểu đường” sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng

 

 

Nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định tăng mức phạt tiền với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng (quy định cũ 50.000-100.000 đồng) với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng (quy định cũ 300.000-400.000 đồng) với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị.

Khoản 2 điều này quy định, phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 (quy định cũ 1.000.000-2.000.000 đồng) với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.

Ngoài bị phạt tiền, người “tiểu đường” nếu gây dư luận xấu sẽ bị nêu tên công khai kèm thông tin về vi phạm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh… Theo Nghị định, thẩm quyền xử phạt những hành vi vi phạm môi trường là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban quản lý rừng, Ban quản lý các vườn quốc gia...

Những lực lượng có thẩm quyền xử lý người vi phạm sẽ trực tiếp bắt quả tang hoặc thông qua các biện pháp nghiệp vụ, ghi hình, chụp ảnh... Theo quy định, số tiền xử phạt từ những hành vi này sẽ được các đơn vị xử phạt giữ lại 70% để chi hỗ trợ lực lượng, chi phí tập huấn, sơ kết, mua tin (chi phí mua tin không quá 10% số tiền phạt và mỗi vụ không quá 50 triệu đồng), trang bị phương tiện phát hiện hành vi vi phạm... 30% còn lại nộp vào ngân sách trung ương. 

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh