THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:53

Bệnh tay chân miệng gia tăng- Cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch

Hơn 23.000 trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay, đã có khoảng 50.000 ca mắc bệnh tay  chân miệng ở cả 63 tỉnh thành, trong đó có 23.344 trường hợp nhập viện. 

Riêng tuần trước đã có gần 5.000 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 30% cả về số mắc lẫn số nhập viện. Tại một số bệnh viện ở TP.HCM đã bị quá tải, khiến bệnh nhân điều trị trẻ phải nằm ghép. Các địa bàn có trẻ tử vong là Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai, trong đó Tây Ninh chiếm 2 ca.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, chỉ riêng các bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 3.200 ca mắc tay  chân  miệng, cùng với 15.500 ca điều trị ngoại trú. Các ca bệnh tăng mạnh trong tháng 8 và tháng 9 với hơn 200 ca nhập viện mỗi tuần, có tuần gần 300 ca bệnh. 

Đồng Nai đã có hơn 4.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, có nhiều trường hợp bệnh trở nặng nguy hiểm, trong đó 90% là trẻ dưới 3 tuổi. Bình Dương số ca mắc tay chân  miệng cũng đang tăng gấp đôi so với tháng trước. 

Tại Khánh Hòa, số ca mắc tay chân miệng không chỉ tăng gấp đôi so với tháng 8 mà còn có nhiều trẻ đều ở thể nặng và là các bệnh nhi dưới 6 tuổi. Báo cáo của địa phương này cho hay, chưa khi nào bệnh nhân nhập viện đã ở tình trạng nặng nhiều như những tuần qua, trong đó nhiều trường hợp diễn tiến quá nhanh, phải chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM để điều trị.

 

Trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng tăng nhanh trong thời gian gần đây


Thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã có sáu trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh tay chân miệng gồm hai trường hợp ở tỉnh Tây Ninh; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre mỗi địa phương một trường hợp tử vong.

Ngoài bệnh chân tay miệng, các tỉnh Đông Nam Bộ cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của bệnh sởi. Từ đầu năm đến nay, địa phương có số ca mắc bệnh sởi cao nhất khu vực là tỉnh Đồng Nai với 136 ca, tiếp theo là Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. HCM. Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, bệnh sởi trên địa bàn này bắt đầu gia tăng từ giữa tháng 8. Số ca mắc rải rác ở 51 xã, phường, tập trung nhiều nhất ở huyện Nhơn Trạch, thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành. Đặc biệt có sáu “điểm nóng” là sáu xã, phường có số người mắc cao bất thường. Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay cũng ghi nhận 96 ca mắc sởi, trong đó tăng đột biến vào tháng 9.

Cùng với bệnh tay chân miệng, sởi, Viện Pasteur TP.HCM cũng cảnh báo các bệnh sốt xuất huyết, bạch hầu, ho gà... có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu như không có biện pháp chủ động phòng ngừa.

Tại miền Bắc, số ca bệnh sởi và bệnh tay chân miệng cũng đang  tăng nhanh ở nhiều địa phương. Theo các bác sĩ,  đợt dịch tay chân miệng lần này có số lượng ca bệnh tăng nhanh và số trẻ bị nặng cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này không phải do cha mẹ không biết cách chăm sóc trẻ, hay trẻ được đưa đến viện muộn, mà do bệnh tự diễn biến nặng.

Nguy cơ dịch chồng dịch

Phó giáo sư-tiến sỹ Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nhận định,  bệnh tay chân miệng là một bệnh phổ biến lưu hành ở các tỉnh khu vực phía Nam, trung bình từ 20.000-100.000 ca bệnh mỗi năm. Mùa dịch thường rơi vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11. Năm 2018, số ca mắc bệnh chung của cả khu vực miền Nam thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2017; tuy nhiên trong tháng 8 và tháng 9 có sự gia tăng đột biến, tăng đến 50% so với các tháng trước đó.

 Lý giải nguyên nhân vì sao năm nay dịch bệnh tay chân miệng có nguy cơ quay trở lại như năm 2011, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho hay qua điều tra dịch tễ, năm 2018 có sự phổ biến của virus EV71, chiếm 25% tổng ca mắc.

Virus này khiến bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong. Đặc biệt, có sự biến đổi chủng gen của virus EV71 từ C5 sang C4. Đây cũng là chủng gen virus gây nên dịch bệnh tay chân miệng ở Việt Nam vào năm 2011 với 70.000 người mắc và 145 người tử vong. Chủng này dễ gây biến chứng nặng, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi cao gấp 1,7 lần so với các chủng gen khác của virus EV71.

 

Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách để phòng bệnh


Trong khi đó, với bệnh sởi, dù đã có vắcxin phòng ngừa nhưng hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vắcxin còn khá thấp. “Nếu như trước đây, với tỷ lệ bao phủ vắcxin từ 85-95% đã có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch, hiện nay trong bối cảnh di biến động dân cư, giao lưu đi lại liên tục đòi hỏi tỷ lệ tiêm chủng phải cao hơn mới có thể kiểm soát được,” ông Phan Trọng Lân cho hay.

Điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TP.HCM tại tỉnh Đồng Nai cho thấy tại các điểm nóng nhiều ca mắc chỉ có 73% trẻ được tiêm mũi 1,6% được tiêm đủ 2 mũi vắcxin sởi ở thời điểm 9 và 18 tháng. TP.HCM mới chỉ có 62% trẻ được tiêm mũi 1 và 30% trẻ được tiêm mũi 2.

Đại diện Viện Pasteur TP.HCM nhận định với những vùng miễn dịch trong cộng đồng không cao, trong khi tỷ lệ tiêm chủng thấp như vậy sẽ dễ dàng bùng phát thành dịch bệnh. Do đó, đơn vị này yêu cầu các địa phương cần chủ động triển khai rộng rãi chương trình tiêm chủng mở rộng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm vắcxin đầy đủ.

Ngoài ra, các địa phương khẩn trương rà soát lại nền miễn dịch của cộng đồng, đặc biệt lưu ý những khoảng trống miễn dịch, hay còn gọi là “vùng lõm tiêm chủng” đối với những người sinh từ năm 1984-1997, bởi đây là những người chưa được tiêm chủng sởi đầy đủ khi còn nhỏ. Đặc biệt, tại các khu công nghiệp - nơi tập trung rất nhiều công nhân trong độ tuổi này và đây cũng là đối tượng di biến động thường xuyên, cần phối hợp chặt chẽ với chủ doanh nghiệp để rà soát, tuyên truyền việc thực hiện tiêm chủng cho người lao động. 

“Đối với khu vực phía Nam, các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh hô hấp có thể bùng phát bất cứ lúc nào nên nguy cơ dịch chồng dịch thường xuyên hiện hữu. Nhận thức rõ điều này để khuyến khích cộng đồng chung tay phối hợp cùng với ngành y tế, ngành giáo dục cùng phòng chống dịch bệnh thì mới đạt hiệu quả cao,” PGS-TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

 

Rửa tay đúng cách cho trẻ để phòng bệnh

Các chuyên gia khuyến cáo các phụ huynh là khi trẻ bị tay chân  miệng, không nhất thiết phải đưa trẻ nhập viện, mà vẫn có thể chăm sóc tại nhà, nếu trẻ bị bệnh nhẹ. Điều này tránh cho trẻ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. 

Khi chăm sóc trẻ tại nhà, các phụ huynh lưu ý việc dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao và thuốc sát khuẩn ngoài da bôi lên các nốt phổng để tránh bội nhiễm; vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn và cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu, bù nước khi trẻ bị sốt. 

Khi trẻ xuất hiện những triệu chứng bất thường như sốt cao 2 ngày không dứt và nôn, nốt phỏng nhiều, chân tay lạnh, giật mình liên tục … thì phải nhanh chóng đưa trẻ nhập viện ngay.

Đối với dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, do chưa có vắcxin phòng ngừa nên để phòng bệnh, cộng đồng cần thực hiện bốn sạch: ăn sạch, ở sạch, đồ chơi sạch và bàn tay sạch.

Các bác sĩ khuyến cáo cách phòng bệnh hiệu quả nhất là phải luôn đảm bảo rửa tay đúng cách cho trẻ nhỏ: Rửa tay trước khi ăn, sau khi từ lớp học trở về. Khi trẻ mắc bệnh phải cho trẻ nghỉ học để cách ly, tránh lây bệnh cho trẻ khác, đồng thời báo với giáo viên để vệ sinh lớp học.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh