CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:11

Bệnh nhân vẫn ngủ gầm giường, ăn hành lang

Nhiều người mắc võng tại hành lang để nghỉ trưa.

Dù đã quá quen với tình trạng quá tải ở các bệnh viện tại TP.HCM và Hà Nội nhưng khi dẫn đầu đoàn công tác làm việc với BV Ung bướu TPHCM cách đây 4 năm, Bộ trưởng Tiến “choáng” vì lũ lượt những bệnh nhi bò ra từ gầm giường chào mình. Những ánh mắt đờ đẫn, mệt mỏi không chỉ vì bệnh tật hành hạ mà là sự ngột ngạt tại các phòng bệnh đã nêm cứng người. Không chỉ 3-4 bệnh nhi trên một giường bệnh mà ở gầm giường bệnh nhi cũng được trải chiếu để “nằm điều trị”. Ở trong phòng bệnh là vậy, ở ngoài hành lang gần như cũng kẹt cứng vì người bệnh và thân nhân trải chiếu để nằm ngồi.

Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM lúc đó là bác sĩ Lê Hoàng Minh nhìn nhận rằng: “bệnh nhân mang tiếng là đến bệnh viện nằm trị bệnh nhưng thực tế thì họ chỉ… ngồi”. Dẫn chứng từ bệnh viện này vào năm 2013 cho thấy, nơi đây có số giường thực kê 630 chiếc nhưng lượng bệnh nhân điều trị nội trú là hơn 1.800 người, chưa kể khoảng 9.500 người điều trị ngoại trú. Sau những nỗ lực không để bệnh nhân “nằm gầm giường” bằng nhiều cách như: tiếp nhận khám bệnh từ 6 giờ sáng thay vì 7 giờ; bác sĩ khám cả giờ trưa và tăng cường phòng tiếp nhận khám… đến nay những lời hứa giảm tải vẫn giậm chân tại chỗ.

Ngày 14/6/2017, phóng viên Tiền Phong trở lại BV Ung bướu TPHCM, từ cổng bệnh viện cho đến hành lang, cầu thang ở đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh bệnh nhân nằm la liệt chờ đến phiên khám bệnh. Bệnh nhân nội trú không có giường nằm, phải chen chúc nhau ngủ dưới gầm giường, ăn uống tại hành lang bệnh viện. Trò chuyện với phóng viên, bệnh nhân M.T.H (36 tuổi, ngụ Bến Tre) cho biết đến bệnh viện từ lúc 6h sáng, nhưng bốc số thứ tự khám bệnh tận đến 590. Hai vợ chồng chị đành phải trải chiếu ngay dưới hành lang bệnh viện để nằm nghỉ, đợi đến lượt. “Trời nóng thế này, đi đâu cũng không được, đành ở đây nằm đợi dù hành lang không có quạt, mệt mỏi lắm!”- Chị H. ngán ngẩm.

Tương tự bệnh nhân H.V.M (48 tuổi, quê Bình Dương) một tay lùa cơm, tay còn lại quạt cho đứa con gái đang vào thuốc trên chiếc giường bố nhỏ, đặt ở hành lang. Anh M. cho biết, do con điều trị ngoại trú, hóa trị rồi về nhà nên bác sĩ đành treo tạm chai dung dịch vào chiếc móc trên tường, cho con gái anh nằm truyền thuốc. Đối với những bệnh nhân đến khám bệnh, hoặc điều trị ngoại trú ở bệnh viện này, việc có một chỗ nằm nghỉ ở hành lang bệnh viện đã là may mắn. Còn những bệnh nhân nội trú ở đây, phải nằm 2-3 hoặc 4 người một giường, chen chúc nhau dưới gầm giường. Những lúc bệnh nhân đông, đỉnh điểm lên tới 22 người/phòng ở khoa Nhi. Chị L.H.T( 23 tuổi, quê Bạc Liêu) có con nằm tại khoa Nhi cho biết, do số lượng bệnh nhi ở phòng bệnh quá đông, một số bé được nằm trên giường bệnh, số còn lại phải vật vã dưới gầm giường, trải chiếu dưới nền. Ngay cả việc truyền nước biển, truyền thuốc cũng diễn ra dưới đất.

Số khác phải chen chúc dưới gầm giường.

Trước thực trạng quá tải bệnh viện vẫn là bệnh nan y không có thuốc chữa, tai biến y khoa ngày càng tăng trong khi hàng loạt sai phạm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc ở trong bệnh viện công vẫn chưa có chuyển biến, nhiều cử tri tỏ ra băn khoăn trước vấn nạn này. Cử tri Nguyễn Văn Hiền, 48 tuổi ở phường Tân Thuận Đông, quận 7 nói qua 2 đời bộ trưởng với nhiều giải pháp nhưng quá tải bệnh viện vẫn chưa giải được. Ông nói: “Ngành y tế đã tìm đủ mọi cách để giảm tải bệnh viện, nhiều đời bộ trưởng hứa sẽ giảm tải trong 2-3 năm, nhưng đến nay tôi thấy nơi đâu cũng quá tải”.

Theo cử tri này, nhiều giải pháp như phân tuyến, khám chữa bệnh thông tầm hay phân cấp khám bảo hiểm về tuyến dưới, không cho chuyển viện lên tuyến trên với bệnh nhẹ… nhưng Bộ Y tế có đánh giá đã giảm tải được chưa, có hiệu quả không?. “Nếu hiệu quả thì tại sao các bệnh viện ở TPHCM cứ quá tải triền miên như thế hay là các giải pháp này không khả thi”- ông Hiền đặt vấn đề.

Trong khi đó, cử tri Phan Văn Đền, 63 tuổi ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cho rằng quá tải không “chữa” được. Khi đề cập việc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn tại Quốc hội, ông Đền quan tâm là tại sao thời gian gần đây, nhiều bệnh viện công được thanh tra đều có sai phạm nghiêm trọng nhưng lãnh đạo lại “hạ cánh an toàn”.

“Không chỉ mua sắm trang thiết bị kém chất lượng, chênh lệch giá mà tôi thấy rất nhiều bệnh viện công đang lợi dụng chính sách xã hội hóa để một nhóm bác sĩ trục lợi”- ông nói và chỉ ra hàng loạt vụ việc như: sai phạm xã hội hóa ở BV Nguyễn Tri Phương cả 100 tỷ đồng, BV Bình Dân, BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, hay khuất tất đấu thầu thiết bị y tế ở BV Nhi đồng TP và BV Ung bướu cũng nghiêm trọng không kém nhưng các lãnh đạo đứng đầu đều vô sự, không có vụ nào chuyển cơ quan công an xử lý”, ông Đền nói.

“Ngành y tế đã tìm đủ mọi cách để giảm tải bệnh viện, nhiều đời bộ trưởng hứa sẽ giảm tải trong 2-3 năm, nhưng đến nay tôi thấy nơi đâu cũng quá tải”.

 Cử tri Nguyễn Văn Hiền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh