Bệnh dại: Chết vì chủ quan không tiêm phòng
- Sức khỏe
- 02:06 - 04/08/2018
Tỷ lệ tử vong là 100% nếu mắc bệnh
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 35 tuổi (ở Phú Thọ) bị chính chó nhà cắn vào tay. Sau khi bị cắn, chủ nhà dùng gậy đánh chó bỏ đi nên không theo dõi được tình hình sức khỏe đồng thời chủ quan không đi tiêm phòng dại.
Đến ngày 23/7, bệnh nhân này đột nhiên mất ngủ, bồn chồn, kích động tăng dần. Chỉ 3 ngày sau, khi được gia đình chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cấp cứu, bệnh nhân đã bắt đầu hoảng loạn, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng.Tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, xuất hiện những cơn co thắt hầu họng, rít lên từng hồi khó nhọc. Trước tình trạng không thể cứu chữa, gia đình đã đưa bệnh nhân về để lo hậu sự. Theo người nhà bệnh nhân, hai người khác cũng bị con chó này đã cắn nhưng đã đi tiêm phòng và thoát chết.
Trước đó, đầu tháng 6, tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có trường hợp một bác sĩ thú y tử vong do bị chó dại cắn Bệnh nhân là chị Phan Thị C. (24 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) là bác sĩ thú y đang làm việc tại một phòng khám tư nhân tại Phú Thọ. Trước khi vào viện gần hai tháng, trong lúc đang làm việc, bệnh nhân bị chó ốm cắn vào tay, vết cắn ở vị trí bàn tay phải. Sau khi bị cắn, bệnh nhân đã sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng và băng lại.
Bệnh nhân phát bệnh dại không thể cứu chữa
Sau 4 ngày con chó chết, tuy nhiên bệnh nhân vẫn không tiêm phòng vắc xin dại vì nữ bác sĩ này tự chẩn đoán chó chết do bị viêm đường hô hấp trên. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện đau nhức chỗ cắn và vùng vai phải, tê bì chân tay, rồi lan ra toàn thân, kèm cảm giác khó thở, sợ gió, sợ nước. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân được chuyển đến lúc 20h ngày 3/6 trong tình trạng điển hình của bệnh dại. Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được nhưng hốt hoảng, vật vã, sợ gió, sợ nước, có tiếng thít thanh quản khi uống nước, rối loạn thần kinh thực vật, nhịp tim nhanh 140 lần/phút. Bệnh tiến triển rất nhanh, đến sáng 4/6 bệnh nhân ngừng tim, ngừng tuần hoàn. Sau khi được cấp cứu, nhịp tim của bệnh nhân đã đập trở lại nhưng tình trạng nặng nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà và tử vong lúc 10h sáng ngày 4/6.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu của BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp lên cơn dại do chó cắn. Với những trường hợp đã lên cơn dại thì 100% bệnh nhân tử vong, y học hiện không thể cứu chữa. Các đối tượng mắc bệnh dại thường do bị chó lạ cắn, chó nhà nuôi bị ốm. Những loại này đều có nguy cơ cao mắc bệnh dại nên truyền trực tiếp virus sang người. Do không kịp thời tiêm phòng, khi căn bệnh phát tác, người bệnh không còn cơ hội sống sót. “Trong khi đó, nếu bị chó nguy cơ dại cắn, người bệnh đi tiêm phòng vắc-xin ngay, đủ mũi thì tỉ lệ bảo vệ gần như 100%"- bác sĩ Cấp nói.
Hàng trăm trường hợp tử vong vì bệnh dại mỗi năm
Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, bệnh dại vẫn là bệnh có số người tử vong cao nhất so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác ở nước ta.Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, bệnh dại vẫn là bệnh có số người tử vong cao nhất so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác ở nước ta.
Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số tử vong do dại ghi nhận tăng cao trong giai đoạn 1990-2000 với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Năm 2017 có 63 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Cùng với con số tử vong đó, hàng năm có trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn tiền vắc xin ước tính hơn 600 tỷ đồng mỗi năm, ngoài ra còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân.
Người dân cần có trách nhiệm tiêm phòng dại cho chó mèo đầy đủ
Khu vực miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại với hơn 80% số ca tử vong do dại tập trung tại đây. Những ca tử vong này đã có thể phòng tránh được nếu ba biện pháp chính bao gồm tiêm phòng cho chó, phòng tránh bị chó cắn và tới ngay cơ sở y tế để tiêm phòng nếu không may bị chó cắn.
Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại. Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ.
Để phòng chống bệnh, người dân cần có trách nhiệm tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo… bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho bệnh dịch lây lan, người dân cũng cần nhốt hoặc theo dõi chó, mèo trong vòng một tuần nếu có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đi tiêm phòng ngay.
Cách sơ cứu khẩn cấp khi bị súc vật mắc dại cắn - Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. - Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. - Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. - Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. |