THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:30

Bến Tre thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội trong đại dịch Covid-19

Tạo sinh kế cho người nghèo

Trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 4, các tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có Bến Tre bị ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, đời sống của người dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, những lao động tự do. Để đảm bảo người dân không ai phải thiếu ăn, bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch, song hành cùng công tác phòng, chống dịch bệnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ Chính phủ và địa phương giúp người dân vượt qua "đại nạn" Covid-19.

Qua điều tra, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo cho rằng cần được hỗ trợ vốn vay để chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo đất, đầu tư cây trồng, mua phương tiện sản xuất; kế đến là nhu cầu hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, học nghề làm việc tại địa phương. Người nghèo cũng mong muốn được bồi dưỡng kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, tiếp cận thị trường…

 phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo cho rằng cần được hỗ trợ vốn vay để chăn nuôi, trồng trọt

phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo cho rằng cần được hỗ trợ vốn vay để chăn nuôi, trồng trọt

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre, đến cuối tháng 09/2021, toàn tỉnh còn 14.231 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ  3,58% và 15.423 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,88%. Dự kiến đến cuối năm 2021  giảm còn 3% hộ nghèo và 2,5% hộ cận nghèo.

Ông Phạm Thanh Hùng – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết, bên cạnh việc thực hiện các chính sách như: Hỗ trợ tiền điện; Hỗ trợ mua 100% mệnh giá thẻ BHYT. Bến Tre còn tổ chức cấp phát gạo của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh covid-19 tại các huyện, với tổng số gạo hỗ trợ 2.408,265 tấn.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giảm nghèo luôn được chú trọng và hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, cụ thể từ nguồn vận động được kết hợp với các  nguồn hỗ trợ khác, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tặng hơn 77.126  suất quà cho người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; xây dựng mới 189 nhà tình thương và 07 nhà  tình nghĩa, sửa chữa 21 nhà tình thương, tình nghĩa; tổ chức bàn giao và đưa vào  sử dụng 254 nhà tình thương, 18 nhà tình nghĩa, 101 nhà nghĩa tình đồng đội; tặng  15.897 phần quà, 2.000 bồn chứa nước cho các hộ nghèo, cận nghèo, học sinh  nghèo và gia đình chính sách khó khăn, hỗ trợ vốn cho hộ nghèo phát triển sinh kế;  khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 420 người nghèo. Hỗ trợ 98 hộ nghèo,  hộ cận nghèo xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản tại các huyện, thành phố từ  nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh.

Nhiều mô hình hay giúp hộ nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững

Nhiều mô hình hay giúp hộ nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững

Điển hình như ngôi nhà ông Phạm Văn On (87 tuổi), ngụ ở ấp Hòa Thạnh A, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Ông On là thương binh ¾. Thời kỳ kháng chiến, ông đã từng làm giao liên, đưa rước cán bộ cách mạng đi công tác, trong đó có cô Ba Định. Hiện ông sống với người cháu cố. Gia đình thuộc hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Thấu hiểu và sẻ chia với ông, cũng như thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, chăm lo cho các gia đình có công với cách mạng, huyện đã vận động xây tặng cho ông căn nhà tình nghĩa khang trang trên phần diện tích 64m2. Niềm vui của ông hiện rõ khi nói về căn nhà mới. Bởi từ đây, ông và người cháu không còn lo sợ khi gió mưa, giông bão.

Đối với chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã thực hiện xong, với 1.389 đơn vị đủ điều kiện giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với 62,8 ngàn lao động, tổng số tiền tạm tính giảm trong 12 tháng (từ 1-7-2021 đến 30-6-2022) khoảng 20,1 tỷ đồng và đã chuyển cho NSDLĐ để hỗ trợ cho NLĐ.  Chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động qua rát soát đã thực hiện chi hỗ trợ 6.887 người, số tiền 10.330,5 triệu đồng.

Chính sách đến với người nghèo

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã giải  ngân cho 1.743 lượt hộ nghèo, 2.641 lượt hộ cận nghèo, 2.422 lượt hộ mới thoát  nghèo, 2.177 lượt hộ vay sản xuất kinh doanh. Bên cạnh nguồn vốn vay để phục vụ  sản xuất kinh doanh, thực hiện các ngành nghề dịch vụ, Ngân hàng chính sách xã  hội đã giải ngân cho 9.488 hộ vay chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường, 200 lượt hộ vay chương trình học sinh-sinh viên, 2.168 lượt hộ vay Quỹ quốc gia  về việc làm, 18 lượt hộ vay xuất khẩu lao động, tổng kinh phí 668,04 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Bến Tre hiện đã tham mưu UBND tỉnh có công văn gửi Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH điều chỉnh giảm 28 tỷ đồng của các chương trình khó thực hiện (như cho vay nhà ở…). Đồng thời, tăng vốn cho các chương trình khác có khả năng thực hiện thêm 73 tỷ đồng. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Bến Tre sẽ triển khai mạnh mẽ cho vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Vào năm học mới, để giải ngân cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh dịch Covid-19, ngân hàng có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho học sinh, sinh viên có giấy xác nhận của trường để được tham gia vay.

Phó giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Bến Tre Nguyễn Mạnh Hoài cho biết: “Trong 2 tháng giãn cách xã hội, các hoạt động tín dụng đối với hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo… gần như ngưng giao dịch. Ngân hàng không yêu cầu khách hàng có nợ đến hạn (khoảng 60 - 70 tỷ đồng) phải đến ngân hàng trả nợ. Khi tình hình ổn định, các hoạt động sẽ nối lại, đồng thời có giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn”.

Đối với hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo khả năng hấp thụ vốn thấp. Hộ nào có nhu cầu, có phương án sản xuất, kinh doanh tốt, địa phương sẽ bình xét, ngân hàng sẽ giải ngân nhưng số lượng bình xét lại, ông Mạnh Hoài cho hay.

Bà Nguyễn Thị Nga (huyện Châu Thành) cho biết: Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, dược địa phương hỗ trợ ngôi nhà tình thương, Hội Phụ nữ xã hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn cách làm ăn, đến nay gia đình cô đã thoát nghèo, ba người con có công ăn việc làm ổn định, kinh tế có phần khấm khá lên. “Cứ nghĩ nghèo sẽ được hỗ trợ nên thời gian dài gia đình không biết làm gì. Giờ tôi khuyên mọi người có hoàn cảnh giống tôi hãy từ bỏ ý nghĩ tự ti, mặc cảm mà phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Nhất là trong đại dịch Covid-19 này, người nghèo gặp khá nhiều khó khăn nhưng có những chính sách hỗ trợ từ nhà nước nên cũng an tâm phần nào ”, bà Nga chia sẻ.

Song song với chính sách vay vốn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành  phố, Ban Chỉ huy quân sự và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện,  thành phố, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức tuyên truyền cho bộ đội xuất ngũ về tinh thần lập thân, lập  nghiệp và tư vấn việc làm, học nghề, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cung  cấp những thông tin về chủ trương, chính sách của Nhà nước cho 1.289 bộ đội xuất  ngũ trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2021 – 2025, Mục tiêu chung là tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng. Rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đa chiều, bền vững. Giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trợ giúp có hiệu quả cho người nghèo, người yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Đẩy mạnh xã hội hóa, nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để chăm lo an sinh xã hội.

PHA LÊ

BÀI TUYÊN TRUYỀN THEO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 84/NQ-CP

NGÀY 29/5/2020 CỦA CHÍNH PHỦ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh