Bến Tre: Thay đổi phương thức về giới thiệu việc làm và đào tạo nghề giữa đại dịch COVID-19
- Bài thuốc hay
- 14:20 - 10/06/2021
Vượt đại dịch hoàn thành chỉ tiêu đề ra
Thời gian qua, công tác quản lý lao động trong các doanh nghiệp được thực hiện khá tốt, quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép lao động đối với người nước ngoài làm việc tại tỉnh Bến Tre; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể; giải quyết kịp thời các chế độ chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động trong các doanh nghiệp; tỷ lệ lao động trong doanh nghiệp tham gia BHXH, BHTN đạt 73,82%; tiếp nhận 12.422 hồ sơ đăng ký trợ cấp thất nghiệp, tăng 26,11% so cùng kỳ; đã ra quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 11.510 người, số người nhận trợ cấp thất nghiệp là 16.354 người, số tiền 48,06 tỷ đồng (trong đó có 3.932 người kỳ trước chuyển sang).
Năm 2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm 18.382 người, đạt 102,1% kế hoạch năm, trong đó có 1.202 người trúng tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (kế hoạch 1.200 người), tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chỉ có 627 người xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài.
Mục tiêu tỉnh đề ra năm 2021 là phấn đấu đưa khoảng 1.500 NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nên ngay từ đầu năm 2021, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động một số giải pháp nhằm thúc đẩy công tác đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo HĐ.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre, do tình hình dịch bệnh không tập trung đông người, nên đầu năm 2020, công tác tư vấn, giới thiệu NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài bị hạn chế. Các phiên giao dịch việc làm ở cấp huyện và tỉnh không thực hiện được. Các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc hạn chế tiếp nhận NLĐ. Một số NLĐ trúng tuyển nhưng không xuất cảnh được...
Thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Giồng Trôm, qua 2 năm 2019, 2020, theo quy định của tỉnh, NLĐ tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ (hộ nghèo trên 15 triệu đồng, hộ cận nghèo trên 14 triệu đồng). Tuy nhiên, hồ sơ quyết toán khi thực hiện xong số tiền gia đình NLĐ nhận hỗ trợ rất thấp so với quy định. Về hồ sơ liên quan, người dân không sai nhưng do vướng mắc ở một số khâu như chi phí xác nhận chứng thực lý lịch tư pháp. Do đó, cần cơ quan chức năng phối hợp hỗ trợ người dân. Năm 2020, Giồng Trôm tiếp tục là huyện dẫn đầu về số lượng đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo HĐ với 186 người đã trúng tuyển.
Tháo gỡ khó khăn công tác tuyên truyền vào đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 mới xảy ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre đã tổ chức tư vấn cho NLĐ bằng nhiều hình thức. Cụ thể là tư vấn theo nhóm nhỏ, tổ chức kỳ cà phê việc làm, giới thiệu văn hóa - ẩm thực nước Nhật, phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ NLĐ phỏng vấn qua mạng điện thoại internet Skype.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre Nguyễn Thị Thủy cho biết: "Trung tâm thay đổi hình thức tổ chức tuyên truyền đến NLĐ về nhu cầu tuyển dụng qua báo, đài truyền thanh các huyện, thành phố trong tỉnh. Đồng thời, thông tin rộng rãi các chương trình đi làm việc ở nước ngoài trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook để NLĐ nắm bắt thông tin chính thống, hưởng đầy đủ các chính sách của tỉnh và tránh rủi ro khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài".
Nhằm giúp NLĐ nâng cao cơ hội trúng tuyển, giảm chi phí và có nhiều sự lựa chọn ngành nghề phù hợp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre đã chú trọng công tác đào tạo ngoại ngữ cho 100% NLĐ đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; tổ chức "Cà phê việc làm" vào ngày thứ Sáu và sáng thứ Bảy hàng tuần để tăng cường hình thức thông tin, tạo không gian thân thiện giữa NLĐ và doanh nghiệp.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Thanh Hùng cho biết: Chỉ tiêu tỉnh giao năm 2021 phấn đấu giải quyết việc làm 20.000 lao động, trong đó đưa khoảng 1.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Sang năm 2022 và 2023, chỉ tiêu có thể sẽ cao hơn nữa. Do đó, các phòng, doanh nghiệp trong tình hình dịch Covid-19 cần cố gắng nhiều hơn, góp phần đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn nước ngoài với phương châm giúp NLĐ có thu nhập cao, cải thiện cuộc sống.
Tư vấn việc làm, nghề nghiệp và tuyên truyền đi làm việc ở nước ngoài cho gần 15 ngàn lượt người. Có 19 phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre vào thứ Sáu hàng tuần, với mô hình "Cà phê việc làm"; 4 phiên tại các huyện và phiên trực tuyến kết nối 4 tỉnh. Kết quả, có 200 lượt DN và 1.873 lượt lao động tham gia.
Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 10.846 lao động, đạt 54,2% kế hoạch (KH) năm, tăng 18,96% so với cùng kỳ. Trong đó, có 367 lao động trúng tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chỉ đưa được 255 người xuất cảnh, đạt 17% KH và giảm 47,5% so với cùng kỳ.
Đào tạo đa ngành theo nhu cầu của thị trường lao động
Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 14 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập. Bình quân hàng năm, các đơn vị này đã đào tạo khoảng 11 ngàn người, với nhiều ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Sau khi học xong, có khoảng 80% người lao động có việc làm và thu nhập khá ổn định. Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nên trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 18.382 người, đạt 102,1% so với kế hoạch. Bình quân hàng năm, số lao động bước vào độ tuổi lao động khoảng 18 ngàn người, trong đó số có nhu cầu làm việc khoảng 6.500 người, gồm: bộ đội xuất ngũ 1.200 người; sinh viên ra trường có nhu cầu tìm việc làm khoảng 3.500 người; lao động thất nghiệp của các năm trước chuyển sang 1.100 người; học sinh phổ thông bỏ học 700 người.
Bên cạnh đó, số còn lại không tham gia hoạt động kinh tế khoảng 11.500 người. Số lao động đi làm ngoài tỉnh hàng năm khoảng 6.000 - 7.000 lao động, nhất là số sinh viên của các trường đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp ra trường đa phần tìm kiếm việc làm ngoài tỉnh, tập trung chủ yếu ở Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, ít quay trở về tỉnh làm việc.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo 1.003 người, đạt 9,12% KH năm, giảm 4,51% so với cùng kỳ. Trong đó, cao đẳng 116 người, trung cấp 139 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 784 người. Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tiếp tục triển khai các hoạt động tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp học sinh các trường THCS, THPT.
Hiện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương, hỗ trợ các làng nghề truyền thống, kết hợp đào tạo với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để thu hút lao động tham gia học nghề gắn với nhu cầu giải quyết việc làm sau đào tạo.
PHA LÊ
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ