Bến Tre giảm nghèo đa chiều và hạn chế tái nghèo
- Dược liệu
- 07:30 - 30/05/2022
Hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo vượt lên mức sống tối thiểu
Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 44.915 hộ nghèo (HN), tỷ lệ 12,11%. Qua 6 năm triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 11.753 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,93%. Trên cơ sở phân tích thực trạng, phân loại nhóm nghèo của hộ và rà soát, đánh giá nhu cầu của HN, hộ cận nghèo (HCN), UBND tỉnh đã đề ra một số mục tiêu, chỉ tiêu và kết quả cần đạt, nhằm hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo vượt lên mức sống tối thiểu.
Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, mô hình giảm nghèo hiệu quả. Người nghèo được tiếp cận đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Cuộc sống người nghèo đã từng bước được cải thiện. Được sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng xã hội, đặc biệt là sự vượt khó vươn lên, một bộ phận người nghèo đã quyết tâm thoát nghèo bền vững.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre, thời gian qua, Bến Tre tập trung huy động nguồn lực và triển khai thực hiện các dự án chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững năm 2021. Hỗ trợ mua 100% mệnh giá thẻ BHYT cho 31.462 người nghèo và 221.896 người dân tại các xã bãi ngang ven biển, hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ BHYT cho 27.490 người cận nghèo, tổng kinh phí trên 218,56 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 10.481 hộ nghèo và 1.460 hộ chính sách xã hội, kinh phí 3.725,59 triệu đồng; Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân 20.857 hộ .
Ngoài ra, từ nguồn xã hội hóa đã hỗ trợ tặng hơn 77.126 suất quà, 2.000 bồn chứa nước cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; xây dựng mới 189 nhà tình thương, cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ vốn cho hộ nghèo phát triển sinh kế, tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng. Qua tổng hợp sơ bộ kết quả điều tra bình nghị hộ nghèo cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 11.753 hộ nghèo, tỷ lệ 2,93% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 (KH là 3%) và 17.011 hộ nghèo, tỷ lệ 4,24% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025.
Qua phân loại nhóm nghèo của hộ, tỉnh đã chia HN, HCN thành 3 nhóm. Đồng thời, đưa ra đánh giá nhóm hộ có khả năng thoát nghèo trong giai đoạn 2022 - 2025 là 24.956 hộ (chiếm 73,28% tổng số HN, HCN). Riêng nhóm 3 (HN, HCN bị bệnh tật không thể lao động bình thường được, hộ thuộc diện bảo trợ xã hội là 9.100 hộ, chiếm 26,72% tổng số HN, HCN) là nhóm không thể thoát nghèo. Do đó, chỉ tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội và vận động nguồn lực xã hội trợ giúp, tạo điều kiện cho hộ có mức sống ngang bằng với mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Tỉnh xác định các nhu cầu của HN, HCN như: Hỗ trợ vốn vay: 19.972 hộ có nhu cầu vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo đất, đầu tư cây trồng, mua phương tiện sản xuất. Hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề: 11.631 hộ, trong đó tìm việc làm 4.455 hộ. Xuất khẩu lao động 772 hộ, giới thiệu việc làm 4.523 hộ, học nghề làm tại địa phương 1.881 hộ. Bồi dưỡng, trang bị kiến thức 8.410 hộ, trong đó trồng trọt 2.412 hộ; chăn nuôi 3.381 hộ; thị trường hàng hóa 1.202 hộ; hướng dẫn cách làm ăn 1.415 hộ.
Trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, các mục tiêu trên sẽ được thực hiện thông qua việc làm cụ thể từ 6 dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo. Đó là các dự án: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
90 tỷ đồng hỗ trợ các mô hình giảm nghèo
Vừa qua, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định về mức hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn kinh phí phân bổ của Trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương. Căn cứ vào điều kiện phát triển sinh kế của hộ nghèo để có mức hỗ trợ tối đa là 30 triệu đồng/hộ và mức thu hồi sau khi kết thúc mô hình là 50%. Củng cố mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giai đoạn 2016 - 2020.
Và tiếp tục nhân rộng và xây dựng 300 mô hình giảm nghèo có hiệu quả năm 2022 và những năm tiếp theo; hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng kế hoạch phát triển sinh kế cho gia đình; tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nghèo.
Mô hình giảm nghèo do Ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 300 mô hình (12 hộ/mô hình), tương đương 3.600 hộ, kinh phí 90 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí Trung ương hỗ trợ 90% số hộ (tương đương 2.700 hộ, kinh phí 81 tỷ đồng); kinh phí đối ứng từ ngân sách địa phương là 10%/tổng số vốn Trung ương (tương đương 300 hộ, kinh phí 9 tỷ đồng).
Những mô hình “Nuôi bò sinh sản” giai đoạn 2021-2024 với quy mô 87 con bò (mỗi hộ 01 con), 87 hộ tham gia mô hình (37 hộ nghèo, 50 hộ cận nghèo) của 08 xã thuộc 07 huyện, cụ thể: Xã Tân Xuân, Mỹ Nhơn (huyện Ba Tri), xã Tân Trung (huyện Mỏ Cày Nam), xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú), xã Nhuận Phú Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), xã Long Thới (huyện Chợ Lách), xã Định Trung (huyện Bình Đại), xã Tân Thanh (huyện Giồng Trôm). Tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ vốn cho các hộ nuôi bò sinh sản là 1,74 tỷ đồng, với định mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh (trong đó có nguồn do gia đình Cố Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Văn Khánh hỗ trợ) và tổng số tiền này sẽ chuyển vào Quỹ “Vì người nghèo” của các huyện có hộ tham gia mô hình.
Rút kinh nghiệm từ mô hình nuôi bò sinh sản của giai đoạn trước, giai đoạn 2021-2024, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thay đổi hình thức thực hiện mô hình như: Mỗi hộ tham gia mô hình tự chọn mua con giống, các xã sẽ chi trả tiền cho người bán với số tiền là 20 triệu đồng/hộ (không gửi tiền cho các hộ trực tiếp đi mua con giống). Nếu các hộ chọn mua con giống có giá trị cao hơn so với định mức quy định thì phần chênh lệch các hộ phải đóng góp thêm, ngược lại con giống có giá trị thấp hơn so với định mức (phải từ 19 triệu trở lên) thì phần còn lại gửi cho các hộ để hỗ trợ xây dựng chuồng trại hoặc mua thức ăn; Thời gian nuôi là 03 năm (kể từ thời gian nhận được con bò giống); Sau 03 năm, các hộ thực hiện mô hình có trách nhiệm hoàn vốn lại cho Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh với số tiền là 20 triệu đồng/hộ thì Ban Quản lý mô hình sẽ thực hiện thanh lý hợp đồng; Quá trình chuyển giao con giống sẽ thực hiện ký kết hợp đồng cam kết với từng hộ.
Thời gian tới, Bến Tre tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận đa chiều; tuyên truyền, giáo dục ý chí vươn lên thoát nghèo; tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo phát triển sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hướng dẫn người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, dạy nghề, giới thiệu việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường.v.v.. ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với người dân vùng khó khăn, bãi ngang ven biển; vận động xã hội hóa trợ giúp người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.