Bến Tre đảm bảo an sinh xã hội góp phần phát triển kinh tế địa phương
- Dược liệu
- 14:00 - 28/08/2021
Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2020, toàn tỉnh Bến Tre có 29.589 hộ nghèo và hộ cận nghèo. Trong đó, có 14.218 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 3,58% tổng số hộ dân toàn tỉnh) và 15.371 hộ cận nghèo (chiếm tỉ lệ 3,87% tổng số hộ dân toàn tỉnh).
Xét về góc độ đa chiều, toàn tỉnh có 10. 488 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập; 3.730 hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sach, thông tin…); đa số người nghèo không có bảo hiểm y tế…
Qua điều tra, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo cho rằng cần được hỗ trợ vốn vay để chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo đất, đầu tư cây trồng, mua phương tiện sản xuất; kế đến là nhu cầu hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, học nghề làm việc tại địa phương. Người nghèo cũng mong muốn được bồi dưỡng kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, tiếp cận thị trường…
Thoát nghèo để phát triển kinh tế
Thời gian qua, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện rất hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Năm 2016, Châu Thành bắt đầu triển khai thực hiện đề án đa dạng sinh kế thoát nghèo. Ngay khi triển khai, toàn huyện có 3.435 hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, có 1.059/3.435 hộ tham gia thực hiện đề án, chiếm tỷ lệ 30,8%. Sau gần 5 năm thực hiện đề án, có 835 hộ thoát nghèo, trong đó có 290 hộ nghèo, 535 hộ cận nghèo.
Là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện đề án, xã An Khánh đã đưa 73/73 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia đề án vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Phó chủ tịch UBND xã An Khánh Trần Cảnh Tân cho biết: Khi tiếp thu đề án, Đảng ủy xã đã cụ thể hóa thành kế hoạch triển khai thực hiện đến MTTQ Việt Nam xã, các đoàn thể. UBND tổ chức họp mặt đối thoại hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án phát triển đa dạng sinh kế giai đoạn 2016 - 2020.
Cô Nguyễn Thị Tím, xã An Khánh, huyện Châu Thành cho biết: Được địa phương hỗ trợ ngôi nhà tình thương, Hội Phụ nữ xã hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn cách làm ăn, đến nay gia đình cô đã thoát nghèo, 3 người con có công ăn việc làm ổn định, kinh tế có phần khấm khá. "Cứ nghĩ nghèo sẽ được hỗ trợ nên thời gian dài gia đình không biết làm gì. Giờ cô khuyên mọi người có hoàn cảnh giống cô hãy từ bỏ ý nghĩ tự ti, mặc cảm mà phấn đấu vì cuộc sống ngày mai tươi đẹp", cô Tím chia sẻ.
Chia sẻ về cách làm trong thời gian qua, Phó chủ tịch UBND xã An Khánh Trần Cảnh Tân cho biết, "Ban chỉ đạo giảm nghèo xã phân công các hội đoàn thể và cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trẻ em, giảm nghèo, thành viên ban chỉ đạo giảm nghèo xã theo dõi giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo thuộc đoàn thể mình phát triển sinh kế. Tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng hộ gia đình, xác định nhu cầu cần hỗ trợ của từng thành viên trong hộ về phát triển sinh kế".
Theo Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lê Minh Phước: Các chính sách giảm nghèo, dự án về nâng cao năng lực cho người nghèo đã được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phủ khắp trên địa bàn huyện cũng như các xã trong vùng dự án; người nghèo có điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, tín dụng, nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc có thời gian ở nước ngoài theo hợp đồng…
Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 14.218 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,58% và 15.317 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,71%. Các chế độ, chính sách ưu đãi người có công và đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đã tiếp nhận và giải quyết 1.075 hồ sơ đề nghị hưởng chính sách người có công. Thực hiện trợ cấp ưu đãi hàng tháng 20.671 người với tổng kinh phí 37,8 tỷ đồng/tháng.
Thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình lao động việc làm tại các khu, cụm công nghiệp. Xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021. Triển khai đề án thí điểm an sinh xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi người có công.
Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ và trách nhiệm
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bến Tre xác định công tác giảm nghèo là một chủ trương lớn, xuyên suốt gắn liền với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cần phải có hướng tiếp cận theo "chuẩn nghèo đa chiều". Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo bền vững. Đưa nhiệm vụ giảm nghèo bền vững là nội dung, mục tiêu lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục trong kế hoạch, chương trình công tác của cấp ủy Đảng, đoàn thể, xem đây là nhiệm vụ và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là sự tự giác, ý thức trách nhiệm của bản thân người nghèo, hộ nghèo.
Để đảm bảo những chỉ tiêu này, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre chọn cho mình giải pháp hướng đi phù hợp. Tỉnh sẽ tiến hành rà soát, xác định cụ thể nguyên nhân nghèo của các hộ gia đình, từ đó có các giải pháp đầu tư, hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân. Tổ chức họp mặt hộ nghèo hàng năm hiệu quả; phân loại đối tượng hộ nghèo để cung cấp thông tin, tham vấn hiệu quả đối với từng nhóm hộ nghèo; các cấp, các ngành cần lựa chọn thông tin về chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo để triển khai đến hộ thật sự thiết thực; đồng thời, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để làm công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ nghèo làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện tốt chính sách giáo dục, đào tạo nghề và phát triển sản xuất. Trong đó, đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm ổn định nhằm tăng thu nhập cho người nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo. Tăng cường đầu tư cho giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, phúc lợi xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn trong giao thương, kinh doanh, sản xuất. Đa dạng các loại hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp nhiều mô hình nông nghiệp, phi nông nghiệp, tận dụng tối đa điều kiện đất đai, lao động, thời gian nhàn rỗi... để cải thiện sinh kế.
Hướng dẫn người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn theo phương châm lấy nội lực của hộ gia đình là nền tảng chủ yếu để phát triển bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Rà soát hộ nghèo được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo khách quan, dân chủ, chính xác.
Từ những giải pháp cơ bản, thiết thực triển khai thực hiện đồng bộ đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững sẽ có sự tác động trực tiếp đến vai trò lãnh đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo và nâng cao ý thức của người dân, người nghèo trên địa bàn tỉnh. Từ đó từng bước nâng cao đời sống của nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.