Bến Tre: Đa dạng sinh kế - Thoát nghèo bền vững
- Dược liệu
- 14:32 - 30/04/2020
Đa dạng hóa sinh kế
Với mục tiêu là tập trung thực hiện các hoạt động cải thiện sinh kế của người nghèo, người cận nghèo, hộ cận nghèo phát huy nội lực là chính, Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thông qua các chế độ chính sách, phát triển sinh kế, làm đòn bẩy giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sau ba năm triển khai thực hiện đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Bước đầu, công tác phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được tập trung thực hiện, triển khai kịp thời các dự án, chính sách hỗ trợ người nghèo về vốn vay ưu đãi, các mô hình sinh kế, hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; các chính sách trợ giúp của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin thực hiện kịp thời... Qua đó, đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sinh kế, cải thiện các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát nghèo.
Theo số liệu điều tra hộ nghèo cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 23.470 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,08% và 17.695 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,58%. Đến hết tháng 7 năm 2019, các địa phương đã hỗ trợ cho 15.655 hộ/15.858 hộ tham gia Đề án, đạt 98,72% kế hoạch; có 9.652 hộ thoát nghèo, trong đó có 6.739 hộ thoát nghèo bền vững theo 03 tiêu chí của Đề án (thỏa mãn các nhu cầu cơ bản theo tiêu chí đa chiều; thu nhập tăng và duy trì ở mức trung bình trở lên; thoát nghèo bền vững và không tái nghèo).
Các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt nhiều kết quả khả quan: Thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp, có 9.337 hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng và nhân rộng 270 mô hình nuôi bò, dê, thỏ, gia cầm, sản xuất cây giống, hoa kiểng, rau màu... cho 3.124 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia; hỗ trợ xây dựng được 04 trang trại, 21 doanh nghiệp/hợp tác xã và 164 câu lạc bộ, tổ liên kết, hợp tác xã.
Nỗ lực thoát nghèo
Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng 202 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo với 1.511 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện là 24,71 tỷ đồng. Đến nay, hiệu quả từ việc thực hiện các mô hình đã giải quyết việc làm tại chỗ cho 1.678 lao động nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân hỗ trợ 12.775 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, với tổng kinh phí trên 353 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn thông qua Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp thoát nghèo, với 721 hộ tham gia; các hoạt động phi nông nghiệp như phát triển các ngành nghề thủ công, làng nghề truyền thống như làm chổi cọng dừa, đan giỏ, đan ghế, làm hoa kiểng...; hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả kết nối cung, cầu lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần giải quyết làm cho 72.137 người; trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh 46.281 người, lao động xuất cư làm việc ngoài tỉnh là 22.673 người và 3.183 người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 207 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Anh Nguyễn Văn Song, ấp Bình An kể, trước kia, vợ chồng anh ở xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú, vùng đất này bị nước măn xâm nhập không trồng trọt được, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1997, vợ chồng anh qua vùng đất Châu Bình lập nghiệp. Gần 1 năm sau, lãnh đạo xã Châu Bình cấp cho anh 2 công đất cất nhà ở và trồng trọt. Với tính cần cù chịu khó, năm 2014, anh được Hội Nông dân xã quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ bảo lảnh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 40 triệu đồng. Vợ chồng anh mua 1 con bò mẹ đang mang thai về để nuôi bò sinh sản. Sau thời gian chăm sóc, đến nay anh đã xuất bán được 2 bò giống và 1 bò mẹ được 21 triệu đồng. Hiện trong chuồng còn 2 con bò cái sinh sản và 2 bê con.
Phó chủ tịch UBND xã Châu Bình bà Phạm Thị Phước cho biết: Hiện xã còn 24 hộ nghèo, trong đó có 4 hộ đang thuộc viện bảo trợ của xã, các hộ còn lại có khả năng thoát nghèo xã cũng đã xây dựng kế hoạch phân công các hội đoàn thể tiếp tục theo dõi các hộ này có nhu cầu gì trong phát triển kinh tế. Xã đang còn nguồn vốn Quỹ vì người nghèo và xã sẽ hỗ trợ mỗi hộ từ 5 - 10 triệu đồng khi có nhu cầu mua cây, con giống phát triển kinh tế. Đối với các hộ thoát nghèo trong năm 2019, xã cũng sẽ rà soát, tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế một cách bền vững. UBND xã cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ hỗ trợ nguồn vốn cho xã là 1 tỷ đồng.
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4% vào cuối năm 2020
Năm 2020, tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận đa chiều; tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Đồng thời thực hiện kịp thời các dự án, chính sách giảm nghèo; tập trung thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo ở cơ sở; tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; duy trì họp mặt, đối thoại trực tiếp với người nghèo.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, khơi dậy khát vọng thoát nghèo, phát huy nội lực, tiềm năng của chính bản thân người nghèo để vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện Đề án sinh kế, nhất là Ban Chỉ đạo cấp xã phải nắm được hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng hộ nghèo để xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho hộ nghèo cách thức làm ăn, phát triển sinh kế phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Thực hiện tốt chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Các địa phương cần nghiên cứu các mô hình mới, hiệu quả để hướng dẫn người nghèo thực hiện. Từng địa phương phải kết nối với với các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn để sử dụng nguồn lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế giáo dục, nhà ở...