CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:26

Bến Tre: Bám sát thực tiễn triển khai công tác giảm nghèo hiệu quả

Nhiều chính sách đến với người nghèo

Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cuối năm 2014, toàn tỉnh đã giảm được 7.487 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,59%  đầu năm 2014 xuống còn 6,48% cuối năm 2014, giảm được 1.282 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 6,16% đầu năm 2014 còn 5,75% vào cuối năm 2014.

Có được kết quả như trên, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo theo từng nhóm nguyên nhân.  Đối với nhóm hộ nghèo có đất sản xuất, có phương tiện dụng cụ sản xuất, chí thú làm ăn sẽ có giải pháp ưu tiên, tạo điều kiện cho hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; Nhóm hộ nghèo có ít đất sản xuất, thiếu phương tiện dụng cụ sản xuất nhưng không biết cách làm ăn thì tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đồng thời hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm chuyển đổi ngành nghề; Nhóm hộ nghèo không có ý thức tự vươn lên, trông chờ ỷ lại thì giao cho các đoàn thể địa phương giáo dục, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo. Nhóm hộ già yếu, neo đơn hoặc ốm đau, bệnh tật kéo dài... thì hỗ trợ bằng các chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, Bến Tre cũng ban hành các chính sách đặc thù tại các xã bãi ngang ven biển để hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình khác hỗ trợ cho các xã khó khăn xây dựng các công trình về cầu, đường, trường, trạm nhằm tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân trên địa bàn, trong đó có người dân nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương.

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc phối hợp, lồng ghép thực hiện các chính sách giảm nghèo-ASXH. Từ năm 2011-2013, với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng, Bến Tre đã xây dựng và nhân rộng 33 mô hình giảm nghèo tại 30 xã của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 4 mô hình mang hiệu quả cao là mô hình nuôi bò vỗ béo và bó chổi cọng dừa ở xã Mỹ An - huyện Thạnh Phú; mô hình trồng hoa kiểng ở xã Vĩnh Thành - huyện Chợ Lách; mô hình nuôi vịt xiêm ở xã Phú Long - huyện Bình Đại. Các mô hình trên đã giải quyết việc làm cho 368 lao động tại địa phương, đã có 58 hộ vươn lên thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 18,06%.

Bên cạnh đó, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, Bến Tre đã đẩy mạnh đào tạo nghề và xây dựng các dự án, mô hình xóa đói giảm nghèo. Năm 2014, toàn tỉnh tổ chức 229 lớp dạy nghề cho 5.739 lao động nông thôn, trong đó có 742 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia học nghề (chiếm tỷ lệ 12,92%). Các ngành nghề được tập trung đào tạo là: Bonsai-cây cảnh, may công nghiệp, đan thủ công mỹ nghệ, kỹ thuật nề, xi-măng giả gỗ, nấu ăn, trồng ca cao xen vườn dừa, nuôi gà sinh học... tổng kinh phí thực hiện trên 4,014 tỷ đồng.

Năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1- 1,5%

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo, đồng thời thực hiện hiệu quả chỉ tiêu đề ra cho năm 2015  phấn đấu giảm tỷ lệ hộ ngèo còn 5,5% trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể: Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 và các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, việc làm, dạy nghề. Trên cơ sở đó, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể hóa các hoạt động, các giải pháp chi tiết đến từng lĩnh vực, từng xã, phường, thị trấn, từng ấp, khu phố và đến tận người dân, đặc biệt là việc tiếp cận với người nghèo theo hướng cầm tay chỉ việc.

Các mô hình giảm nghèo hiệu quả của tỉnh.

Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm sâu rộng đến các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các đoàn thể, đặc biệt là các tầng lớp dân cư và người nghèo, nhằm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo để có cơ hội thoát nghèo nhanh và bền vững. Mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động giảm nghèo, việc làm và đào tạo nghề từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch; thực hiện lồng ghép các hoạt động giảm nghèo, việc làm và dạy nghề với việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và các dự án khác, nhằm huy động, tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo, giúp người nghèo, hộ nghèo có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Pha Lê/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh